Nghị định 100/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, trong đó có mức xử phạt cao đối với lái xe vi phạm nồng độ cồn được áp dụng vào cuộc sống đã mang lại những dấu hiệu tích cực trong việc đẩy lùi tai nạn giao thông, nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông.
Trong khi hầu hết người tham gia giao thông đều chấp hành nghiêm việc kiểm tra nồng độ cồn, vẫn còn một số đối tượng có hành vi chống đối, bất hợp tác với lực lượng thực thi nhiệm vụ. Không chỉ là những người dân, thậm chí có những quan chức ngồi xe biển xanh vẫn thiếu ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về kiểm tra, xử lý nồng độ cồn. Điển hình mới đây là vụ việc xe biển xanh chở Bí thư huyện “thông chốt” CSGT kiểm tra nồng độ cồn ở Hà Tĩnh.
Theo đó, vào tối 14/1, Đội CSGT Công an huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) ra hiệu dừng ôtô biển xanh 38A - 0729 chạy hướng thị trấn Xuân An về UBND huyện Nghi Xuân để kiểm tra nồng độ cồn. Tuy nhiên, thay vì chấp hành hiệu lệnh dừng xe, tài xế xe biển xanh nháy đèn rồi lao qua chốt khiến 2 CSGT phải lao vào vệ đường để tránh né.
|
Xe biển xanh chở Bí thư huyện hồn nhiên thông chốt. Ảnh: Zing. |
Đáng chú ý, chiếc xe biển xanh này do huyện ủy Nghi Xuân quản lý. Thời điểm xe biển xanh “thông chốt” không chấp hành hiệu lệnh, trên xe chở ông Phan Tấn Linh, Bí thư huyện ủy Nghi Xuân. Bất ngờ hơn khi trao đổi với báo chí về sự việc này, vị Bí thư huyện ủy nói rằng: “Chắc do tài xế nghĩ xe biển xanh nên không phải dừng kiểm tra”.
Từ việc xe biển xanh thản nhiên “thông chốt” đến phát ngôn hồn nhiên của vị Bí thư huyện ủy Nghi Xuân đã khiến dư luận vô cùng bức xúc. Lẽ ra là người lãnh đạo đứng đầu huyện, ông Phan Tấn Linh cần yêu cầu tài xế chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn theo quy định, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.
Bởi khi lãnh đạo huyện phát huy tinh thần nêu gương nâng cao tinh thần chấp hành các quy định của người dân địa phương. Bởi vấn đề trách nhiệm nêu gương không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm của cán bộ đảng viên, nhất là với cán bộ chủ chốt ở huyện như ông Phan Tấn Linh.
Một lãnh đạo chủ chốt ở huyện luôn có tầm ảnh hưởng rộng và mạnh mẽ trong đời sống xã hội. Lãnh đạo huyện chấp hành nghiêm quy định, gương mẫu đi đầu trong thực hiện các quy định của pháp luật sẽ có tác động mạnh mẽ, nâng cao ý thức người dân học tập noi theo. Ngược lại lãnh đạo chủ chốt ở huyện mà không gương mẫu chấp hành sẽ gây ảnh hưởng mạnh mẽ trong toàn xã hội. Thậm chí còn làm giảm sút niềm tin của người dân vào cán bộ, cũng như các chính sách pháp luật tích cực đang được thực thi.
Đáng buồn thực tế từ việc xe biển xanh thông chốt ở Hà Tĩnh khiến dư luận cho rằng, không chỉ do tài xế nghĩ xe biển xanh nên không phải dừng kiểm tra mà chính vị Bí thư huyện ủy ngồi trên chiếc xe ấy cũng cùng suy nghĩ “xe biển xanh nên không phải dừng kiểm tra”.
Mà không chỉ riêng ông Phan Tấn Linh, đâu đó không ít cán bộ ngồi trên chiếc xe biển xanh cũng cùng suy nghĩ như vậy. Bởi một bộ phận không nhỏ cán bộ lâu nay vẫn tự cho mình cái quyền được ưu tiên khi ngồi xe biển xanh và đang giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt, nghĩ mình được ưu ái hơn người dân khi chấp hành các quy định của pháp luật.
Theo quy định của pháp luật, khi tham gia giao thông không phải tất cả các loại xe biển xanh đều được ưu tiên khi xe đó phải đang thực hiện nhiệm vụ và chỉ được ưu tiên trong một số trường hợp luật định. Nếu xe biển xanh không thuộc trường hợp được ưu tiên thì mọi hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ nói riêng và vi phạm pháp luật nói chung đều bị xử lý vi phạm theo quy định.
Tuy nhiên, thực tế, tại nhiều nơi lực lượng thực thi nhiệm vụ vẫn nể nang, ưu ái xe biển xanh dẫn đến nhiều người ngồi trên chiếc xe đó nghĩ mình được “ưu tiên” nên coi thường việc chấp hành các quy định của pháp luật đến mức nghĩ “xe biển xanh thì không bị kiểm tra” như lời ông Phan Tấn Linh mới đây đã nói.
Trên thực tế, quy định 100 áp dụng công bằng cho tất cả mọi công dân không phân biệt dân thường, quan chức, ai vi phạm cũng đều bị xử lý nghiêm. Từ khi nghị định 100 được áp dụng, lực lượng công an các tỉnh thành không chỉ lập chốt kiểm tra xử lý nồng độ cồn người vi phạm mà còn thành lập tổ công tác kiểm tra tra việc sử dụng rượu bia, nồng độ cồn đối với cán bộ, chiến sĩ công an mà điển hình là Công an tỉnh Ninh Bình mới đây đã triển khai. Điều đó cho thấy, bất kể là ai cũng đều bị kiểm tra nồng độ cồn khi tham gia giao thông, nếu vi phạm đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, tạo nên niềm tin của người dân về sự công bằng của pháp luật.
Thời gian qua, tình trạng xe biển xanh gây tai nạn giao thông xảy ra không ít và trong nhiều vụ việc, tài xế xe biển xanh say rượu là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông như vụ việc ô tô biển xanh mang BKS 80A – 019.72 của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam gây tai nạn rồi bỏ chạy trên đường Láng vào tối 27/11/2019. Khi kiểm tra, phát hiện tài xế vi phạm nồng độ cồn.
Đó là những minh chứng cho việc dù điều khiển xe biển xanh hay biển trắng chở quan hay chở dân nhưng khi tài xế say xỉn đều có thể gây tai nạn giao thông. Trong các quy định của pháp luật, không có quy định nào ưu ái xe biển xanh trong việc kiểm tra nồng độ cồn. Do vậy, việc kiểm tra, xử lý nồng độ cồn xe biển xanh là cần thiết, đồng thời cũng thể hiện sự công bằng nghiêm minh của pháp luật, không có vùng cấm, không có sự ưu ái dù xe biển xanh, biển trắng hay biển đỏ.
Nói về vụ việc xe biển xanh thản nhiên “thông chốt”, thượng tá Nguyễn Quang Thành, Trưởng công an huyện Nghi Xuân, cho biết tất cả các phương tiện tham gia giao thông đều phải chấp hành luật giao thông, nếu là xe ưu tiên phải có còi, đèn. Đồng thời cho biết, theo quy trình CSGT này sẽ xác minh qua đơn vị chủ quản xe vi phạm rồi yêu cầu tài xế đến để làm rõ, nếu sai thì sẽ xử lý theo quy định.
Dư luận cho rằng, Công an huyện Nghi Xuân cần xử lý nghiêm trường hợp lái xe biển xanh trên về hành vi không chấp hành việc kiểm tra nồng độ cồn với mức phạt cao nhất theo luật định, công khai lên các phương tiện truyền thông đại chúng để người dân được biết và tin tưởng về việc không có sự “ưu ái” nào dành cho xe biển xanh trong việc chấp hành các quy định của pháp luật. Đồng thời, với cương vị là Bí thư huyện Nghi Xuân, ông Phan Tấn Linh cũng cần nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm, tuân thủ quy định nêu gương cán bộ Đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt bởi đó không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm. Quan phải nghiêm thì mới nói được dân, quan không nghiêm thì làm sao dân chấp hành tốt.
>>> Mời độc giả xem video Muôn kiểu thoát chốt kiểm tra nồng độ cồn:
Tâm Đức