Sửa đổi Hiến pháp là đáp ứng nhu cầu phát triển đặc biệt của đất nước

Google News

Quốc hội thảo luận ở tổ về đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Cuối buổi sáng 5/5, các đoàn đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Sua doi Hien phap la dap ung nhu cau phat trien dac biet cua dat nuoc
 Đại biểu Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh.
Phát biểu tại tổ, đại biểu Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trước đây, Trung ương đã tiến hành một bước sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan ban Đảng, Trung ương, bộ ban ngành, cơ quan quốc hội…Bước thứ hai là tổ chức lại chính quyền địa phương theo hai cấp, sắp xếp bộ máy Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương và địa phương…Tới đây nữa còn tổ chức lại quân đội ở cấp huyện.
“Bộ Chính trị luôn chỉ đạo làm khẩn trương, quyết liệt, nhưng vẫn phải rất chắc chắn, đặc biệt tuân thủ đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật. Vì vậy, khi tiến hành nghiên cứu, tất cả các cơ quan tham mưu, giúp việc, cơ quan của Đảng, Chính phủ, Quốc hội đều nghiên cứu, đề xuất tổ chức bộ máy chính quyền liên quan theo quy định của Hiến pháp thì phải báo cáo Quốc hội để tiến hành sửa đổi, bổ sung các quy định. Và quy trình sửa đổi Hiến pháp cũng phải thực hiện đúng quy định của Hiến pháp như: Thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Tiến hành quy trình lấy ý kiến của Nhân dân…”, đại biểu Lê Minh Hưng nói và cho biết, lần này việc sửa đổi Hiến pháp liên quan đến tổ chức bộ máy nên phạm vi sửa đổi Hiến pháp cũng chỉ dừng lại ở một số điều.
Sua doi Hien phap la dap ung nhu cau phat trien dac biet cua dat nuoc-Hinh-2
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận thống nhất các nội dung thảo luận tại tổ số 3. 
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, đại biểu Trần Quốc Nam, Trưởng Đoàn cho rằng, mặc dù thời gian ngắn, nhưng cơ quan chức năng đã triển khai những nội dung sửa đổi Hiến pháp rất công phu và nhiệt huyết. Lần này, Quốc hội sẽ xem xét sửa đổi 8/120 Điều của Hiến pháp. Sau khi nghiên cứu, Đoàn đại biểu tỉnh Ninh Thuận đồng tình và thống nhất rất cao việc sửa đổi Hiến pháp cũng như việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương khẳng định: “Đoàn nhất trí với việc sửa đổi Hiến pháp lần này".
Sua doi Hien phap la dap ung nhu cau phat trien dac biet cua dat nuoc-Hinh-3
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga. 
Theo đại biểu Việt Nga, thông thường, việc sửa đổi Hiến pháp sẽ được diễn ra vào dịp đặc biệt, như thay đổi về địa chính trị, cơ cấu nhà nước, hội nhập đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội. Thực tế, Hiến pháp Việt Nam qua nhiều lần sửa đổi, mỗi lần đều gắn với dịp đặc biệt, đáp ứng với nhu cầu phát triển đặc biệt của đất nước.
“Lần này, việc sửa đổi Hiến pháp cũng để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Do đó, cử tri và nhân dân đều hoàn toàn nhất trí chủ trương sửa đổi Hiến pháp”, đại biểu Việt Nga nói và cho biết, Hiến pháp là đạo luật gốc. Sửa đổi Hiến pháp thì mới tạo được hành lang pháp lý quan trọng để tiếp tục sửa đổi các Luật có liên quan, phục vụ công cuộc sắp xếp lại tổ chức bộ máy chính quyền nhà nước và sự phát triển của đất nước. Bởi vậy, công tác sửa đổi Hiến pháp phải là công tác đầu tiên.
“Ở kỳ họp mang tính lịch sử này, nội dung sửa đổi Hiến pháp được đưa vào đầu tiên và tiến hành thảo luận tại hội trường. Đó là sự sắp xếp hợp lý, đảm bảo nền tảng xem xét sửa đổi các luật tiếp theo, đảm bảo thời gian theo quy định để xin ý kiến nhân dân”, đại biểu tỉnh Hải Dương đánh giá.
Kết thúc thảo luận tại tổ, các đại biểu tổ số 3 đều thống nhất và khẳng định, sửa đổi Hiến pháp trong thời điểm hiện nay là phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước. Các đại biểu tin tưởng sau khi sửa đổi, hệ thống chính trị của nước ta sẽ được vận hành hiệu quả hơn, gần dân hơn, sát dân hơn và tạo đột phá trong phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị vững mạnh.
Thiên Tuấn