Mới đây câu chuyện hậu trường quay phim hài tại làng cổ Đường Lâm đã trở thành chủ đề nóng, thu hút sự quan tâm của dư luận.
Cụ thể, với bài viết "Xin hãy tử tế với những người đã chết ở làng cổ Đường Lâm", nhà báo Đỗ Doãn Hoàng lên tiếng chỉ trích các hãng phim, nêu đích danh những gương mặt diễn viên hài nổi tiếng như: Phạm Bằng, Quốc Anh, Quang Thắng, Kim Oanh... đã diễn những cảnh dung tục, phản cảm ngay trước ban thờ, xâm phạm đến sự thiêng liêng chốn thờ tự, nếp nhà tại làng cổ Đường Lâm.
|
Nghệ sĩ chèo Quốc Anh cùng Kim Oanh, Quang Thắng, Thành Trung trong một cảnh quay tại làng cổ Đường Lâm. |
Trước việc bị chỉ trích diễn hài dung tục, có những hành động phản cảm, chia sẻ với Kiến Thức, nghệ sĩ chèo Quốc Anh cho biết:
"Tôi thấy người viết bài đó rất cay nghiệt, họ nâng cao quan điểm quá. Đừng đưa tiêu đề với những người đã khuất như vậy, nghe khủng khiếp lắm. Những người nghệ sĩ họ không sống vô tâm đâu. Trước khi làm chúng tôi đã nghiên cứu kỹ, không bao giờ dám để phản cảm. Khi đến quay phim đoàn cũng đã thắp hương đàng hoàng.
Đoàn phim cần một bối cảnh ngôi nhà cổ để quay. Khi đến thấy ngôi nhà cổ ấy hợp với bộ phim nên đã xin phép gia đình quay ở đây. Việc quay phim là hoàn toàn nhận được sự đồng ý của gia đình, nếu không chúng tôi không thể nào quay được. Trong suốt quá trình quay gia đình cũng không có ý kiến gì. Nếu có vấn đề gì chắc họ đã không cho quay rồi.
Bây giờ để đánh giá những cảnh ấy có phản cảm hay không họ phải xem từ đầu đến cuối bộ phim, hiểu hết ngõ ngách, rõ đầu đuôi câu chuyện thì hãy nói, hãy viết. Trong dịp phim Tết 2014, Chôn nhời được đánh giá là một trong những phim hài hay nhất. Những chi tiết trong phim không hề phản cảm.
Hài dân gian thường hay nói đến chuyện quan tham, ăn hối lộ, háu gái. Đó là những gì xảy ra trong cuộc sống xưa, chúng tôi có làm khác đâu. Cảnh diễn của nghệ sĩ Phạm Bằng và diễn viên Kim Oanh tại ngôi nhà cổ cũng không đến mức quá lộ liễu.
|
Một cảnh quay của nghệ sĩ Quốc Anh bị chỉ trích. |
Riêng chi tiết "Lý Trưởng thách người thanh niên ăn hết ba bát cứt chó sẽ gả con gái" là một cảnh quay ngoài sân chứ không phải trong nhà. Bộ phim này mới được hoàn thành cách đây mấy ngày. Đây là một tích truyện dân gian, nếu ai từng đọc thì thấy câu nói này rất bình thường. Đấy cũng không phải là cứt chó đâu mà chỉ là chè lam.
Chuyện "đường lên giời" cũng không có gì to tát. Đây chỉ là chi tiết trong phim. Tôi dám khẳng định đến giờ, qua 33, 34 năm trong nghề chưa ai nói tôi diễn thô tục.
Nếu gia đình có điều kiêng kỵ thì ngay từ đầu đừng cho đoàn phim vào quay. Gia đình cho quay thì người ta mới dám quay chứ. Hoặc giả như, nếu đoàn làm phim khi quay mà vi phạm đến thuần phong mỹ tục thì hãy có ý kiến.
Nói thực chúng tôi đi quay nhiều nơi, vào Sài Gòn cũng có, đi quay nhà cổ của một công tử bạc liêu họ còn vui vẻ, giúp đỡ rất nhiệt tình".
Ngày 9/8, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - một người con của làng cổ Đường Lâm đã bức xúc lên tiếng trước việc đoàn phim hài đã xâm phạm đến bàn thờ linh thiêng, nếp nhà tại làng cổ Đường Lâm. Cụ thể, trong bài viết của mình, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã chỉ đích danh những diễn viên hài nổi tiếng: Phạm Bằng, Quốc Anh, Quang Thắng, Kim Oanh... đã đóng phim đậm chất dân gian cải biên và quá nhiều dâm tục trước ban thờ nhà anh.
"Các bộ phim được đóng với tiếng loa của đạo diễn đinh tai nhức óc, diễn viên quần chúng chạy ào ào, họ phát sóng, bán băng đĩa vô cùng ầm ĩ. Ông Phạm Bằng (diễn viên) sờ soạng, cởi yếm cô Kim Oanh (diễn viên), ông Quang Thắng chửi bới tục tĩu “tổ cha tổ mẹ”, lũ nọ lũ kia; ông Quốc Anh rầm rĩ “bắt nó ăn ba bát cứt chó”, dân làng ơi vào xem thằng này ăn hết ba bát cứt chó cấm rớt ra tí nào.
|
Nghệ sĩ Phạm Bằng và diễn viên Kim Oanh bị lên án vì những cảnh "chim chuột" trong ngôi nhà cổ ở Đường Lâm. |
Họ vạch váy áo của nhau ra. Họ sờ nhau và diễn cách chim chuột (ngoại tình giữa quan anh và vợ của quan em) ngay trong ngôi nhà cổ đó, nơi các cụ nhà tôi cũng đều là quan cả... Họ ngồi, đứng, vén váy, sờ chỗ nhạy cảm của nhau, chia tiền hối lộ, giấu hòm tiền xuống gậm bàn thờ, chửi bới nhau tục tĩu ngay trên cái sập thờ thiêng liêng chính giữa ngôi nhà thờ của chúng tôi.
Ở đó, cách chưa đầy 1m là ông nội tôi, cụ nội tôi, các ông bác ông chú đã khuất của tôi, anh tôi… từ trong ảnh thờ đang nhìn ra. Nó gần lắm, gần đến mức khi tôi chụp lại màn hình bộ phim đang “chiếu” đó (họ đã phát hành chính thức), thì ai cũng biết đó là họ đang ngồi trước bàn thờ nhà tôi (chứ không phải nhà khác). Tức là họ làm đủ trò đáng xỉ nhục trên cái nơi mà tôi chưa bao giờ dám giẫm chân lên, mẹ tôi 50 năm về làm dâu cũng chưa bao giờ dám ngồi vào.
Xin được hỏi: Văn hóa, di sản văn hóa quốc gia, sao lại có thứ văn hóa đem bàn thờ nhà người khác ra để đóng phim, để diễn thứ hài dân gian dung tục toàn cứt đái, chim chuột, quan tham, lừa lọc, đểu cáng, mất dạy… đến mức ấy?
Có ai để cho người ta chửi bới nhau, sờ soạng nhau, hí húi tí tủm diễn cảnh trai trên gái dưới, rồi bắt nhau ăn ba bát cứt chó cấm rơi ra tẹo nào… ở ngay vị trí cách ảnh thờ, bát nhang thờ của tổ tiên mình chưa đầy 1m không? Tôi đã khóc khi thấy ban thờ nhà mình được chiếu trên phim ảnh “sốt sình sịch” trên thị trường với đủ thứ dâm tục đáng xấu hổ" - trích bài viết của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng trên báo Lao Động.
Nguyệt Cát