Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà - Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cho biết, Văn phòng Thường trực Uỷ ban đã nắm được đầy đủ thông tin bên phía Lào về sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, đây là nhà máy thủy điện quy mô trung bình, công suất khoảng 500MW; khả năng tích nước trên 1 tỷ m3 và nằm ở dòng nhánh chứ không phải trên dòng chính. Từ dòng nhánh này ra dòng chính khoảng 200km nữa.
Sự cố vỡ đập thủy điện cách Việt Nam khoảng 700km. Mực nước dâng lên bên phía Việt Nam theo đánh giá sơ bộ ban đầu chưa lớn, vẫn cần tiếp tục theo dõi. Việc trước mắt là cứu hộ cứu nạn, sẽ có những thông báo để người dân Việt Nam biết để cùng chia sẻ với nhân dân Lào.
|
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà - Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam. |
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho hay, trong các thỏa thuận sông Mê Công có quy định cần phải thông báo và tham vấn trước đối với những công trình sử dụng nước xây dựng trên dòng sông này. Chúng ta đã có nhiều nghiên cứu chung của các thành viên trong Ủy hội liên quan đến tác động tổng hợp từ những công trình ở thượng nguồn với sự tham gia, hỗ trợ của các quốc gia trong lưu vực và cộng đồng quốc tế.
Việt Nam cũng đã tiến hành nghiên cứu độc lập, đánh giá tác động tổng hợp của hệ thống các bậc thang quy hoạch các nhà máy thủy điện ở thượng lưu các nước để từ đó hỗ trợ các tham vấn cụ thể đối với từng nhà máy thủy điện một.
“Đương nhiên, trong các tham vấn cụ thể, vấn đề sự cố là vấn đề trung tâm được quan tâm trong việc thiết kế đập, cũng như trong việc xác định các nguyên nhân xảy ra sự cố. Đập thủy điện Sepien Senamnoi đang trong giai đoạn tích nước, chưa vận hành. Các nước thành viên sẽ nghiên cứu xem nguyên nhân xảy ra sự cố là gì, ở đâu” - Chủ tịch Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam nói.
Liên quan sự cố xảy ra tại đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy ở tỉnh Attapeu, đại tá Lê Hồng Quang, đại diện Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cho biết chiều 24/7, Thủ tướng đã họp về vỡ đập thuỷ điện ở Lào, đồng thời sắp xếp huy động lực lượng để hỗ trợ các bạn Lào trong vấn đề cứu nạn, cứu hộ.
"Ngay sáng 25/7, chúng tôi đã phối hợp với quân khu 5 để sang Lào tổ chức cứu hộ cứu nạn, đưa cả trang thiết bị sang hỗ trợ, sau đó sẽ bàn giao các thiết bị máy móc cứu nạn này cho Lào tiếp nhận"- đại tá Quang cho biết.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng triển khai công tác hỗ trợ cho bạn Lào ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố vỡ đập thủy điện tại tỉnh Attapeu, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và các đơn vị đứng chân trên địa bàn đã khẩn trương triển khai lực lượng phương tiện hỗ trợ giúp đỡ bạn ứng phó và khắc phục hậu quả sự cố.
Lực lượng gồm 750 người (Ban chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum/Quân khu 5: 260; BĐ15: 90; QĐ3: 410) sẵn sàng tham gia tìm kiếm cứu nạn. Bên cạnh đó, huy động 26 ô tô các loại; 6 xuồng ST 660; VSN1500: 3 bộ, 1 xe công trình, 1 xe cứu thương; 410 chiếc áo phao; 100 nhà bạt; 2 máy đẩy, 2 máy thông tin Vô tuyến điện, 9 tấn lương khô cùng lực lượng bảo đảm quân y Quân y sư đoàn 10/QĐ3, Đội phẫu viện 211.
Hiện lực lượng, phương tiện đã trực tiếp tham gia giúp bạn Lào ứng phó, khắc phục hậu quả gồm 140 người.
Bộ Tư lệnh Quân khu 5 chỉ đạo Đoàn Kinh tế Quốc phòng cử 5 cán bộ chiến sĩ (trong tổng số 10 y bác sỹ) do đồng chí Phó Đoàn trưởng đoàn KTQP 206 chỉ huy, cùng trang bị thuốc đủ cứu chữa cho 500 người cơ động bằng trực thăng của Bộ Quốc phòng Lào đến địa điểm ngập lụt để phối hợp với bạn tổ chức cứu chữa người bị nạn.
Hải Ninh