Hàng vạn hộ dân Hà Nội bị cắt nước, phải mua nước sạch để dùng vì sự việc nước đầu nguồn đổ vào Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) bị nhiễm dầu thải. Đến nay, cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra 3 nghi phạm thực hiện hành vi đổ trộm dầu thải, nhưng trách nhiệm bảo vệ an ninh nguồn nước; trách nhiệm kiểm tra, đảm nguồn nước đầu vào thì vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
|
Người dân xếp hàng lấy nước sạch. |
Thiệt hại trước tiên là người dân. Họ mong chờ lời xin lỗi, sự lên tiếng có trách nhiệm của Viwasupco cũng như của cơ chức năng. Song thay vào đó, cùng sự chậm trễ trong giải quyết là thái độ bàng quan trước nguồn sống của cả hàng vạn hộ dân. Từ phản ứng chậm đó, người dân có quyền đặt câu hỏi về việc có hay không sự giấu giếm về chất lượng nước, sự thiếu tinh thần trách nhiệm, hay có vấn đề về cung cấp dịch vụ công hay không?
Tại buổi tọa đàm chiều 21/10, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, chuyên gia quản trị công, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu thực tế không thể chấp nhận: “Người dân đã uống nước bẩn rồi, ảnh hưởng sức khỏe rồi thì UBND Hà Nội và công ty mới đưa ra khuyến cáo. Như vậy phản ứng với sức khỏe người dân, sinh mệnh khách hàng của mình rất chậm”.
Trong trường hợp nước sạch sông Đà này, có cơ chế nào về mặt pháp lý bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng hay không?
Trả lời câu hỏi này, luật sư Nguyễn Tiến Lập cho rằng, về vấn đề môi trường, vụ việc lại không xảy ra tại Hà Nội mà xảy ra ở khu vực thượng nguồn nước trên Hòa Bình và thực tế vụ việc có liên quan đến 3 đối tượng vừa bị bắt giữ vì hành vi đổ trộm dầu thải. Hiện Công an đã khởi tố về vấn đề môi trường với vụ việc này, tuy nhên xét về góc độ quản trị đô thị của chính quyền Hà Nội, thì đó là vấn đề xử lý khủng hoảng chậm.
“Tất cả các sự cố xảy ra gây tác động tới hàng ngàn, hàng vạn người thì là khủng hoảng thực sự. Nếu không giải quyết vấn đề quản trị công và xử lý khủng hoảng hiệu quả thì những sự cố như “Rạng Đông” và “Sông Đà” sẽ còn lặp lại và người dân sẽ còn lãnh đủ. Như vậy gốc rễ vấn đề sẽ vẫn là quản trị công”, ông Lập nhấn mạnh.
|
TS. Nguyễn Sĩ Dũng (trái) và Luật sư Nguyễn Tiến Lập (phải) tại buổi tọa đàm Thị trường hóa dịch vụ công nhìn từ “Nước sạch sông Đà” chiều 21/10. |
Cũng theo luật sư Nguyễn Tiến Lập, về vấn đề pháp luật, liệu có ai trong những người bị ảnh hưởng bởi sự cố nước sông Đà kiểm tra lại hợp đồng mua nước của mình và tìm trong hợp đồng có điều khoản nào về việc bảo vệ người dân trong tình huống vừa rồi không?
“Thực tế, dựa vào hợp đồng, người dân khó kiện công ty cấp nước. Tuy nhiên, theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng thì không cần căn cứ theo hợp đồng, miễn là người tiêu dùng sản phẩm nào đó gây hại thì người dân có thể kiện. Chúng ta còn có luật về bảo vệ sức khỏe của nhân dân, theo đó quy trách nhiệm cho Nhà nước. Luật này được ban hành từ năm 1989 và rất giống với hiến pháp về sức khỏe nhân dân. Trong đó, tất cả các ngành, các cấp, các cơ quan, các bên đều phải có trách nhiệm chăm lo bảo vệ sức khỏe của người dân. Và liên quan đến nước có Điều 8 nói rằng, đã cung cấp nước cho nhân dân thì phải cung cấp nước vệ sinh, nếu không sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Lập nói.
Hiện nay, vụ việc mới được khởi tố hình sự theo góc độ môi trường còn những vấn đề khác vẫn đang phải xem xét chưa được làm rõ.
Người dân là bị hại đầu tiên và câu hỏi “Ai sẽ phải chịu trách nhiệm với sức khỏe người dân, chịu đền bù thiệt hại cho người dân?” vẫn đang bỏ ngỏ.
Theo Nguyễn Quỳnh, Thiên Bình/VOV