Chiều 25/7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo TW về PCTT đã tổ chức cuộc họp khẩn chỉ đạo để bàn biện pháp ứng phó trước việc Lào bị vỡ đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy và diễn biến mưa lũ đang diễn ra rất nguy hiểm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng Ban Chỉ đạo TW về PCTT Nguyễn Xuân Cường đã chỉ đạo Tổng cục Thủy lợi cử ngay các đoàn công tác tiếp tục rà soát các hồ có nguy cơ cao bị sự cố tại Việt Nam.
"Hồ nào không có khả năng an toàn khi tích nước thì kiên quyết không cho tích, chứ nếu không bị sự cố vỡ đập thủy điện như Lào là rất nguy hiểm", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Đối với các hồ thủy điện, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Bộ Công Thương tổng kiểm tra lại ngay 285 hồ chứa, trong đó phải đặc biệt lưu ý các hồ thủy điện nhỏ thuộc thẩm quyền của ban chỉ huy phòng, chống thiên tai các địa phương cấp tỉnh.
|
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp. |
Tại cuộc họp trên, đánh giá về thiên tai năm nay, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thiên tai hiện nay đang rất cực đoan, thường sau các đợt nắng nóng là mưa lớn. Có thể khẳng định mưa lớn trên toàn vùng thời gian qua đã khiến 110 người chết, tổng thiệt hại kinh tế gần 3.600 tỷ đồng.
"Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến một loạt đê cấp 1, 2, 3 tổn thương ghê gớm như vậy, ẩn họa khôn lường"- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường quan ngại.
Bộ trưởng Cường đưa ra dẫn chứng, đợt mưa lũ vừa rồi đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Dự báo thời gian tới lại tiếp tục có mưa, chưa kể sẽ có áp thấp nhiệt đới, bão, trong khi đó các thiết chế hạ tầng ứng phó với thiên tai đã bị tổn thương nặng nề.
“Hơn 2.000 hồ, trong đó hơn 200 hồ đã bị xuống cấp hết sức nguy hiểm; hơn 200 km đê, 18 điểm xung yếu, vừa qua đã có nhiều đoạn đê bị tràn, đặc biệt là hệ thống đê cấp 3 và cấp 5 của chúng ta cũng đang bị xuống cấp. Chính điều này đang đặt ra mối quan tâm hết sức bức thiết, chúng ta không có giải pháp tích cực, quyết liệt ứng phó thì thiệt hại không chỉ như vừa rồi, không cẩn thận có chỗ sẽ dẫn đến thảm họa" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Liên quan đến sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào, trước đó, do mưa lớn dài ngày bởi ảnh hưởng của bão Sơn Tinh đã khiến lũ lụt trở nên nghiêm trọng ở nhiều khu vực của Lào. Sự cố vỡ xảy ra tại một đập phụ tại hồ Thuỷ điện Xe-pian Xe-Namnoy đang trong giai đoàn tích nước xảy ra vào khoảng 20h ngày 23/7/2018.
|
Người dân Lào leo lên mái nhà tránh dòng nước vỡ đập. |
Theo thông tin ban đầu, việc đập Thuỷ điện Xe-pian Xe-Namnoy bị vỡ đã gây ngập lụt nghiêm trọng khu vực hạ lưu, khiến một số người chết và mất tích; hàng nghìn người hiện đang không có nhà để ở. Ngày 24/7/2018, Chính phủ Lào đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại huyện Samathay, tỉnh Attapeu.
Theo báo cáo số 1 của trung tâm hỗ trợ nhân đạo Asean (AHA) mưa lũ đã khiến 41 huyện, 349 ngôi làng, 3452 gia đình bị ảnh hưởng; hơn 200 ngôi nhà bị phá huỷ và phá huỷ hoàn toàn; nhiều hạ tầng giao thông bị hỏng. Tại tỉnh Attapeu, hệ thống nước sạch đã bị cắt; cách duy nhất để di chuyển đến vùng bị ảnh hưởng là bằng thuyền. Chính phủ Lào đã tích cực huy động mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả và hàng nghìn người cũng đã được sơ tán đến nơi an toàn.
Theo báo cáo của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, do ảnh hưởng của vỡ đập Xe-Pian Xe-Namnoy dòng chảy về đồng bằng sông Cửu long có thể gia tăng, dự báo mực nước tại Tân Châu có thể gia tăng 7-10cm vào cuối tuần (27-28/7 )so với điều kiện tự nhiên, như vậy không làm ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến lũ trên đồng bằng. Mực nước lũ trên đồng bằng gia tăng tự nhiên đến giữa tháng 8/2018 và đạt đỉnh khoảng 3.2m tại Tân Châu.
Hải Ninh