Chủ nhà không đồng ý sao chúng tôi dám quay?
Gần đây có ý kiến chỉ trích gay gắt việc các đoàn phim diễn hài dâm tục trong các ngôi nhà cổ Đường Lâm, trong đó lấy nhiều dẫn chứng từ phim hài Tết "Chôn nhời" do anh làm đạo diễn. Trước những lời phản ứng này anh có suy nghĩ thế nào?
Tôi có xem hết bài báo nói về việc này. Tôi thấy người ta đang nhầm lẫn giữa việc trong phim và ngoài đời. Điều quan trọng, tất cả các đoàn làm phim khi vào quay đều phải được sự đồng ý của chủ nhà. Với phim hài Tết Chôn nhời chủ nhà thậm chí còn đứng đấy xem chúng tôi quay. Nếu họ không đồng ý sao chúng tôi quay được.
Cũng xin nói rõ, chi tiết Quốc Anh diễn cảnh "bắt ăn ba bát cứt chó" không phải phim tôi đạo diễn.
|
Đạo diễn Phạm Đông Hồng. |
Vậy việc thỏa thuận giữa đoàn phim và gia đình diễn ra như thế nào thưa anh?
Thực tế các đoàn phim Việt Nam mình quá nghèo không có trường quay, bởi vậy quay những cảnh nào thì các đoàn phim tìm đến những nhà có bối cảnh phù hợp để quay. Tất nhiên, việc quay phải theo thỏa thuận của đoàn làm phim và chủ nhà. Thông thường việc này tổ họa sĩ sẽ phụ trách.
Chúng tôi phải được sự đồng ý của chủ nhà, chính quyền địa phương mới được quay. Đây là thủ tục hàng chục năm nay của các đoàn làm phim rồi.
Hiện nay, làng cổ Đường Lâm và Tây Mỗ được mệnh danh là phim trường hollywood của VN. Đa phần các đoàn làm phim cần quay những cảnh nhà cổ đều đến đây. Với những nơi này việc đón các đoàn làm phim đã thành quen rồi.
Phim Chôn nhời quay từ năm ngoái, dịp Tết 2014. Nếu không được thỏa thuận thì làm sao anh em dám vào quay. Còn việc thỏa thuận trả bao nhiêu thì tôi không thể tiết lộ.
|
Một cảnh trong phim hài Tết "Chôn nhời". |
Trong "Chôn nhời", nhiều cảnh bị chỉ trích tục tĩu, vô văn hóa như: chim chuột, vén váy, sờ chỗ nhạy cảm của nhau, chia tiền hối lộ, chửi bới nhau... Ý kiến này còn cho rằng những hành động đó diễn ra trước sập thờ, xâm phạm đến sự linh thiêng nơi đây. Là đạo diễn những cảnh quay này, ông có ý kiến gì?
Xin nhấn mạnh là trong 2 ngày quay Chôn nhời, chủ nhà thường có mặt ở đây 24/24. Chị chủ nhà còn rất thoải mái, thậm chí còn nấu cơm cho đoàn phim. Nếu họ cảm thấy bị xâm phạm đến ban thờ sao để cho chúng tôi quay.
Riêng tôi đi làm rất biết ý. Khi nghỉ ngơi cũng dặn anh em không ngồi lên sập quay lưng vào bàn thờ. Anh em cũng là những người có văn hóa.
Riêng chuyện phim tục hay không tục là dính đến nội dung. Các phim ra mắt đều phải qua khâu kiểm duyệt rất gắt gao. Nếu phim tục đã không được phát hành.
Cảnh Phạm Bằng và Kim Oanh "chim chuột" trong phim có phải được quay trước ban thờ không thưa anh?
Thông thường một ngôi nhà cổ có sập gỗ ban thờ ở giữa, hai bên có 2 tràng kỷ. Khi quay chúng tôi luôn dùng vải đỏ che ảnh trên ban thờ.
Còn cảnh của Phạm Bằng và Kim Oanh quay trên tràng kỷ. Quan trọng là những cảnh quay này được chủ nhà đồng ý.
|
Nghệ sĩ Phạm Bằng và diễn viên Kim Oanh trong phim. |
Đừng nhầm lẫn chuyện trong phim và ngoài đời
Trong bài viết chỉ trích việc xâm hại ban thờ, nếp nhà cổ Đường Lâm có nhắc đến tác phẩm "Thầy Rởm", cũng do anh làm đạo diễn, có đoạn Quốc Anh trèo tường đi tòm tem bị bắt gặp đã chống chế là "tìm đường lên giời". Chi tiết này vô tình đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân sống tại ngôi nhà này. Việc này anh nghĩ sao?
Chúng tôi quay Thầy Rởm cách đây 2 năm rồi và đương nhiên là quay ở nhà khác. Tại sao cứ nhầm lẫn chuyện trong phim với chuyện ngoài đời.
Tối qua hai nghệ sĩ Quốc Anh và Phạm Bằng cũng gọi điện cho tôi rất bức xúc. Anh em nghệ sĩ đều cố gắng để làm một tác phẩm hay phục vụ công chúng. Giờ có những ý kiến không hay như vậy thì cũng buồn.
Đi quay ở làng quê nhiều, anh đã gặp tình huống bị người dân phê phán thế này chưa?
Chúng tôi đi quay nhiều đa số người dân họ đều rất tốt, nhiệt tình giúp đỡ đoàn phim. Việc đến các làng quê quay họ cũng quen rồi, việc này không có gì mới nữa.
Khi đi quay chúng tôi lấy một ngôi nhà nhưng để nói chung cho bối cảnh làng quê Việt Nam chứ không nhắc đến một ngôi nhà nào cụ thể.
Đến tháng 9 chúng tôi sẽ bấm máy phim Tết, vẫn làm theo hướng hài dân gian.
Cảm ơn anh về cuộc trao đổi.
Nguyệt Cát