Vì sao phiên tòa Trịnh Xuân Thanh không hoãn dù vắng mặt bị cáo?

Google News

(Kiến Thức) - Đại diện VKS cho rằng hồ sơ vụ án đã có đủ lời khai của bị cáo Lê Hòa Bình nên phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng và đồng phạm trong vụ án xảy ra ở PVP Land không hoãn. 

Sáng nay (24/1), TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử ông Trịnh Xuân Thanh, Đinh Mạnh Thắng và các đồng phạm trong vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land).
 Hai ngày sau khi nhận án chung thân trong vụ án PVN, PVC, bị cáo Thanh lại ra tòa lần thứ 2. Nguồn ảnh: PLO
Tuy nhiên, ngay khi mới bắt đầu, phiên tòa có nguy cơ bị trì hoãn khi bị cáo Lê Hòa Bình - Nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần xây dựng dịch vụ 1-5 (Công ty cổ phần Minh Ngân) có đơn xin vắng mặt vì lý do sức khỏe. Ngoài ra, một số người có liên quan được triệu tập cũng vắng mặt vì lý do bận công tác. Thế nhưng đại Viện kiểm sát (VKS) vẫn đề nghị HĐXX tiến hành phiên tòa.
Lý giải cho việc này VKS cho rằng hồ sơ vụ án đã có đầy đủ lời khai của bị cáo này. Do đó, quá trình xét xử sẽ công bố các lời khai của bị cáo và trong trường hợp nếu thấy thì tiếp tục triệu tập, áp giải Lê Hòa Bình đến phiên tòa. Trên cơ sở đó, đại diện VKS đề nghị vẫn tiến hành phiên xét xử.
Tại phần thủ tục phiên xử, theo báo cáo của thư ký ghi biên bản phiên tòa, bị cáo Lê Hòa Bình – cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng và dịch vụ 105 và Công ty CP Minh Ngân có đơn xin được xét xử vắng mặt tại phiên tòa. Trước đó, tháng 3/2017, bị cáo này đã bị TAND Cấp cao tại Hà Nội xử phạt tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trước khi bước vào phần VKS đọc cáo trạng luận tội bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm, luật sư Nguyễn Huy Thiệp bào chữa cho bị cáo Đinh Mạnh Thắng (em trai ông Đinh La Thăng) đề nghị khi tòa giải lao, cho phép luật sư được tiếp xúc với thân chủ để trao đổi làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến vụ án.
 Bị cáo Đinh Mạnh Thắng tại Tòa sáng nay. 
Còn Luật sư Lê Văn Thiệp bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh đề nghị HĐXX kết thúc giờ làm việc theo quy định, chứ không kéo dài thời gian như phiên xử ông Đinh La Thăng (kéo dài tới 18h hoặc 18h30 phút) để đảm bảo sức khỏe cho luật sư, bị cáo.
Hồi đáp lại đề nghị từ các luật sư, Chủ tọa phiên tòa nhất trí việc tạo điều kiện ccho các luật sưtham gia xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa. Còn việc HĐXX làm việc quá giờ thì mong sự thông cảm.
"Việc HĐXX làm việc quá giờ, các luật sư cần thông cảm vì tòa còn nhiều phần việc khác. Việc luật sư đề nghị được tiếp xúc với bị cáo trong phần nghỉ giải lao cần đảm bảo theo đúng quy định", Chủ tọa phiên tòa cho biết.
P.H