Và không chỉ trong vụ việc này, 1 lãnh đạo ngân hàng thừa nhận, hiện tượng dòng ngoại tệ trong nước hiện đang chảy ra nước ngoài “ hợp pháp một cách… bất minh”, mà chưa có biện pháp ngăn chặn được. Lý do được biết, do Nghị định 70/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành cách đây gần 5 năm, đang thiếu thông tư hướng dẫn… nên bị lợi dụng.
|
Phan Sào Nam (phải ảnh) và Nguyễn Văn Dương cầm đầu đường dây đánh bạc ngàn tỉ. Phan Sào Nam đã chuyển 3,5 triệu USD phi pháp ra nước ngoài. |
Dòng ngoại tệ cuồn cuộn chảy ra nước ngoài
Liên quan số tiền ước 3,6 triệu USD (tương đương 80 tỉ đồng) được chuyển ra nước ngoài trong vụ đánh bạc nghìn tỉ, dư luận đặt câu hỏi: Có hay không việc cơ quan quản lý nào đó cấp giấy phép “đặc biệt” chuyển ngoại tệ ra nước ngoài cho doanh nghiệp của Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương?
Trong 1 trao đổi với báo chí, ngày 14.3, 1 đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, không cấp giấy phép cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào chuyển tiền ra nước ngoài với mục đích đánh bạc. Tuy vậy, sau nhiều kỳ công, CQĐT đã phát hiện được số tiền đó được chuyển đi hợp pháp, với chiêu thức cực kỳ tinh vi - thông qua các HĐKT.
Sơ bộ được biết, các trùm cá độ nói trên đã qua một số doanh nghiệp để ký hợp đồng “nhập khẩu thiết bị, máy móc, hàng hóa” với đối tác nước ngoài. Đó có thể là doanh nghiệp “ma”, hoặc doanh nghiệp có thật, nhưng hợp đồng bị vô hiệu ngay khi ký... Từ các HĐKT này, việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để thanh toán nhằm “đảm bảo thực hiện hợp đồng” “hợp lệ”, lọt qua an toàn các cửa kiểm soát ngoại tệ và không khiến cơ quan quản lý nghi ngờ. Việc nhập khẩu trở lại Việt Nam các loại máy móc, thiết bị... từ các hợp tác trên khó có thể kiểm soát được chặt chẽ, cụ thể, bởi các đối tượng đã có rất nhiều những mánh khóe để “lách” như thực nhập ít hơn, kê khai giá trị hàng nhập cao hơn nhiều lần so với thực tế...
Lợi dụng chính sách “tự do hóa”…
Giải thích sự hợp pháp của hành vi này, người đại diện Hãng Luật Văn Dương cho biết, căn cứ quy định tại Khoản 2, Khoản 4, Điều 7 Nghị định 70/2014/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh ngoại hối, pháp luật hiện hành không còn quy định giới hạn mức chuyển ngoại tệ của người cư trú là công dân Việt Nam ra nước ngoài. Theo đó, tất cả các tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân… đều có thể thực hiện các dịch vụ này, trên cơ sở chứng từ, giấy tờ của người đó để chuyển ngoại tệ ra nước ngoài, căn cứ vào yêu cầu thực tế và tính hợp lý của giao dịch chuyển tiền.
Trước đây, pháp luật có quy định về hạn mức chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài tại Quyết định 1437/2001/QĐ-NHNN về mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài, của người cư trú là công dân Việt Nam; sau đó là Nghị định 131/2005/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý ngoại hối; và ngày 25.1.2006, NHNN cũng đã ban hành thông tư 497, hướng dẫn NĐ 131. Theo đó các chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố, cơ sở tín dụng có trách nhiệm quản lý chặt chẽ nguồn ngoại tệ chuyển đi nước ngoài...
Khi Pháp lệnh ngoại hối được sửa đổi, bổ sung và được hướng dẫn tại Nghị định 70/2014/NĐ-CP ngày 17.7.2014, các văn bản pháp luật nói trên hết hiệu lực thi hành. Theo đó, nghị định quy định: “ Tổ chức tín dụng được phép có trách nhiệm xem xét các chứng từ, giấy tờ do người cư trú, người không cư trú xuất trình để bán, chuyển, xác nhận nguồn ngoại tệ tự có hoặc mua từ tổ chức tín dụng được phép để mang ra nước ngoài căn cứ vào yêu cầu thực tế, hợp lý của từng giao dịch chuyển tiền (Điều 7)”. Tuy nhiên, với nghị định này thì NHNN đã không ban hành thông tư hướng dẫn.
Từ những diễn biến phức tạp của thị trường ngoại hối, nhiều tổ chức tín dụng đã có ý kiến đề nghị cần có văn bản pháp quy hướng dẫn, đảm bảo tính pháp lý trong quá trình thực hiện, nhưng trả lời vấn đề này, ngày 19.10.2017, NHNN có công văn 8516/ NHNN-QLNH yêu cầu các ngân hàng thực hiện trực tiếp theo các điều quy định trong Nghị định 70.
Xót lắm, nhưng không làm được gì!
Trả lời việc vì sao không có thông tư hướng dẫn Nghị định 70/2014/NĐ-CP, 1 lãnh đạo NHNN cho biết, căn cứ Điều 21 của Nghị định về Trách nhiệm thi hành: “Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này”, sau khi ban hành, nghị định có hiệu lực thi hành ngay. Vì vậy, NHNN không ra thông tư hướng dẫn, mà thực hiện theo những điều khoản do nghị định đã quy định chi tiết (!?)
Trao đổi với ông Võ Minh - Giám đốc NHNN Chi nhánh Đà Nẵng - về việc dòng ngoại tệ được chuyển ra nước ngoài có nguy cơ lợi dụng chính sách, ông không giấu được sự âu lo: “Rất băn khoăn và xót xa khi chứng kiến dòng ngoại tệ lớn được chuyển ra nước ngoài, mà không có biện pháp quản lý chặt chẽ như hiện nay. Có trường hợp 1 nội dung mà chuyển qua đến 3 ngân hàng”.
Kết luận vấn đề này, 1 tiến sĩ giảng dạy Khoa Tài chính ngân hàng, Đại học Đà Nẵng nhận định: “Nghị định 70 của Chính phủ năm 2014 là giải pháp tình thế; khi nền kinh tế thay đổi, thì chính sách phải nhanh chóng thay đổi theo. Với nghị định nói trên, lẽ ra phải có 1 chính sách khác thay thế được ban hành sớm hơn, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy, nghĩa là quá muộn. Đặc biệt, trong điều kiện nền kinh tế ta hiện vẫn còn dấu hiệu chưa lành mạnh và thiếu luật, để kiểm soát các chính sách “tự do hóa” đặc biệt đối với tiền tệ.
Theo Nguyễn Trung Hiếu/Lao Động