Ngày 29/6, TAND TP Hà Nội sẽ đưa vụ án hình sự làm lộ đề thi môn Sinh học trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hồi năm 2021 ra xét xử sơ thẩm.
Hai bị cáo Phạm Thị My (SN 1963, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và Bùi Văn Sâm (SN 1949, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, đều nguyên là giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội) bị đưa ra xét xử tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo quy định tại Khoản 1, Điều 356, Bộ luật Hình sự.
Thẩm phán Nguyễn Đình Tiến ngồi ghế chủ tọa phiên tòa. Đại diện VKSND TP Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa là kiểm sát viên Nguyễn Thị Lan Hương và Hoàng Thị Huyền.
Trong số hai bị cáo, bị cáo My đang bị tạm giam. Có 3 luật sư bào chữa cho bà My gồm Luật sư Vũ Xuân Nam, Luật sư Nguyễn Văn Lâm và Luật sư Phương Nhuệ Giang, đều tới từ Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
Thời điểm tháng 6/2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Bộ GD-ĐT liên quan đến việc xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi môn Sinh học ở kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.
Trước khi 2 giáo viên trên bị khởi tố, VietNamNet từng có bài phản ánh về nội dung đề ôn tập ngay trước ngày thi môn Sinh học ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 của thầy Phan Khắc Nghệ (Phó Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Hà Tĩnh) được một giáo viên khác (thầy Đinh Đức Hiền) chỉ ra giống đề thi chính thức đến 80%.
|
Một trong những minh chứng đối chiếu của thầy Đinh Đức Hiền. |
Thầy Đinh Đức Hiền cũng cho hay, nhận được rất nhiều ý kiến của học sinh và đồng nghiệp về sự giống nhau giữa đề thi chính thức môn Sinh học và nội dung ôn tập online trước ngày thi của thầy Nghệ.
Các băn khoăn, nghi vấn dấy lên xuất phát từ 2 video của buổi ôn tập trực tuyến cuối cùng ngay trước ngày thi chính thức 8/7/2021 của bài thi Khoa học tự nhiên (bao gồm 1 video củng cố lý thuyết trọng tâm phát ngày 5/7/2021 và 1 video chữa đề số 40 trong khóa luyện thi ngày 7/7/2021).
Khi so sánh thấy tỉ lệ tương đồng/tương tự tới 80% (32/40 câu), thầy Hiền cho rằng, nếu đây là sự đoán trước đề của thầy Nghệ thì thực sự là một sự trùng hợp đến kỳ lạ. Vì bên cạnh các nội dung dạng chữ, còn có nhiều hình vẽ không có trong sách giáo khoa hay bất kì đề thi nào trước đó nhưng lại xuất hiện nội dung ôn tập của thầy Nghệ và giống như đề thi chính thức.
Đặc biệt, một số câu có sự trùng lặp từng câu chữ một cách chính xác, nguyên vẹn như trong đề thi.
Sau khi kì thi kết thúc, hồi tháng 7/2021, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết đã nắm được thông tin và phối hợp các cơ quan liên quan xác minh làm rõ.
Theo T.Nhung/Vietnamnet