Xôn xao chuyện chỉ đạo xét nghiệm 3 ngày một lần ở Lâm Đồng

Google News

Chỉ đạo xét nghiệm nhanh cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động 3 ngày/1 lần của UBND tỉnh Lâm Đồng đang gây xôn xao dư luận.

Xon xao chuyen chi dao xet nghiem 3 ngay mot lan o Lam Dong
Khai báo y tế tại chốt kiểm dịch đèo Chuối để vào Lâm Đồng 
Mặt khác, chỉ những người có chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính còn hiệu lực mới được vào tỉnh này.
Sáng 21/11, Sở Y tế Lâm Đồng ghi nhận 97 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có nhiều ca bệnh phát hiện trong cộng đồng.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, nguyên nhân chủ yếu khiến dịch bệnh gia tăng, lan rộng trong thời gian gần đây là do người dân từ các tỉnh thành phố vùng dịch đến Lâm Đồng làm phát tán mầm bệnh.
Xon xao chuyen chi dao xet nghiem 3 ngay mot lan o Lam Dong-Hinh-2
 Nhiều khách sạn, quán ăn phải tạm đóng cửa vì liên quan đến dịch tễ của F0
Trước tình hình đó, Sở Y tế Lâm Đồng đã có văn bản yêu cầu Trung tâm Y tế các huyện, thành phố chỉ đạo các cán bộ phục vụ Chốt kiểm dịch y tế chỉ cho những người có Giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính còn hiệu lực vào Lâm Đồng; khi về tới địa bàn cư trú, phải chủ động khai báo với chính quyền, y tế địa phương để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã ra văn bản số 8403 trong đó chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19; tổ chức tự xét nghiệm nhanh cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động 3 ngày/1 lần; yêu cầu các tổ chức cá nhân đến liên hệ công tác phải tiêm đủ số mũi vắc xin và xét nghiệm âm tính trong thời hạn quy định.
Trao đổi với Tiền Phong, nhiều người cho rằng việc xét nghiệm đối với người dân đi lại giữa các địa phương sẽ tiếp tục gây trở ngại, đặc biệt là những người lao động vùng giáp ranh Lâm Đồng với các tỉnh. Mặt khác, khi người dân đến liên hệ công tác tại các cơ quan, đơn vị cũng phải có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính sẽ gây ra nhiều khó khăn, tốn kém.
Việc chỉ đạo xét nghiệm nhanh cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động 3 ngày/1 lần đang gây xôn xao dư luận tại địa phương. Anh P.H.V, công tác tại cơ quan ở TP Đà Lạt bức xúc: “Một người xét nghiệm 8 lần/tháng, mất trên dưới 1 triệu đồng, trong khi thu nhập có người chỉ có 4 triệu thì làm sao đủ sống? Còn nếu cơ quan chi trả chi phí xét nghiệm thì mất không dưới 150 triệu/tháng, quá nặng cho ngân sách của đơn vị”.
Một công chức khác tâm tư: Hiện chỉ có những người đến từ vùng dịch mới xét nghiệm 3 ngày/1 lần trong khoảng thời gian nhất định. Đối với các F1, cũng chỉ lấy mẫu xét nghiệm 7 ngày/lần. Nay Lâm Đồng đang là vùng vàng mà chỉ đạo xét nghiệm 3 ngày/lần sẽ gây tốn kém không cần thiết, nhất là khi các cán bộ, công chức, viên chức… hầu hết đã tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng COVID-19.
“Ngoáy kiểu này không phát bệnh vì COVID-19 thì cũng có nguy cơ mắc bệnh vì nhiễm trùng”, một người công tác trong ngành y tế quả quyết.
Theo Quyết định 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế “Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP”, việc xét nghiệm được thực hiện theo địa bàn nguy cơ và nhóm nguy cơ. Không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân. Chỉ thực hiện xét nghiệm đối với người dân đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc vùng phong tỏa và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.
Những người đã tiêm đủ liều vắc xin và người đã khỏi bệnh chỉ phải thực hiện xét nghiệm trong các tình huống như: Khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; thuộc diện cách ly y tế hoặc theo dõi y tế; người đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).

Theo Kim Anh/Tiền phong