Sau 4 ngày tạm nghỉ, sáng nay (2/2), phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng và 6 đồng phạm trong vụ án “Tham ô tài sản” tại Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land) tiếp tục.
Trước đó, trong các ngày diễn ra phiên tòa vào cuối tháng 1/2018 xuất hiện khá nhiều tình tiết gây sự chú ý lớn. Đặc biệt, tại phần luật sư bào chữa cho các thân chủ của mình, luật sư của bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho rằng có hành vi bỏ lọt tội phạm của cơ quan tố tụng.
Theo đó, khi xảy ra vụ án lừa đảo hàng trăm khách hàng mua dự án Nam Đàn Plaza, ngày 21/4/2010 bị can Lê Hòa Bình bị khởi tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đến tháng 7/2010, khi phát hiện hành vi hạ thấp giá của đất nền dự án để hưởng tiền chênh lệch, cơ quan điều tra tiếp tục khởi tố bổ sung vụ án "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" đối với các bị cáo Nguyễn Ngọc Sinh, Đào Duy Phong, Đặng Sỹ Hùng…
Và trong suốt giai đoạn này, hoàn toàn không có thông tin gì liên quan đến hành vi của Đinh Mạnh Thắng và Trịnh Xuân Thanh.
Hơn nữa, dựa vào lời khai của bị cáo Hương số tiền 14 tỷ đồng còn thể hiện, Hương nhận tiền về, gọi điện cho ông Trịnh Xuân Thanh nhiều lần nhưng không liên lạc được và Hương vẫn giữ số tiền đó.
Sau nhiều lần điều tra bổ sung, điều tra lại, mãi đến tháng 3/2017, TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên án phúc thẩm cho rằng, từ lời khai của các bị cáo chỉ thấy tội tham ô tài sản và tuyên án chung thân với Lê Hòa Bình và Nguyễn Thị Kim Thoa tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, những bị cáo khác tội lợi dụng chứng vụ quyền hạn trong thi hành công vụ nhưng bị trả hồ sơ lại.
Ngoài ra, HĐXX khởi tố vụ án tham ô tài sản đối với hành vi của bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đến tận tháng 12/2017, bị cáo Đinh Mạnh Thắng mới bị khởi tố và bắt giam.
Trong quá trình diễn biến phiên tòa cho thấy, HĐXX đã xét hỏi các bị cáo Thanh, Thắng và Thái Kiều Hương liên quan đến lời khai đối với số tiền 19 tỉ.
HĐXX công bố bút lục lời khai (năm 2017) của bị cáo Thắng và Hương về việc trước đó (năm 2010-2012) các bị cáo đã thỏa thuận không khai với cơ quan điều tra về việc đã chuyển tiền đến chỗ bị cáo Thắng và Thanh.
Bằng những lập luận, các luật sư cho rằng, hành vi của bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã xảy ra từ năm 2010 nhưng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án Lê Hòa Bình lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hành vi của các bị cáo đã không được khởi tố.
Các luật sư đề nghị, nếu xử lý hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo Trịnh Xuân Thanh thì phải xem xét hành vi bỏ lọt tội phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng thời điểm đó.
Bảo Ngân