Sau 1 tuần xảy ra sự cố nguồn nước sạch sông Đà cấp cho các hộ dân sinh sống tại các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Trì… của TP Hà Nội bị phát hiện ô nhiễm với mùi khét kèm theo mùi thuốc sát khuẩn, đến chiều 15/10, UBND TP Hà Nội mới có thông tin chính thức lên tiếng về vụ việc này.
Theo thông báo công bố, sau khi tổ công tác thực hiện kiểm tra toàn bộ quá trình vận hành nhà máy xử lý nước sạch thuộc Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã nhận thấy, tại khu vực đầu nguồn tại khe núi tại xã Phú Minh, Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình có dấu hiệu để dầu nhớt thải trộm.
Chất thải dầu nhớt này đã chảy lan ra suối sau đó chảy vào hồ Đầm Bài (là hồ chứa nước để cấp cho nhà máy của Viwasupco). Từ đây, nguồn nước qua hệ thống xử lý nước của nhà máy, chảy vào hệ thống phân phối nước sạch đến người dân tại các khu vực đã nêu trên.
|
Người dân ở một số quận tại Hà Nội hoang mang vì nguồn nước ô nhiễm.
(Ảnh: TN)
|
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu công ty Viwasupco khắc phục ngay các chất dầu thải ở khu vực đầu nguồn cũng như vùng dầu hiện còn trên hồ Đầm Bài; Thực hiện ngay việc cung cấp nước sạch, đảm bảo tiêu chuẩn cho các hộ dân thuộc các khu vực do công ty đảm trách; súc xả toàn bộ hệ thống nước sạch sông Đà từ nhà máy, bể chứa, các tuyến đường ông truyền dẫn, phân phối, kể cả các bể chứa khu chung cư và toàn bộ bể chứa tại các địa bàn người dân sử dụng nước do Công ty cung cấp. Toàn bộ chi phí do Viwasupco chịu trách nhiệm.
Không đồng tình với kết luận nói trên bởi đã phải chịu đựng thời gian quá dài cho việc “được” cung cấp nguồn nước “sạch” nhưng có ô nhiễm, nhiều hộ dân tại các khu vực quận Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân… cho rằng, việc cố ý cung cấp nguồn nước bẩn cho người dân của Viwasupco là hành động vô lương tâm, gây hậu quả nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến đời sống, sức khỏe và tinh thần của cộng đồng, coi nhẹ tính mạng của hàng vạn người dân và làm thiệt hại rất lớn đến chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Chị Trần Phương Thảo, nhà ở quận Thanh Xuân, Hà Nội bức xúc, ngay sau khi phát hiện nguồn nước sinh hoạt của gia đình có mùi lạ, gia đình chị đã phải ngừng ngay việc sử dụng nguồn nước từ hệ thống cung cấp. Lo sợ trong nước có chất độc, gia đình chị đã phải mua nước sạch đóng bình từ nhiều cơ sở cung cấp khác nhau liên tiếp từ ngày 9/10 đến nay chưa dám sử dụng lại nguồn nước tại gia đình.
“Họ làm ăn như vậy là tắc trách và như trò đùa, coi thường tính mạng người dân khi thừa biết nước là nhu cầu vô cùng cần thiết đối với mỗi người. Công ty cấp nước giám sát và vận hành như thế nào để nước ô nhiễm mà vẫn bán cho dân là việc làm vô đạo đức không thể chấp nhận được. Sau đây ai sẽ chịu trách nhiệm nếu người dân có bệnh tật phát sinh từ nguồn nước sinh hoạt bẩn? Đề nghị phải truy tố những người đã gây ra lỗi này”, chị Thảo thống thiết nói.
Cần cá thể hoá trách nhiệm của cá nhân người quản lý
Sự chậm trễ trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin phản hồi từ phía người dân đối với sự việc nước sạch sông Đà vừa qua là điều đáng lên án. Trong vụ việc này, chính quyến các cấp, các cơ quan hữu quan cũng như bản thân doanh nghiệp cung cấp nước sạch đã quá thờ ơ, bàng quang với cuộc sống cũng như nhu cầu cấp thiết của người dân. Bởi dù bất kì người đó là ai, ở trên cương vị nào nếu cố tình bị “đầu độc” bởi nguồn nước - một phần tất yếu của cuộc sống có lẽ nào lại vô trách nhiệm với tính mạng của đồng loại?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Bộ phận Thường trực, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, việc làm của Viwasupco là vi phạm nghiêm trọng quyền lợi của người tiêu dùng khi cung cấp sản phẩm kém chất lượng. Không chỉ về chất lượng nước sạch, Viwasupco trước đây đã liên tục để vỡ đường ống dẫn nước sạch làm ảnh hưởng đến đời sống của hàng vạn người dân của Thủ đô. “Chúng tôi tiếp tục theo dõi sự việc và sẽ có yêu cầu xử lý chính thức đến các ban ngành của thành phố và doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất”, ông Hùng nói.
Bất bình với việc làm của Viwasupco, Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Hà Nội) nêu ý kiến, đối với việc để dầu thải làm ô nhiễm nguồn nước hồ Đồng Bài với khối lượng 300.000 m3/ngày đêm gây hậu quả nghiêm trọng như trên, nếu đối tượng là cá nhân mà thực hiện với lỗi cố ý nhằm mục đích làm ô nhiễm nguồn nước của nhà máy cấp nước sinh hoạt gián tiếp thiệt hại cho người dân thì có thể bị xử lý hình sự với tội danh “tội gây ô nhiễm môi trường” theo điều 235 Bộ Luật hình sự năm 2015.
Nếu là pháp nhân thương mại hoặc tổ chức có thể bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường hoặc xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 235, điều 237 của BLHS 2015 và có điều kiện để khởi tố.
Ngoài ra, chủ thể vi phạm này còn bị phạt tiền với mức phạt trên 50 triệu đồng, bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn và buộc khôi phục khắc phục xử lý ô nhiễm trả lại tình trạng như ban đầu khi chưa bị ô nhiễm.
Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, Công ty Viwasupco đã biết nguồn nước bị ô nhiễm nhưng chưa khắc phục mà vẫn cố tình cũng cấp nước không đảm bảo chất lượng cho khách hàng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi này của doanh nghiệp cần cá thể hoá trách nhiệm của cá nhân người quản lý có nghĩa vụ đã chỉ đạo cố tình vận hành cấp nước bẩn.
“Trường hợp này, Viwasupco ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính còn phải chịu nghĩa vụ bồi thường theo hợp đồng cung cấp đã ký và theo quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành. Người dân bị ảnh hưởng cũng có thể tập hợp đơn kiến nghị gửi lên UBND thành phố, từ đó thành phố thành lập tổ chức đại diện tiến hành khởi kiện doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Viwasupco cần phải miễn phí sử dụng nước cho người dân trong khu vực bị ảnh hưởng ngay trong tháng này hoặc trong các tháng kế tiếp”, luật sư Hoàng Tùng nêu rõ./.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN