Viện Nghiên cứu Chiến lược và chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) nhận định: Thuế cao là lý do cơ bản khiến giá xe ở Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực tới 300 triệu đồng, đặc biệt là thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng với dòng xe dưới 9 chỗ.
Hiện ôtô cá nhân từ 9 chỗ trở xuống đang chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ 45-60% tùy theo dung tích xi lanh. Loại xe này lại bị đánh chồng sau khi đã tính giá mua bộ linh kiện cộng với thuế nhập khẩu.
DN muốn thêm ưu đãi
Mới đây, Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đã đề xuất giảm 20-25% thuế tiêu thụ đặc biệt với tất cả các loại xe từ 9 chỗ trở xuống, bắt đầu từ năm 2014, với mục đích giúp giảm giá bán xe, tạo điều kiện tăng quy mô thị trường để đẩy nhanh nội địa hóa. Trước đó, Bộ Công Thương, cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo "Chiến lược phát triển Công nghiệp ôtô giai đoạn 2020 tầm nhìn đến 2030" - đã từng đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt tới 70% cho dòng xe chiến lược, nếu các DN đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 40% trở lên.
|
Hiện ôtô từ 9 chỗ trở xuống đang chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ 45-60%. |
Theo các DN ôtô, với việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt từ 5-10% và giảm cho cả xe có dung tích xi lanh dưới 1.5 L nhập khẩu nguyên chiếc từ khu vực ASEAN về, coi như không có ưu đãi cho sản xuất trong nước.
Với việc giảm các loại thuế mà giá xe trong nước chỉ giảm được 25-50 triệu đồng/chiếc, và giá xe ở Việt Nam hiện cao hơn khu vực từ 50-300 triệu đồng thì có thể nói, xe trong nước không cạnh tranh nổi với xe nhập khẩu. Cùng với việc giữ nguyên thuế tiêu thụ đặc biệt với xe 2.0L và dự kiến nâng thuế với xe 3.0L thì quy mô thị trường ôtô sẽ vẫn không thể mở rộng, sản lượng xe khó tăng lên và công nghiệp ôtô Việt Nam khó có thể phát triển, trong khi thời gian không còn nhiều.
Theo ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Cty cổ phần ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki), sai lầm nhất với chính sách ôtô thời gian qua là đánh thuế tiêu thụ đặc biệt dựa trên giá bán. Với cách làm này thì không khuyến khích các DN đẩy mạnh nội địa hóa. Các nước trong khu vực đánh thuế tiêu thụ đặc biệt dựa trên giá đơn hàng nhập khẩu bộ linh kiện. Chẳng hạn, với DN nhập khẩu 100% linh kiện xe về lắp ráp, với giá 10.000 USD/ bộ, khi chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là 45% thì chi phí sẽ cao, còn nếu DN nào nội địa hóa 50% chỉ nhập 50%, khi áp 45% thuế tiêu thụ đặc biệt, chi phí sẽ thấp hơn một nửa. Tức là càng nội địa hóa nhiều, nhập khẩu ít thì chịu thuế tiêu thụ đặc biệt ít.
Thiếu “điều kiện đủ”
Một số ý kiến cho rằng thời gian qua các DN ôtô tại Việt Nam được ưu đãi nhiều và nhiều DN đã từng cam kết sẽ nâng tỉ lệ nội địa hóa đến 60% vào năm 2010, rồi tăng dần lên 90%. Nhưng đến nay, tỉ lệ nội địa hóa đều thấp hơn nhiều so với cam kết, hầu hết chỉ ở mức khoảng 10%, thậm chí thấp hơn. Người ta cho rằng các DN nhận ưu đãi nhưng đã không thực hiện cam kết.
Ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng lắp ráp trong nước có được ưu đãi về thuế nhập khẩu, nhưng với thuế tiêu thụ đặc biệt quá cao, cùng với nhiều loại thuế phí khác khiến giá thành xe đắt đỏ, trong khi thu nhập của người Việt Nam vẫn còn thấp.
|
Hiện giá xe ở Việt Nam vẫn cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. |
Theo ông Lưu Đức Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, quy hoạch tổng thể về Chiến lược phát triển công nghiệp ôtô cần phải tính toán và cân nhắc một cách thận trọng, đồng thời phải đảm bảo cho các DN còn thời gian lên kế hoạch sản xuất, phát triển, đặc biệt trong bối cảnh thời gian tính cho đến khi thuế NK ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định ATIGA về 0% vào năm 2018 là rất ngắn. Chính phủ cũng như các bộ, ngành cũng đang gấp rút hoàn thiện để sớm ban hành Quy hoạch làm cơ sở xây dựng những chính sách ưu đãi đúng hướng.
Đây cũng là cơ hội của các DN nội địa. Tuy nhiên, đối với ưu đãi thuế, ngoài mục tiêu khuyến khích phát triển ngành công nghiệp ôtô trong nước cũng cần phải đảm bảo tuân thủ theo cam kết WTO, phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Huy nhấn mạnh thêm, việc bảo hộ sản xuất trong nước thông qua chính sách thuế NK cần thực hiện theo đúng quy định của Luật Thuế XK, Thuế NK; bảo hộ có chọn lọc, có điều kiện, có thời hạn, phù hợp với cam kết quốc tế để hỗ trợ cho ngành công nghiệp ôtô phát triển theo đúng hướng, giảm dần sự bảo hộ thông qua lộ trình giảm thuế NK để tạo sức ép giảm giá xe xuống mức hợp lý, đồng thời tránh gia tăng lượng xe NK quá nhanh ảnh hưởng đến sản xuất trong nước và nhập siêu của nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo cam kết trong ASEAN, đến năm 2018 một số dòng xe nguyên chiếc nhập khẩu sẽ áp dụng thuế suất 0%. Xe nhập khẩu từ các nước thành viên WTO cũng sẽ giảm mạnh. Bộ Tài chính cho biết theo lộ trình giảm thuế đến năm 2018, một số dòng xe nhập khẩu thuộc khối ASEAN gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philipines, Singapore, Thái Lan, Lào, Myanmar và Campuchia sẽ có mức thuế ưu đãi đặc biệt 0%.
Đối với cam kết trong WTO, tất cả các loại ôtô sẽ phải cắt giảm thuế suất xuống 70% sau 7 năm gia nhập, tức năm 2014. Và đến năm 2017, thuế suất áp dụng chỉ còn khoảng 47%. Mức thuế này tiếp tục được cắt giảm cho đến năm 2019.
Hoàng Hà (theo Autonet)