|
Bà Vân tâm sự:“Từ hồi ông ấy mất, không lo lắng, vất vả nữa nhưng tôi lại già nhanh hơn vì buồn”. |
Với bà, không có gì phải chịu đựng bởi mọi việc làm đều xuất phát từ tình yêu thương. Bà là Đinh Thị Bích Vân, nguyên giáo viên dạy môn hoá, trường THPT Nguyễn Trãi, Hà Nội.
Lấy nhau được mấy năm, con còn bé tẹo ông ấy đã phải đi Nam rồi. Cả hai đợt là hơn chục năm. Nhưng thời ấy đàn ông ra trận, phụ nữ ở nhà vừa phải nuôi con, vừa đi dạy học, rồi đi sơ tán... cũng là chuyện bình thường. Tôi vẫn nói với ông ấy, anh đi chiến đấu ở miền Nam thì em chờ đợi như thế, chứ nếu anh đi công tác hay đi học ở nước ngoài thì khó lòng mà giữ được. Ở chiến trường thì một sống hai chết, bom đạn, đói khát, khổ sở... mình nghĩ cũng thương, cũng phải làm gì cho xứng đáng. Chứ nếu đi nước ngoài thì lại nghĩ, sang đấy hưởng sung sướng, có thể có chuyện này nọ.
Sau 9 năm ông ấy được về để đi học thêm về nghiệp vụ. Sau khi sinh đứa con thứ 2 được 2 tháng rưỡi lại đi. Hơn 1 năm sau mới về. Được 10 năm sống gần nhau, sau ông ấy lại đi làm chuyên gia bên Angieri 3 - 4 năm. Đến khi về nghỉ hưu lại bị suy thận. Đến năm 2002 thì phải chạy thận nhân tạo.
Thời trẻ thì khổ vì chiến tranh, con nhỏ, cô đơn. Giai đoạn sau thì vất vả vì ông ấy nay ốm mai đau. Lúc trước còn trẻ chứ lúc chăm ông ấy ốm thì mình cũng già rồi. Cứ 1 tuần ông ấy phải chạy thận nhân tạo 3 lần. Bình thường thì ở nhà ông ấy vẫn tự phục vụ được, người chỉ yếu thôi. Còn vẫn phải khám bệnh cho người ta để lấy tiền chữa bệnh, chứ trông vào lương thì không đủ. Chỉ lo nhất là thỉnh thoảng lại phải đi cấp cứu vì sức đề kháng kém, hay sinh ra bệnh nọ bệnh kia như viêm phổi, viêm dạ dày, viêm tắc tĩnh mạch...
Chồng ốm thì mình phải chăm sóc là chuyện bình thường. Hơn nữa, vợ chồng ngoài cái tình ra còn là cái nghĩa. Những lúc ốm đau, chăm sóc nhau càng thương nhau hơn. Mà ông ấy tốt lắm. Vợ muốn làm gì thì làm, không có ý kiến gì cả. Đi nước ngoài về có được đồng nào đưa hết cho vợ, vợ muốn tiêu thế nào thì tiêu. Không những tốt với mình mà với gia đình mình, với mọi người xung quanh. Mẹ mình rồi anh em họ hàng ai cũng quý. Có lần bà cụ nhà mình lên đây, đêm cụ đi vệ sinh không kịp, bị bẩn quần, mình thay cho cụ xong để trong nhà tắm, sáng ra thấy ông ấy đã giặt giũ sạch sẽ phơi lên rồi mới đi làm. Đối với mẹ vợ mà còn tốt như thế đấy. Những chuyện tình nghĩa như thế cả đời mình không quên được.
Có người bảo cũng già rồi, chăm sóc có mức độ thôi, phải nghĩ đến mình chứ. Nhưng tôi bảo không thể được, phải cố gắng đến cùng. Vậy mà kéo dài được hơn bảy năm rưỡi. Không phải nhiều người được như thế đâu.
Tôi nghĩ, tình nghĩa vợ chồng là cả quá trình vun đắp từ cả hai phía. Lúc trẻ phải biết sống có trách nhiệm, thương yêu, chia sẻ với nhau để khi về già còn nương tựa vào nhau. Từ hồi ông ấy mất, không lo lắng, vất vả nữa nhưng tôi lại già đi nhanh hơn vì buồn. Lúc ông ấy ốm đau, mình có vất vả đấy nhưng vẫn còn có người để chuyện trò, chia sẻ...
Bảo Anh