Liên quan đường dây đánh bạc qua mạng do Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương cầm đầu, qua điều tra, cơ quan công an phát hiện nhóm đứng đầu tổ chức đánh bạc dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để hợp thức hóa nguồn tiền, như đầu tư các dự án, góp vốn kinh doanh, mua bất động sản, gửi tiết kiệm, chuyển đổi thành vàng, ngoại tệ, chuyển ra nước ngoài. Trong đó, Phan Sào Nam được cho đã gửi 3,5 triệu USD tại ngân hàng ở Singapore.
Về chi tiết này, qua trao đổi với Luật sư Nguyễn Hoài Nam (Hãng luật Intercode, Đoàn luật sư TP Hà Nội), được biết, tài sản do phạm tội mà có được chuyển từ Việt Nam sang Singapore thì Việt Nam chỉ có quyền yêu cầu thực hiện tương trợ tư pháp gửi sang để cơ quan chức năng Singapore thực hiện theo yêu cầu. Việt Nam hoàn toàn không có quyền trực tiếp thực hiện việc xác minh, tịch thu tài sản trên đất nước Singapore. Việc xác minh, thu hồi tài sản được thực hiện theo qui định pháp luật của Singapore do cơ quan chức năng Singapore thực hiện. Việt Nam và Singapore có hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự ký giữa các nước ASEAN. Do vậy, việc thu hồi tài sản phạm pháp của Phan Sào Nam được thực hiện theo qui định của Hiệp định.
PV: Để xác minh số tiền phạm pháp này, cơ quan điều tra sẽ phải thực hiện theo quy trình nào của luật?
Luật sư Nguyễn Hoài Nam: Trước hết, bằng qui định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) và biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan điều tra cần xác minh số tiền này được hình thành một cách bất hợp pháp, là nguồn tiền do hành vi phạm tội mà có.
Sau khi đã xác định được nguồn tiền phạm pháp, cơ quan điều tra tiếp tục xác minh nguồn tiền phạm pháp này được sử dụng như thế nào, chuyển đi đâu, để có biện pháp thu hồi. Trong trường hợp, có căn cứ xác định tiền đã được chuyển ra nước ngoài bằng các hình thức như đầu tư dự án, góp vốn kinh doanh, mua bất động sản…, cụ thể là tiền đã được chuyển sang một ngân hàng ở Singapore, Cơ quan điều tra căn cứ vào BLTTHS 2015; Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 và Hiệp định tương trợ tư pháp giữa 8 nước ASEAN trong đó có Việt Nam và Singapore tham gia, lập hồ sơ ủy thác gửi nội dung yêu cầu tương trợ tư pháp như xác minh cụ thể số tiền, chủ sở hữu, thời hạn gửi…, tới cơ quan có thẩm quyền của Singapore thực hiện hiệp định tương trợ tư pháp.
Trên cơ sở nội dung yêu cầu tương trợ tư pháp, quốc gia được yêu cầu (Singapore) trên cơ sở qui định pháp luật của nước mình và Hiệp định sẽ phải thực hiện theo nội dung yêu cầu tương trợ tư pháp.
|
Bị can Nguyễn Văn Dương (đeo kính) và bị can Phan Sào Nam. |
PV: Nếu xác minh được chắc chắn nhóm đối tượng đã chuyển tiền ra nước ngoài, chúng ta có thể thu hồi được về khoản tiền này không và quy trình thu hồi sẽ phải theo quy định nào của pháp luật?
Luật sư Nguyễn Hoài Nam: Nếu có căn cứ xác minh chắc chắn nhóm đối tượng đã chuyển tiền ra nước ngoài (cụ thể là ngân hàng ở Singapore), chúng ta có đầy đủ căn cứ, khả năng để thu hồi khoản tiền này. Trường hợp này, tài sản có nguồn gốc là tài sản do phạm tội mà có. Do đó, việc xác minh, thu hồi được thực hiện theo hình thức thu hồi tài sản dựa trên kết án hình sự. Căn cứ Điều 31, Công ước của Liên Hợp Quốc về phòng chống tham nhũng; Điều 6, Điều 7, Điều 18, Điều 22 của Hiệp định tương trợ tư pháp ASEAN; Chương 3 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007; căn cứ Điều 507 BLTTHS 2015. Theo đó, qui trình thu hồi được thực hiện như sau:
Cơ quan điều tra lập hồ sơ ủy thác gửi đến cơ quan có thẩm quyền thực hiện tương trợ tư pháp của Singapore trong đó có nội dung yêu cầu tương trợ tư pháp. Trong đó, Việt Nam có quyền yêu cầu quốc gia nơi có tài sản do phạm tội mà có trực tiếp quyết định thu hồi tài sản hoặc thực thi quyết định thu hồi tài sản của Nhà nước Việt Nam. Quốc gia có tài sản do phạm tội mà có cũng có thể tự mình tiến hành thủ tục để xác minh nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản và theo thủ tục pháp lý của quốc gia này, trả lại tài sản do phạm tội mà có cho Nhà nước Việt Nam. Việc trả lại tài sản được thực hiện theo qui định tại khoản 5 Điều 22 Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự giữa 8 nước ASEAN.
PV: Trong trường hợp số tiền phạm pháp của các đối tượng đã được chuyển thành các bất động sản ở nước ngoài thì quy trình thu hồi có gì khác với việc thu hồi tiền gửi ở ngân hàng?
Luật sư Nguyễn Hoài Nam: Trường hợp số tiền phạm pháp của các đối tượng đã được chuyển thành bất động sản ở nước ngoài thì quy trình thu hồi không có sự khác biệt. Căn cứ Khoản 5, Điều 31 Công ước về phòng chống tham nhũng của Liên Hợp Quốc: "Nếu tài sản do phạm tội mà có đã bị biến đổi hoặc chuyển đổi, một phần hoặc toàn bộ, thành tài sản khác, tài sản khác này sẽ là đối tượng áp dụng các biện pháp nói tại Điều này thay cho tài sản do phạm tội mà có".
Mặt khác, phía cơ quan chức năng Việt Nam là phía yêu cầu hỗ trợ tư pháp và phía thực hiện việc thu hồi là phía được yêu cầu hỗ trợ tư pháp. Về nguyên tắc, tài sản phạm pháp thì phải phong tỏa và thu hồi. Tuy nhiên, nếu tài sản ở Việt Nam thì áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết, nhưng nếu tài sản ở nước ngoài thì cơ quan chức năng Việt Nam chỉ có quyền yêu cầu hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng của nước có tài sản phạm pháp để thực hiện tịch thu, thu hồi và trao trả lại cho Nhà nước Việt Nam.
Nếu có sự khác biệt thì chỉ khác ở qui định pháp luật, quá trình thực hiện của nước được yêu cầu tương trợ tư pháp. Do qui định pháp luật về việc phong tỏa, thu hồi đối với tiền gửi ngân hàng và bất động sản là khác nhau.
PV: Xin cảm ơn luật sư.
Theo PV/VOV.VN