Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa có báo cáo tóm tắt về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đã có 2.033 kiến nghị được tổng hợp, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trong đó: 2.032 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời, đạt tỷ lệ 99,95%.
 |
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV.
|
Theo báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, một số chính sách ưu đãi của Nhà nước chưa được triển khai do Bộ, ngành chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành. Cụ thể, cử tri tỉnh Hà Tĩnh đề nghị ban hành Danh mục các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
Qua giám sát cho thấy, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 quy định miễn học phí đối với người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, sau gần 10 năm kể từ khi Luật có hiệu lực, chính sách miễn học phí này vẫn chưa được triển khai do chưa ban hành Danh mục.
Do đó kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương tham mưu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Danh mục trên.
Ngoài ra, quyền lợi hợp pháp của người dân bị ảnh hưởng do văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ.
Theo đó, từ Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đến nay, cử tri tại nhiều địa phương liên tục đề nghị giải quyết cho những người đang hưởng trợ cấp thương binh, đồng thời đủ điều kiện hưởng chế độ mất sức lao động, được nhận hai chế độ trợ cấp.
Qua giám sát cho thấy, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng quy định: Người có công thuộc nhiều đối tượng thì được hưởng trợ cấp, phụ cấp của nhiều đối tượng. Nghị định số 131 quy định: Trường hợp thương binh đồng thời là bệnh binh hoặc người hưởng chế độ mất sức lao động thì được hưởng thêm một chế độ trợ cấp hằng tháng. Tuy nhiên, Nghị định số 131 chỉ quy định hồ sơ, thủ tục cho người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hưởng thêm trợ cấp thương binh, mà chưa đề cập quy trình giải quyết cho những người trước đây đã thôi hưởng trợ cấp mất sức để nhận trợ cấp thương binh, nay có nguyện vọng khôi phục lại quyền lợi về chế độ mất sức.
Qua giám sát đã yêu cầu Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định pháp luật, đảm bảo người đang hưởng trợ cấp thương binh đồng thời là người mất sức lao động được giải quyết quyền lợi đầy đủ, thống nhất và công bằng. Bộ Nội vụ đã tiếp thu, đưa nội dung này vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 131, trình Chính phủ xem xét, ban hành.
Bên cạnh đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết một số kiến nghị của cử tri về sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật còn chậm được giải quyết.
Điển hình như cử tri tỉnh Hậu Giang kiến nghị thay thế Thông tư số 08/1988 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về khen thưởng và kỷ luật học sinh phổ thông.
Qua giám sát cho thấy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng dự thảo thông tư thay thế, đăng tải lấy ý kiến từ 01/7/2020. Tuy nhiên, gần 05 năm trôi qua, thông tư thay thế vẫn chưa được ban hành. Kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 08.
Cử tri nhiều địa phương kiến nghị thay thế Thông tư liên tịch số 200/2011 của Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về chế độ chi tiêu tài chính đối với các giải thi đấu thể thao.
Qua giám sát cho thấy, Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều thống nhất cần thiết phải thay thế Thông tư số 200. Tuy nhiên, quá trình xác định cơ quan chủ trì ban hành văn bản còn vướng mắc.
Tiếp thu ý kiến qua giám sát, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất giao nhiệm vụ xây dựng và ban hành văn bản thay thế. Bộ Tài chính được giao chủ trì nghiên cứu, quyết định theo thẩm quyền. Kiến nghị Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 200.
Thiên Tuấn