Sắm đủ các loại vai, từ vai thư sinh, vai hề, vai đểu cáng, háu gái đến những vai thể hiện nhân cách lớn như Nguyễn Trãi. Vai nào anh cũng gây được ấn tượng mạnh mẽ. Điều gì khiến anh biến hóa được như vậy?
Để biến hóa được trong nhiều vai diễn, trước hết người nghệ sĩ phải giàu sức tưởng tượng, cộng với đó là những trải nghiệm ở trường đời. Vốn sống càng nhiều, cuộc sống càng xù xì, góc cạnh thì càng có nhiều những phút thăng hoa trong vai diễn. Thực tế, trong lĩnh vực nghệ thuật, có những bậc đại thụ sáng tác được những tác phẩm để đời, giàu tính nhân văn, lại chính là khi họ rơi vào tình thế bấp bênh, chống chếnh nhất.
|
Nghệ sĩ chèo Quốc Anh thăng hoa trong vai diễn |
Sức tưởng tượng đó giúp gì cho vai diễn của anh?
Tôi là người lười tập trên sàn nhất. Thế nhưng mỗi lần nhận một kịch bản tôi luôn nghĩ về nó, thậm chí có thể thức trắng cả đêm để ngồi trăn trở, suy nghĩ về nhân vật. Tôi cứ mường tượng, nhân vật này phải có thần thái thế này, hay nhân vật kia phải có động tác, lối diễn thế kia. Với tôi, tập nhiều trên sàn chưa hẳn đã tốt mà chủ yếu là tập trong đầu. Nghề diễn là vậy, nó không giống người công nhân đi vặn con ốc vít, người nghệ sĩ càng có trí tưởng tượng phong phú bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.
Trong cuộc đời nghệ sĩ, anh thấy thích thú với loại vai diễn nào hơn, vai hài, phản diện hay chính diện?
Với tôi dạng vai nào tôi cũng thích miễn là vai ấy tôi cảm thấy hợp với trí tưởng tượng của tôi và tôi có thể đẩy vai diễn ấy lên. Điều đó tôi cảm được ngay từ khi đọc kịch bản. Tôi cũng là người kén chọn, đọc kịch bản thấy vai diễn không hợp là tôi từ chối luôn.
Nhiều người xem tôi diễn hài, cứ nghĩ rằng tôi không diễn được dạng vai khác, nhưng lần đóng vai Nguyễn Trãi trong Oan khuất một thời, có người xem xong lại khuyên tôi đừng đóng hài nữa. (Cười)
|
"Những giai điệu ngâm nga của chèo thì không bao giờ chết được, thậm chí cả nghìn năm sau" - NSƯT Quốc Anh. |
Với nghệ thuật chèo, so với chèo cổ dường như chèo hiện nay ngày càng ít những vở hay và phù hợp với nhịp sống hiện đại, là Phó Giám đốc Nhà hát chèo Hà Nội anh nghĩ sao? Theo anh nên cách tân hay bảo tồn chèo cổ?
Chèo cổ có cái hay của chèo cổ và chèo hiện đại cũng có cái hay riêng. Kể cả muốn đổi mới yếu tố nào đó cho hợp với thị hiếu khán giả thì vẫn phải giữ lại cái gốc của chèo. Điều quan trọng hơn là làm cách nào để khán giả cảm nhận được cái hay đó. Nếu họ không cảm nhận được cái hay của chèo thì mình là người thua.
Cuộc sống hiện nay với các phương tiện thông tin hiện đại, tất cả mọi luồng thông tin ồ ạt tấn công, không thiếu một thứ gì. Đặc biệt là khán giả trẻ, những người luôn đi theo trào lưu. Ví như điệu nhảy Gangnam style vốn chả có gì hay ho nhưng lại hot, tuy nhiên điều đó chỉ là nhất thời, lúc thích là thế nhưng chỉ được một thời gian ngắn họ lại chán ngay. Nhiều bài hát nhạc trẻ bây giờ cũng vậy, thời gian đầu hát ra rả nhưng được mấy năm thì chả ai còn nhớ. Chèo thì khác, những giai điệu ngâm nga của chèo thì không bao giờ chết được, thậm chí cả nghìn năm sau.
Đương nhiên chèo sẽ kén khán giả. Đa số những người đến với chèo là những người đã trải qua trường đời, có nhiều trải nghiệm. Đến một giai đoạn nào đó người ta sẽ đi tìm cái bản ngã của mình, muốn quay về cái gốc, lúc đó họ mới tìm đến các môn nghệ thuật dân tộc, mới ngấm và cảm nhận được hết cái hay của chúng. Nhiều người thành đạt trong xã hội, khi tuổi xế chiều mới gật gù nhận ra, điệu chèo hay thế mà mình không biết thưởng thức cứ đi tìm ở đâu.
Theo anh, nên làm gì để chèo cũng như các môn nghệ thuật dân tộc ngấm dần vào giới trẻ?
Muốn làm được điều đó những người làm quản lý phải hướng được thị hiếu khán giả, làm sao cho các môn nghệ thuật dân tộc này tiếp cận được với số đông, chứ nhiều nghệ sĩ chèo, tuồng hiện nay thậm chí không được ai nhắc đến.
Ngay như việc tuyên truyền cũng cần xác định đúng hướng, những cái xấu thì cứ thông tin rầm rộ, trong khi những cái tốt thì chỉ nói một lần rồi chả bao giờ nhắc lại. Ví dụ như trường hợp của
Bà Tưng hay các vụ giết người … chỉ nên đưa tin một lần, sau đó phải loại ngay, đừng bao giờ nhắc lại nữa.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Nguyệt Cát