Vụ "quan" gây tai nạn và Đường "nhuệ": Thái Bình mất bao cán bộ?

Google News

Trong vòng hai tháng, hai vụ án xảy khiến Thái Bình mất 5 cán bộ, đảng viên; 4 cán bộ liên quan đến vụ việc Nguyễn Xuân Đường; một cán bộ cấp cao bị khởi tố bị can...

“Hai vụ việc xảy ra trong khoảng thời gian liền nhau là điều đáng tiếc, đau xót nhưng với tinh thần quyết liệt, vô tư, thượng tôn pháp luật, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiêm túc vào cuộc” - Phó bí thư tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Tiến Thành thẳng thắn.
Lãnh đạo tỉnh ủy Thái Bình khẳng định, vụ việc của ông Nguyễn Văn Điều – Trưởng ban Nội chính tỉnh ủy là một tai nạn thuộc về dân sự, không phải là sai phạm trong công tác quản lý. Ban Thường vụ tỉnh ủy Thái Bình đã cân nhắc rất nhiều khi đưa ra các quyết định trong cuộc họp chiều ngày 2/6.
Lần đầu tiên, một cán bộ thuộc Ban Thường vụ bị kỷ luật, bị đề nghị cấp trên cách tất cả các chức vụ hiện tại trong Đảng vì lý do không liên quan tới công việc.
Vu
CQĐT Công an Thái Bình tổ chức khám xét, bắt giữ nơi làm việc của đối tượng Nguyễn Thị Dương, vợ Nguyễn Xuân Đường thời điểm đầu tháng 4
Ông Điều là cán bộ có năng lực, được đánh giá, quy hoạch cán bộ nguồn của tỉnh. Ông xuất thân từ gia đình có truyền thống cách mạng, cha là liệt sỹ, mẹ già đã mất, ông là con duy nhất trong gia đình.
Khi sự việc xảy ra, Trưởng ban nội chính Nguyễn Văn Điều đã tự ý thức được các sai phạm của mình, đã báo cáo, tường trình với cơ quan, tổ chức, chủ động bồi thường thiệt hại đối với gia đình các nạn nhân.
Chiếc xe liên quan tới vụ tai nạn là xe đã qua sử dụng được ông Điều mua lại của một đồng nghiệp. Ngoài ra, bản thân ông Điều là người cẩn thận, nguyên tắc, không biết uống rượu, bia.
Một người bạn của ông Điều cho hay, vợ chồng ông này đã phải bán tài sản để có tiền bồi thường. Ngôi nhà duy nhất của vợ chồng ông ở tại xã Minh Lãng, huyện Vũ Thư do cha mẹ để lại. Tại TP Thái Bình, vợ chồng ông có một căn chung cư trị giá khoảng vài trăm triệu là chỗ ăn ở, sinh hoạt để tiện công tác và chỗ ở cho con học hành.
Khi sự việc xảy ra, nhiều đồng nghiệp, bạn bè của ông Điều đã cùng chung tay hỗ trợ giúp để ông có tiền đền bù cho nạn nhân.
Gia đình người bị nạn đã có đơn xin miễn truy tố đối với cá nhân ông Nguyễn Văn Điều về hành vi vi phạm Luật an toàn giao thông.
“Nếu như anh Điều có vi phạm, khuyết điểm trong công tác thì việc xem xét kỷ luật là một điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, ở góc độ này, nó là một tai nạn đáng tiếc. Cá nhân anh Điều bị ảnh hưởng nặng nề về công tác, sự nghiệp chính trị; tỉnh ủy mất cán bộ. Chúng tôi rất đau xót. Anh em đồng chí rất xót xa vì anh Điều hiền lành, đạo đức, thân thiện với mọi người” – ông Thành nói.
Cũng theo Phó bí thư tỉnh, trước khi xảy ra sự việc của ông Nguyễn Văn Điều, Thái Bình đã điều tra, xử lý vụ việc liên quan tới Nguyễn Xuân Đường, Nguyễn Thị Dương. Liên quan tới hai đối tượng này, 4 cán bộ, đảng viên đã bị khởi tố, bắt tạm giam với tội danh “Lạm dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ” vào thời điểm giữa tháng 4.
Như vậy, trong hai tháng liên tiếp, Thái Bình bị mất 5 cán bộ, đảng viên.
Vì sao điều động một chủ tịch huyện?
Ngày 24/4, ông Vũ Mạnh Thía, Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương được điều động giữ chức vụ Phó giám đốc Sở NN&PTNT. Quyết định được Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đưa ra tại hội nghị đánh giá, xếp loại đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2015 - 2020 và thực hiện quy trình công tác cán bộ.
Ông Thía từng là Chánh văn phòng HĐND tỉnh. Năm 2018, ông được điều động làm Phó bí thư huyện ủy Kiến Xương, sau đó được bầu làm Chủ tịch UBND huyện.
Trước đó một tuần, ngày 16/4, Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can với bà Trịnh Thị Minh Thúy để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ".
Cùng với bà Thúy, 3 người khác là ông Phạm Văn Hiệp (SN 1984, GĐ Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh; Vũ Gia Thành (SN 1977, đấu giá viên Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản, thuộc Sở Tư pháp Thái Bình); Hà Văn Dũng, SN 1984, nhân viên Trung tâm Phát triển quỹ đất và kỹ thuật tài nguyên, Sở TN&MT cũng bị khởi tố với cùng tội danh.
Ông Thía là chồng của bà Trịnh Thị Minh Thúy – người vừa bị khởi tố.
Theo Quy định 102 của Bộ Chính trị, đảng viên phải chịu trách nhiệm liên đới nếu thiếu trách nhiệm trong quản lý, giáo dục dẫn đến có vợ (chồng), con hoặc cấp dưới trực tiếp phạm tội.
Trưởng ban Tổ chức tỉnh ủy Vũ Đức Hằng cho biết, ngay sau khi bà Thúy bị khởi tố, bắt tạm giam, theo quy chế của Đảng, Ban Tổ chức tỉnh ủy đã chủ động đề nghị điều động, phân công ông Thía sang nhiệm vụ khác.
“Quy chế của Đảng đã ban hành. Dù chưa có kết luận của CQĐT nhưng nếu để ông Thía vẫn tiếp tục đảm nhiệm chức vụ đứng đầu một huyện, liệu anh ấy nói bà con có nghe. Do đó, về mặt tổ chức Đảng, các đảng viên phải tuân theo, thậm chí phải làm gương” – ông Hằng nói.
Ổn định tổ chức, nhân sự
Theo Phó bí thư tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Tiến Thành, nhiệm vụ quan trọng, trước mắt của Thái Bình là tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp, từ đó ổn định tổ chức, nhân sự để tiếp tục các nhiệm vụ, kế hoạch để ra.
Ông Thành đánh giá, trong những năm qua, Thái Bình là địa phương khá yên bình, đang trên đà phát triển, ổn định đời sống người dân. Các nhiệm vụ kinh tế, chính trị của địa phương đều đạt được những thành tựu quan trọng.
Những trường hợp đảng viên, công chức vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý đúng người, đúng tội. Công tác tổ chức, quản lý, chỉnh đốn cán bộ đã đươc Thái Bình thực hiện trước đó, khi có những vụ việc như trên xảy ra đã tiếp tục được tăng cường. Còn cá nhân nào vẫn cố tình vi phạm thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, không có chuyện bao che, dung túng. Dịp đại hội này cũng là dịp để sàng lọc đội ngũ cán bộ. Ai cũng phải đủ tiêu chuẩn, năng lực để đảm đương các nhiệm vụ, vị trí được giao” – Phó bí thư tỉnh ủy Thái Bình cho biết.
Theo Thái Bình / Vietnamnet