Từ xưa, cao nguyên trắng Bắc Hà (Lào Cai) đã có một ngôi đền thiêng thờ anh hùng Gia quốc công Vũ Văn Mật mà người bản địa vẫn quen gọi là Chúa Bầu.
Chúa Bầu cao nguyên
Ông Ngô Văn Huân, Cán bộ Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Bắc Hà cho biết, sử sách ghi lại vào thời vua Lê Chiêu Tông (1516 - 1522) tại làng Ba Động, huyện Gia Phúc (nay là Gia Lộc, Hải Dương). Hai anh em họ Vũ lúc bấy giờ là Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật đã lên Khau Bầu - Đại Đồng của trấn Tuyên Quang sinh sống, lập nghiệp.
Sau một thời gian ngắn, thấy tù trưởng Đại Đồng tàn ác, bất nhân, ngược đãi dân lành, lại xảy ra nạn giặc giã cướp bóc khắp nơi, anh em họ Vũ đã tích trữ lương thảo, chiêu binh mãi mã cùng người dân địa phương thu phục được nhiều tù trưởng người dân tộc thiểu số lập nghiệp trên vùng đất của trấn Tuyên Quang.
Các sử gia đều đánh giá về những việc làm của hai đầu lĩnh họ Vũ đã thu phục được dân chúng trong vùng về tụ hội, sinh cơ lập nghiệp. Họ Vũ đã chọn vùng đất Phúc Khánh (nay là thị trấn Phố Ràng của huyện Bảo Yên, Lào Cai) để xây dựng căn cứ, đặt doanh Yên Bắc.
Từ đó, vùng đất này trở nên đông đúc bởi người Kinh dưới xuôi di cư lên sát cánh cùng người Tày, người Nùng, người Dao và nhiều đồng bào dân tộc thiểu số khác làm cho vùng đất dọc theo sông Chảy lên tận tổng Ngọc Uyển (Bảo Nhai ngày nay) thịnh vượng dài lâu.
|
Cụ Cừ chỉ phiến đá thiêng sau đền. |
Sau một thời gian dài, số binh sĩ của anh em họ Vũ lên tới hàng vạn người, họ liên kết với các tù trưởng tiến hành xây dựng vùng căn cứ ngược ven dòng sông Hồng và sông Chảy. Ở đâu có loạn đều được Vũ Văn Mật dẹp loạn, giúp nhà Lê chống giặc xâm lấn biên ải.
Trong "Kiến văn Tiểu Lục" của Lê Quý Đôn đã viết: "Ở vùng Ngọc Uyển (tức là Trung Đô, Bảo Nhai và vùng phụ cận bây giờ) Mật đã cho xây thành, đắp lũy chống nhau với nhà Mạc ngót 20 năm ròng".
Gia quốc công Vũ Văn Mật đã cho đắp thành Nghị Lang vững chãi, xây lũy cứ ở Trung Đô tổng Ngọc Uyển để giữ yên bờ cõi, không cho giặc ngoài xâm lấn. Còn Vũ Văn Uyên được triều đình phong cho chức Đô Tổng binh trấn Tuyên Quang và tước Khánh Dương Hầu.
Khi nhà Mạc chiếm ngôi nhà Lê (1527 - 1592), tình hình trở nên bất ổn, giặc giã nổi lên khắp nơi, giặc phương Bắc thừa cơ nhòm ngó biên ải. Anh em nhà họ Vũ kêu gọi các tù trưởng người dân tộc thiểu số trấn giữ các cửa thành không cho quân nhà Mạc lên phá thành và giặc ngoài tràn đến.
Sau khi Vũ Văn Uyên chết, Vũ Văn Mật tiếp tục trấn giữ nơi biên giới phía Tây và được vua Lê Trang Tông (1533 - 1548) sắc phong Tổng binh trấn Tuyên Quang, tước Gia quốc công Vũ Văn Mật tiến hành thiết lập lại vùng Đại Đồng kéo dài đến vùng Ngọc Uyển của châu Thủy Vĩ thành 11 dinh. Đồng thời, cử các tướng dưới quyền trông coi cẩn mật.
Vì Vũ Văn Mật cho dời căn cứ từ thành Nghị Lang, xây thành đắp lũy trên Gò Bầu nên nhân dân địa phương gọi ông là Chúa Bầu. Sau khi Vũ Văn Mật qua đời, con trai là Vũ Công Kỷ tiếp tục trấn thủ. Họ Vũ sau hơn một trăm năm đã kết thúc vai trò lịch sử ở trấn Tuyên Quang kéo dài lên tận vùng phía Bắc châu Thủy Vĩ, nơi triều đình nhà Lê gọi là dinh An Tây. Đền thờ Bắc Hà cũng được hình thành để tỏ sự thành kính, tưởng nhớ công lao đối với Chúa Bầu.
|
Đền Trung Đô nhận bằng công nhận di tích. |
Ngôi đền thiêng
Ông Trần Quang Phượng, Trưởng ban Quản lý đền Bắc Hà cho biết, trước đây đền Bắc Hà chỉ là một ngôi đền nhỏ án ngữ dưới gốc cây cổ thụ nghìn năm tuổi. Một cành của cây cổ thụ bị gãy cắt đôi ngôi đền nhưng ban thờ chính và bát hương không bị ảnh hưởng.
Qua mỗi đời, ngôi đền lại được trùng tu rộng rãi thêm. Và những chuyện linh thiêng cũng từ đó lan truyền. Nhiều kẻ vì hám lợi vào đền trộm cắp đồ cổ đã bị quả báo. Thậm chí, có người ở huyện Bắc Hà vào đền lấy 3 pho tượng Tam Đa, gia đình đang êm ấm bỗng dưng phát điên phát dại.
Chuyện mới nhất cách đây chưa lâu, có một người mang vật quý vào đền nhưng lại ngồi lên tảng đá phía sau đền. Khi vị khách đứng lên thì không còn thấy vật quý đâu nữa. Nghĩ đã mạo phạm đến Chúa Bầu nên người ấy gặp từ đền thắp hương khấn vái. Khi ra tảng đá, lại thấy vật quý xuất hiện.
"Nói đến chuyện tâm linh thì nhiều khi hư cấu. Theo tôi thì đền nào cũng thiêng nếu chúng ta thành tâm. Đền Bắc Hà cũng vậy nên rất nhiều người coi đây là điểm tựa tâm linh. Họ đến để cầu an, cầu tài lộc và xin con với những vợ chồng hiếm muộn", ông Phượng cho biết.
Cụ Đỗ Văn Cừ (80 tuổi) là người gắn bó với đền Bắc Hà từ rất lâu nên hiểu mọi chuyện. Cụ Cừ bảo, ngôi đền này không đơn thuần chỉ là thờ Chúa Bầu mà còn thờ cả những tướng lĩnh dưới trướng của ông. Nên theo quan niệm tâm linh, đền Bắc Hà còn là nơi ngự trị của quan quân triều đình nên sự tôn kính là cần thiết.
|
Chiếc điếu cày của Chúa Bầu. |
Chiếc điếu cày bí ẩn
Trên ban thờ Chúa Bầu hiện nay, vẫn còn những vật dụng như đạn súng thần công, những chiếc bát đĩa của Vũ Văn Mật xưa kia. Thậm chí, chiếc điếu cày mạ đồng hình rồng phượng cũng được tìm thấy trong khi khai quật di chỉ khảo cổ thành Trung Đô.
Thành Trung Đô xưa được xây dựng vào thế kỷ XVIII để thờ Chúa Bầu. Trong khi khai quật, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một số vật dụng như súng thần công cùng một số sắc phong do vua ban. Trong đó, có cả chiếc điếu cày mà nhiều người cho rằng, chủ nhân của nó chính là Chúa Bầu.
Tuy các sử sách không nhắc đến việc Gia quốc công Vũ Văn Mật nghiện thuốc lào nhưng những câu chuyện dân gian thì khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng, chiếc điếu cày ấy là do chính Chúa Bầu sử dụng khi còn sống. Vì vậy, chiếc điếu được đặt long trọng trên ban thờ cùng các vật dụng khác.
Cụ Đỗ Văn Cừ cho hay: "Những vật dụng này cần phải được bảo vệ, gìn giữ cẩn thận. Vừa rồi, khi vào Nghệ An tìm mộ Chúa Bầu ở huyện Yên Thành chúng tôi cũng đã thu thập được 6 sắc phong do vua Lê ban cho Chúa Bầu. Đó là những chứng cứ chứng tỏ công lao của Gia quốc công đối với đất nước".
Hiện tại, thành Trung Đô còn 3 ngôi mộ ở dưới một gốc cây lớn. Một mộ đôi của vợ chồng tướng quân dưới trướng Chúa Bầu là Hoàng Vần Thùng. Ngôi mộ còn lại là của con gái Chúa Bầu tên là Vũ Nàng Hiến. Các nhà khảo cổ cho rằng, tuy đã khai quật thành Trung Đô nhưng những bí mật của Chúa Bầu vẫn chưa thể khai mở bóc tách hết.
"Ở đền Trung Đô, tướng quân Hoàng Vần Thùng kế tục sự nghiệp của Chúa Bầu. Cách đình làng khoảng 2km về hướng bắc là di chỉ thành cổ là một dải lũy xếp bằng đá cao gần 2m bao bọc một quả đồi bên suối Nậm Thin. Đền Trung Đô đã được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử Quốc gia vào năm 2010".
Ông Ngô Văn Huân (Cán bộ Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Bắc Hà)
Trần Thế