Thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí đã đăng tải về số tiền 3,5 tỷ đồng của ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) bị bỏ quên tại PVTrans. Theo đó, vào tháng 11/2019, PVTrans đã lập biên bản “giao nộp 3,5 tỷ đồng cho cơ quan Công an”.
Trước đó, cơ quan CSĐT- Bộ Công an cũng có văn bản gửi PVN xác định PVtrans là một trong những doanh nghiệp nhận tiền lãi ngoài của Oceanbank.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng là người theo dõi sát sao vụ việc này đã chia sẻ với báo chí rằng, nhiều cử tri phàn nàn là đã rất chậm trễ trong việc làm rõ khoản tiền này.
Nhận định về khoản tiền 3,5 tỷ đồng của Oceanbank bị “bỏ quên” nhiều năm trong két sắt của Pvtrans, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng rằng: Chẳng ai “bỏ quên” khoản tiền đó cả, chỉ có điều họ không khai báo, không khai nhận, không dám chịu trách nhiệm. Số tiền đó bằng nửa tổng thu ngân sách của huyện miền núi mà nói bị “bỏ quên” thì thật là chuyện lạ, siêu tưởng. Chỉ vì có thể nó liên quan đến các “phi vụ” làm ăn không đàng hoàng nên người ta định “ém nhẹm” đi, thậm chí đợi “bão tố” đi qua, khi thấy “trời yên biển lặng” sẽ tiếp tục sử dụng.
|
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng. |
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng cho biết thêm là nhiều ý kiến cũng cho rằng 3,5 tỷ đó rất có thể liên quan đến “phi vụ Ocean Bank”, là tiền “lại quả” chưa kịp sử dụng. Vì khi vụ việc bị phát hiện, xử lý, các bị cáo đều khai ra việc sử dụng trái pháp luật khoản lãi ngoài để “chăm sóc” khách hàng “VIP”, các đơn vị có mối quan hệ “làm ăn”. Có thông tin cho rằng tiền trong két quỹ do một cán bộ giữ, chắc họ biết.
Khi phóng viên đặt câu hỏi, nếu nghi ngờ trên là có cơ sở thì có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo luật định không?
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng hoàn toàn có thể khởi tố vụ án khi nghi ngờ trên là có cơ sở. “nếu có nghi ngờ đó là khoản tiền bất minh, tham nhũng thì cơ quan có thẩm quyền có thể tiến hành điều tra làm rõ. Nếu phát hiện tham nhũng thì thu hồi, xử lý người phạm tội theo pháp luật”- Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh thêm.
Đáng lưu ý, vụ việc kể trên xảy ra vào tháng 11/2019, nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức và những cán bộ, lãnh đạo của PVtrans trực tiếp, gián tiếp liên quan đến vi phạm trên vẫn chưa bị xem xét xử lý gây bức xúc dư luận.
Liên quan đến sự chậm trễ khó hiểu này thì ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ : “Tôi không có thông tin về việc điều tra nhưng nếu xét ở khía cạnh thời gian tthì có thể cho phép suy nghĩ như nhiều cử tri phàn nàn là đã rất chậm trễ trong việc làm rõ khoản tiền này.
Vì việc đó thực sự không phải là quá khó. Tủ của ai? Ai giữ chìa khoá? phòng đó ai được phép sử dụng? Thậm chí có thể biết cả độ dài thời gian khoản tiền đã “ngự” ở đó… Hơn nữa, với việc hiện đại hoá, các biện pháp nghiệp vụ tinh thông, các điều tra viên giỏi… thì việc xác định về khoản tiền đó không quá phức tạp. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, có thể người ta đang tiến hành bí mật để thực hiện điều tra cho hiệu quả, toàn diện hơn. Tóm lại chúng ta chờ thêm chút nữa. Không phải mọi thứ chậm trễ đều tai hại và gây hậu quả xấu. Tuy nhiên, nếu chậm trễ mãi sẽ khiến dư luận nghi ngờ về năng lực điều tra và sự trung thực trong việc xác định khoản tiền nêu trên. Thậm chí người ta còn nói về khả năng “chìm xuồng” của vụ việc khá nghiêm trọng đó.”
Đối với việc gia đình ông Phạm Việt Anh được cho là sở hữu khối tài sản cả trăm tỷ đồng nhưng lại kê khai tài sản không trung thực thì ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cũng cho biết: “Vụ việc của ông Phạm Việt Anh cũng nằm trong tình trạng chung mà nhiều cử tri và công luận đã nêu trong thời gian qua.
Tôi chia sẻ với ý kiến của nhiều cử tri và công luận nêu trong đơn thư và trên cả báo chí, mạng xã hội thời gian qua về việc nhiều cán bộ, công chức tìm cách che giấu, tẩu tán tài sản tham nhũng, không khai báo trung thực để không đưa vào hồ sơ, giả vờ nghèo…
Việc phát hiện ra trường hợp ông Phạm Việt Anh có nhiều tài sản không khai báo xét ở phương diện xã hội là rất tốt, có thể chứng minh cho những ý kiến và dư luận xung quanh vụ việc này. Nó cũng nói lên một điều rằng, cho dù có che đậy như thế nào nhưng một khi cơ quan có thẩm quyền xem xét khách quan, toàn diện các trường hợp thì có thể phát hiện các trường hợp che đậy hay cố tình “quên” không kê khai tài sản, và có thể thu hồi được tài sản tham nhũng, bất minh.
Việc của ông Phạm Việt Anh nếu có đơn tố cáo thì cơ quan có thẩm quyền trước hết là Thanh tra nhà nước, cơ quan kiểm tra đảng có thể vào cuộc xem xét kết luận. Trường hợp phát hiện dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan điều tra tiến hành thủ tục khởi tố, điều tra xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Được biết, theo Điều 51 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 thì những đối tượng là cán bộ trong diện phải kê khai tài sản mà có hành vi kê khai không trung thực thì một trong những hình thức xử lý cán bộ vi phạm sẽ là bãi nhiệm hoặc buộc thôi việc.
Như đã đưa tin, tháng 11/2019 Tổng công ty cổ phần vận tải dầu khí (PVTrans) lập biên bản giao nộp 3,5 tỷ đồng (tiền nhận lãi ngoài của ngân hàng Đại Dương) cho cơ quan Công an khiến dư luận xôn xao và đặt ra câu hỏi những lãnh đạo nào của PVTrans sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về vụ việc này.Trong khi PVTrans đang rối bời về vụ việc lình xình trên thì lại xuất hiện đơn của công dân tố cáo ông Phạm Việt Anh- TGĐ PVTrans sở hữu khối tài sản hàng trăm tỷ đồng nhưng không “kê khai tài sản” đúng theo quy định.
>>> Xem thêm video: Trải nghiệm giao dịch ngân hàng bằng dấu vân tay tại TPBank LiveBank
Vượng Văn