Nhưng ít người biết những hoa văn đó ẩn chứa mật mã văn hóa của người
Việt Nam đã được các nhà khoa học nghiên cứu non nửa thế kỷ.
Biểu tượng vuông – tròn có từ Công nguyên?
Đây là vấn đề lý thú mà chúng tôi tiếp cận được trong khi tìm hiểu thông tin về ý nghĩa một số loại hoa văn trên trống đồng. Trong tác phẩm “Cơ sở Văn hóa Việt Nam” của PGS.VS Trần Ngọc Thêm nói về một loại hoa văn vuông – tròn thuộc loại hiếm trên trống đồng Yên Bổng, huyện Lạc Thủy, Hòa Bình và trống đồng thôn Mống, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Tác giả đã dựa trên cơ sở hoa văn của loại trống đồng này để giải mã triết lý của cha ông ta suốt hàng ngàn năm qua.
Theo PGS.VS Trần Ngọc Thêm thì biểu tượng âm – dương của người Trung Quốc ra đời từ đầu Công nguyên. Trong khi đó, người Việt lại giữ được một biểu tượng âm – dương có truyền thống lâu đời hơn, đó là biểu tượng vuông – tròn. Có vuông có tròn tức là có âm, có dương. Nói “vuông tròn” là nói đến sự hoàn thiện. Thành ngữ có câu “mẹ tròn con vuông”, “ba vuông bảy tròn”... Ca dao cũng nói “ba vuông gắn với bảy tròn, đời cha vinh hiển đời con sang giầu”, “lạy trời cho đặng vuông tròn/trăm năm cho trọn lòng son với chàng”. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du viết: “Trăm năm tính cuộc vuông tròn/phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông/nghĩ mình phận mỏng cánh chồn/khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay?”.
Điều đặc biệt là cha ông ta đã biến quan niệm này thành biểu tượng lưu giữ muôn đời. Đó là hoa văn vuông – tròn đan lồng vào nhau ở rìa trống đồng Yên Bổng và Thôn Mống. Đây chính là dấu vết truyền thống của biểu tượng âm – dương. PGS.VS Trần Ngọc Thêm cho rằng: Phải nhìn trên cái nền rộng như thế mới hiểu được cách giải thích quan niệm trời tròn, đất vuông theo lối dân gian như “trời tròn như cái bát úp, đất như cái mâm vuông” chỉ là cách lý giải ngây thơ. Thực ra đó là cách nói về triết lý âm dương mang tính hình tượng. Sở dĩ trời tròn vì trời là dương, mà biểu tượng của dương là hình tròn. Đất vuông vì đất là âm, biểu tượng của âm là hình vuông.
Từ biểu tượng vuông – tròn trên trống đồng, PGS.VS Trần Ngọc Thêm đã khái quát hóa lên thành triết lý sống quân bình của người Việt Nam. Đó là trong cuộc sống cố gắng không để làm mất lòng ai, trong việc ăn ở thì giữ sự hài hòa âm dương trong cơ thể với môi trường tự nhiên. Triết lý quân bình âm dương không chỉ vận dụng cho người sống mà còn cả với người chết. Minh chứng cho việc này là phát hiện trong những ngôi mộ cổ ở Lạch Trường, Thanh Hóa có niên đại vào thế kỷ thứ III Trước Công nguyên được gióng theo hướng Bắc – Nam. Trong những ngôi mộ này, các đồ vật bằng gỗ (dương) được đặt ở phía bắc (âm) và ngược lại, các vật bằng gốm đất (âm) được đặt ở phía nam (dương). Cách sắp xếp âm dương này, cộng với biểu tượng vuông – tròn trên trống đồng rõ ràng là để tạo ra sự quân bình.
|
Hình ảnh hoa văn trên trống đồng theo miêu tả của PGS.VS Trần Ngọc Thêm. |
Còn bí mật chưa thể giải thích
Để hiểu hơn ý nghĩa của các loại hoa văn trên trống đồng, chúng tôi đã tìm đến GS.TS Trịnh Sinh, Viện Khảo cổ học Việt Nam tìm lời giải thích. Theo đó, trên trống đồng Đông Sơn có nhiều loại hoa văn như hình mặt trời, chim lạc, con nai, con cóc... Đây là những hoa văn thể hiện đời sống sinh hoạt của cư dân nông nghiệp.
Cụ thể, hoa văn hình mặt trời là tín ngưỡng thờ thần mặt trời của cư dân Đông Sơn gắn với văn hóa nông nghiệp trồng lúa nước, bởi mặt trời là vị thần có quyền năng siêu việt, ban phát sự sống cho muôn loài. Chính vì thế mà trên trống đồng, mặt trời được đặt ở vị trí chính giữa, trung tâm, tỏa ánh sáng ra xung quanh nuôi dưỡng muôn loài.
Tuy nhiên, có một điểm khác biệt ở hoa văn hình mặt trời trên nhiều trống đồng được phát hiện. Đó là một số trống đồng có hoa văn hình mặt trời 6 cánh, 8 cánh, 12 cánh và 16 cánh. Liệu có bí mật nào ẩn sau sự biến hóa khôn lường của các con số chẵn 6, 8, 12, 16 hay không và tại sao lại có sự biến đổi kỳ lạ đến như vậy? Theo GS.TS Trịnh Sinh thì đây là vấn đề vẫn còn bí ẩn. Hiện vẫn chưa tìm ra mối liên hệ nào giữa các cánh sao ở hình mặt trời trên trống đồng với các tín ngưỡng của người Việt cổ.
Ngoài hoa văn hình mặt trời, trên trống đồng Đông Sơn còn có hai vật tổ khác là chim lạc và giao long. Chim lạc là một loài quý có mầu sắc sặc sỡ giống như phượng hoàng. Giao long là loài vật giống như rồng, sống dưới nước, có sức mạnh lấn át các loài thủy vật khác và thuộc loại bá chủ dưới mặt nước.
Còn một loài vật khác xuất hiện trên trống đồng đó chính là con cóc. Đây cũng là một biểu tượng cho quyền năng làm mưa gắn với tục cầu mưa của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Dân gian có câu rằng “cầu cho mưa thuận gió hòa/trời yên bể lặng mới yên tấm lòng”. Muốn được vậy mỗi năm, người ta phải tổ chức lễ hội cầu mưa một lần mong cây trồng tươi tốt, mùa màng bội thu. Năm nào hạn hán mà nghe thấy tiếng cóc nghiến răng thì ắt hẳn trời mưa to, người dân sẽ sung sướng, vui mừng.
Theo lý giải của nhiều nhà nghiên cứu về các biểu tượng trên trống đồng thì ngoài con cóc còn một một biểu tượng khác là con nai và con gà. Nếu trời mưa dầm dề mà thấy đàn nai chạy xuống đồng thì ắt hẳn trời nắng. Năm nào khô hạn mà nai lại chạy xuống đồng thì năm đó mất mùa vì khô hạn. Hoặc như hình con gà là biểu tượng cho quyền năng gọi ánh sáng...
Quách Văn