Những mẫu xe giá rẻ thường dành cho khách hàng có khoản kinh phí hạn hẹp. Bởi vì không phải ai cũng có điều kiện để ngồi trên những chiếc Maybach, Bentley hay Rolls-Royce thượng hạng với công nghệ, trang thiết bị hay vật liệu đều đẳng cấp. Ở phân khúc thấp hơn là các mẫu xe sang cũng có hàng loạt tiện nghi đắt tiền.
Bên cạnh đó, dù có khoản kinh phí xông xênh, không ít người thích tiêu tiền vào những thứ khác chứ không phải xe hơi. Vì thế, xe giá rẻ vẫn là lựa chọn của nhiều người. Tuy nhiên, dòng xe này sở hữu vô số khuyết điểm đã phản ánh rõ trong giá bán.
|
Nội thất trống trơn của chiếc xe rẻ nhất thế giới Tata Nano. |
Giả dụ, thay vì nên trang bị phanh đĩa cho cả bốn bánh, các nhà sản xuất chỉ lắp phanh tang trống ở bánh sau, vì theo họ nó đủ tốt cho những chuyến di chuyển hàng ngày. Dĩ nhiên, muốn có chiếc xe giá rẻ thì nhà sản xuất phải “hà tiện”, dẫn đến những chiếc xe giá rẻ thường kém an toàn hơn.
Thậm chí, có nhà sản xuất còn bớt cả lốp dự phòng. Nếu bạn sở hữu một chiếc xe giá rẻ, hãy biết chấp nhận nếu chẳng may bị hỏng lốp giữa đường sẽ chẳng có chiếc lốp thứ 5 trong cốp xe mà thay thế.
|
Nhiều nhà sản xuất sử dụng phanh tang trống thay vì phanh đĩa để giảm giá thành |
Nội thất là nơi mà các hãng xe “cắt xén” nhiều nhất vì nó ít ảnh hưởng tới vận hành cũng như an toàn của xe. Mua một chiếc xe giá rẻ, bạn đừng mơ có được một hệ thống âm thanh “ngon lành”, màn hình CD hay kết nối Bluetooth gì đó.
Nhiều khách hàng sử dụng xe giá rẻ còn cảm thấy như mình được đưa trở về quá khứ với cửa kính nâng hạ bằng tay, cần gạt nước không cảm biến... Đôi lúc bước vào xe, bạn sẽ gặp những cái nút trống trơn. Để giảm giá thành, trên nhiều mẫu xe, vị trí để gắn những chiếc nút có thể chỉ là một mặt phẳng thông thường, cho tới khi khách hàng chọn thêm một tính năng nào đó.
Tóm lại là nếu đã chọn một chiếc xe giá rẻ, bạn hãy đừng kêu ca, bằng lòng với nó, chấp nhận sự phiền toái và nghĩ đến câu “tiền nào của nấy”.
Hà An (theo Autodaily)