Bí mật thành ống
Đền thờ Hai Bà Trưng tọa lạc trên một mô đất hình trán voi cạnh sông Hồng, đoạn chảy qua huyện Mê Linh, Hà Nội, đến nay, nhiều tư liệu lịch sử ghi lại rằng: “Hai Bà Trưng được sinh ra ở vùng đất có hình con voi trắng đang uống nước hồ, cho nên khí phách mạnh mẽ, ngang tàng, khi dấy binh khởi nghĩa thì chỉ cần một lời kêu gọi trăm người nghe theo, vì lấy được lòng dân đên sự nghiệp đánh giặc cứu nước sớm toại thành”.
Sau dấy binh đánh giặc vào năm 40 – 43 sau CN, Hai Bà Trưng đã cho xây dựng thành quách, chuẩn bị cho những cuộc chiến trường kỳ có thể diễn ra trước mắt. Để chuẩn bị cho việc này, hai vị liệt nữ anh hùng đã cho xây một thành đất gồm hai lớp song song dài 1.750m, cao 3m, mặt thành rộng 3m, phía Bắc dài 500m, phía Nam dài 200m. Khoảng cách giữa hai lớp thành là 2,5 – 3m có đường đi rộng rãi, lớp ngoài gọi là quách, lớp trong là thành.
Vì kiểu kiến trúc độc nhất vô nhị này nên nhiều người gọi cổ thành Mê Linh với cái tên khác là thành ống. Thành được xây uốn lượn như hình con rắn đang cuộn mình, xung quanh có 9 cửa, trong khi những cổ thành khác được xây dựng với 3 lớp tường chạy hình xoắn ốc (như thành Cổ Loa) hoặc chỉ có một lớp như Thành Dền...
|
Hiện một góc thành cổ đã được xây gạch để chống bào mòn. |
Ông Nguyễn Huy Canh, Chuyên viên Ban quản lí Di tích Hai Bà Trưng dẫn chúng tôi đến phía sau đền thờ Hai Bà Trưng để tận mục cổ thành cách đây ngàn năm, dải thành đất năm xưa giờ chỉ còn là dấu tích với mô đất chạy dài khoảng 50m, cao gần 1m, mặt thành rộng khoảng 2,5 – 3m... phía trên được trồng những khóm tre ngà vàng óng, cách đây vài năm, Ban quản lí Di tích đã cho xây một bức tường gạch phía trong để giữ thành khỏi bị mưa gió bào mòn...
Theo ông Canh thì đến năm 1970 của thế kỷ trước, cổ thành Mê Linh vẫn còn giữ được nhiều đoạn nguyên trạng, dài hàng trăm mét, với hai lớp thành song song uốn lượn như con rắn khổng lồ ẩn hiện nơi tả ngạn sông Hồng. “Hồi đó, nhiều chỗ thành còn nguyên vẹn, thậm chí một số cổng vẫn còn nguyên, nhưng trải qua chiến tranh, rồi sự tàn phá của con người, nay chỗ thành đó đã bị san phẳng để làm nhà khiến di tích xưa giờ chỉ còn trong ký ức của lớp người tuổi đã thất thập cổ lai hy ở làng Hạ Lôi, nghĩ mà tiếc quá”, ông Canh trầm ngâm.
|
Một đoạn thành cổ Mê Linh còn sót lại phía sau đền thờ Hai Bà Trưng. |
Chiến thuật tre vây
Sinh thời, Hai Bà Trưng được nhiều người tôn sùng vì có trí thông minh, mưu kế hơn người, tài thao lược của hai bà cũng ít người sánh kịp, trong sách “Việt sử tiêu án” của Ngô Thì Sĩ có chép: “Năm 40, Hai Bà Trưng tụ họp binh sĩ, dấy cờ khởi nghĩa ở đất Phong Châu, khi ra quân, mặc dù chưa hết tang chồng nhưng bà vẫn ăn mặc rất đẹp, các tướng sĩ thấy lạ liền hỏi, bà Trưng Trắc bèn nói: “Việc binh phải tòng quyền, nếu cứ giữ lễ làm cho dung nhan xấu xí thì có khác nào làm giảm nhuệ khí quân ta, cho nên ta mặc đẹp như vậy để cho thế quân hùng tráng. Vả chăng, giặc kia nhìn thấy lòng sẽ không yên, như thế ta càng thêm phần dễ thắng”. Mọi người nghe vậy đều vái tạ mà nói rằng họ không thể nào nghĩ được như bà”.
Trong số rất nhiều mưu kế của Hai bà Trưng mà dân gian truyền miệng có chuyện về kế sách dùng tre làm thành, lũy che mắt quân giặc. Theo một số tư liệu hiện còn lưu giữ được về Đền thờ Hai Bà Trưng thì cổ thành Mê Linh trước đây được trang bị một lớp rào đặc biệt, đó là tre gai. Rặng tre gai dài gần 2km trên hai tường thành chạy song song nhằm ngăn chặn quân địch đột nhập. Tre dày tới mức, đến con gà cũng không thể lọt qua được.
|
Những mũi tên đồng thời Hai Bà Trưng được tìm thấy. |
Ngoài ra, dãy tre cao đến hàng chục mét sẽ làm cho các hoạt động luyện tập quân sự trở nên kín đáo, bí mật hơn trước ánh mắt nhòm ngó của quân địch. Khi có chiến sự, với hai lớp thành cùng 9 cửa ra vào có thể phòng thủ vững chắc và tấn công ra ngoài một cách linh hoạt, ngoài ra với kiến trúc thành hình ống sẽ dễ dàng cho việc tiếp tế vũ khí, lương thảo... tạo thành thế trận giết giặc hiệu quả...
Ông Nguyễn Huy Canh cho biết: “Đến năm 1970, những rặng tre già này vẫn còn mọc trên cổng thành kín mít như ngàn năm trước đó, nhưng giờ không còn nữa. Cách đây vài năm, khi bảo tồn thành cổ, chúng tôi đã trồng thêm những rặng tre ngà, tre gai lên trên nhằm tái hiện khung cảnh xưa kia, để mỗi khi khách du lịch có điều kiện đến thăm được hình dung về di tích ghi dấu chiến công lừng lẫy một thời của cha ông ta”.
“Ngoài đoạn thành cổ phía sau điện thờ, các nhà khảo cổ đã tìm được một số hiện vật dưới móng thành như gạch thời Hán, mũi tên đồng, tiền cổ thời Hán... đây là những hiện vật quí giá giúp chúng ta hình dung về kinh thành Mê Linh xưa và công cuộc chiến đấu chống lại quân xâm lược, bảo vệ non sông, đất nước”.
Ông Nguyễn Huy Canh (Ban Quản lý Di tích đền Hai Bà Trưng)
Văn Quách