Công nghệ quá lạc hậu
Liên quan vụ việc xả thải đầu độc nước sông Đà, mới đây, ông Lê Văn Dục, giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đã công bố một thông tin gây “sốc” về công nghệ của nhà máy nước sông Đà, Công ty cổ phần nước sạch sông Đà (Viwasupco).
Theo đó, tại buổi thông tin về sự cố nước nhiễm dầu thải ngày 22/10 tại Hà Nội cho biết, Nhà máy nước sông Đà được đưa vào khai thác từ năm 2008. Qua 11 năm vận hành, công nghệ nhà máy này đã lạc hậu so với thế giới, nên cần phải thay đổi.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, sau 11 năm hoạt động, nếu cứ cứng nhắc về việc nhà máy đang vận hành, vẫn đảm bảo 109 chỉ tiêu của Bộ Y tế thì không ổn. Do vậy, “Chúng tôi cũng đã rà soát và yêu cầu công ty phải bổ sung công nghệ mới vì công nghệ nhà máy đã quá cũ", ông Lê Văn Dục cho biết.
Đồng thời, ông Lê Văn Dục cho rằng, tuy nhà máy nước sạch sông Đà đã lạc hậu và vừa gây ảnh hưởng đến hàng triệu hộ dân phía Tây Nam TP Hà Nội, nhưng không thể thay thế bằng nhà máy khác bởi không đủ kinh phí.
|
Nhà máy nước sạch Sông Đà. |
Để khắc phục những hạn chế của nhà máy này, theo ông Dục thay một dây chuyền công nghệ, các thiết bị hoặc bổ sung mới thì hoàn toàn có khả năng.
"Nếu là công nghệ nano thì vấn đề mùi và dầu hay nhiều thành phần khác không xảy ra. Vì thế, trong bổ sung công nghệ, chúng tôi đang kiểm tra để thống nhất khả năng thay được tối đa công nghệ ở nhà máy này" - ông Lê Văn Dục cho hay.
Trả lời báo chí về vấn đề có để sông Đà tiếp tục cấp nước hay không? Ông Dục cho biết, dự án này đã được Chính phủ phê duyệt, sau 11 năm có sự cố này thì cần cố gắng khắc phục để không xảy ra sự cố tương tự.
"Đây là sự cố đáng tiếc, chúng ta phải cố gắng khắc phục không để xảy ra sự cố này nữa. Bây giờ, chúng ta sẽ có cơ chế quy định rõ hơn về trách nhiệm và sẽ bắt buộc phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và sẽ báo về các sở ngành của Hà Nội ngay khi có vấn đề phát sinh", ông Dục nói.
Tăng lượng phèn vào nước thô để xử lý khi phát hiện dầu thải
Liên quan vụ việc trên, theo thông cáo báo chí của UBND tỉnh Hòa Bình cho thấy, sáng ngày 9/10, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà phát hiện nước có váng dầu tại suối Bằng, sau đó kiểm tra ngược theo dòng suối và phát hiện trên đường liên xã Hợp Thịnh - Phúc Tiến - Phú Minh có đổ dầu thải. Do trời mưa, dầu thải tại điểm đổ đã chảy tràn xuống suối Trầm và khu vực xung quanh.
Chiều ngày 9/10, công ty đã thông báo tới công an xã Phúc Tiến. Sáng 10/10, Công an tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với Công an huyện Kỳ Sơn xuống kiểm tra thực tế và lập biên bản vụ việc.
Ngày 14/10, Đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Cục bảo vệ môi trường miền Bắc, UBND xã Phúc Tiến (huyện Kỳ Sơn) tiến hành kiểm tra thực tế tại hiện trường.
Ngày 16/10, Sở TNMT Hòa Bình phối hợp với đoàn công tác do Cục bảo vệ môi trường miền Bắc chủ trì tiếp tục khảo sát hiện trường đường liên xã Hợp Thịnh - Phúc Tiến - Phú Minh nơi có đổ dầu thải, các suối trong khu vực, điểm hợp lưu của suối Bằng và hồ Đầm Dài, điểm lấy nước thô dầu của công ty.
|
Nguồn nước ô nhiễm do dầu thải. |
Kết quả kiểm tra cho thấy dù lớp nhựa trên mặt đường đã được bóc đi nhưng vẫn còn cảm thấy mùi khét của dầu thải. Phần cây cỏ xung quanh suối Trầm có dính dầu đã được thu dọn gần như triệt để. Tuy nhiên, nước suối vẫn có mùi dầu. Tại một số vị trí có hiện tượng dầu bám dính trên đá, khe đá, vẫn có mùi khét. Đáng chú ý, Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà đã rải khoảng 1 tấn than hoạt tính suốt chiều dài 200m từ điểm tiếp nhận dầu thải trên suối.
Tại Nhà máy nước sông Đà, cơ quan chức năng ghi nhận nước đầu vào được bơm bằng 2 bơm thay nhau, mỗi bơm có công suất 6.670m3/h. Tổng lượng nước thô đầu vào khoảng 320.000m3/ngày đêm. Sau đó nước thô được đưa vào 2 bể trộn thủy lực có công suất 160.000m3/ngày đêm/bể. Tại đây nước được châm phèn từ 20-35mg/lít (tùy theo chất lượng nước đầu vào).
Đáng chú ý, ngày 9/10, khi phát hiện dầu thải tràn vào nguồn nước thô, Nhà máy nước sông Đà đã tăng lượng phèn đưa vào trong nước. Cụ thể đã châm phèn từ 70-80mg/lít và bổ sung thêm than hoạt tính từ 10-15mg/lít nước thô đầu vào. Sau khi châm thêm phèn, bổ sung thêm than hoạt tính, nước đi vào trong 12 bể phản ứng, mỗi bể có dung tích 585m3 và chia thành 3 ngăn lắng xuống đáy, sau đó đưa nước xuống bể xử lý. Đến khi ra nước trong, nguồn nước này được đưa vào bể lọc nhanh, sau đó được đưa sang bể pha trộn clo để châm clo khử trùng từ 0,9 đến 1,2mg/lít.
Tại buổi họp báo ngày 17/10 tại Hòa Bình, ông Bùi Đăng Khoa, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà cho biết, việc kiểm tra chất lượng nước đầu vào được xét qua 3 chỉ tiêu A, B, C. Tuy nhiên, việc xét nghiệm với chỉ tiêu B,C mất nhiều thời gian nên công ty mới có kết quả xét nghiệm chỉ tiêu A trong nước ngay sau khi xảy ra sự việc. Nước khi được xử lý ở nhà máy vẫn đảm bảo chất lượng nên công ty vẫn quyết định cung cấp cho người dân sử dụng.
Tâm Đức