Trong phiên xét xử bị cáo Đinh La Thăng cùng các đồng phạm chiều nay (9/1), sau khi HĐXX mời các bị cáo, nhân chứng lên trả lời, đối chất lời khai, thì phiên tòa tiếp tục diễn ra với các luật sư xét hỏi bị cáo.
|
Các luật sư xét hỏi các bị cáo trong phiên xét xử chiều ngày 9/1. |
Bị cáo Đinh La Thăng “ép" cấp dưới thế nào?
Trả lời câu hỏi của luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng), bị cáo Đinh La Thăng cho biết, trong giai đoạn 2006 đến tháng 8/2011, ngoài Chủ tịch HĐTV PVN, bị cáo còn được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ làm Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Nói về tầm quan trọng của dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo Đinh La Thăng cho biết: Dự án này nằm trong nhiều dự án điện, nằm trong chiến lược phát triển PVN cũng như ngành điện Việt Nam. Trong đó PVN phải đảm bảo 30% sản lượng điện của cả nước. Tiến độ cấp bách nên được Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế đặc thù để thúc đẩy dự án nhanh tiến độ.
|
Bị cáo Đinh La Thăng phân trần về việc ép cấp dưới đẩy nhanh tiến độ dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. |
Bị cáo Đinh La Thăng phân trần: Với cơ chế đặc thù, theo quy định Chính phủ cho phép vừa triển khai thiết kế và kế hoạch, vừa thực hiện các chủ trương quyết định của Chủ đầu tư. Nói một cách dễ hiểu là vừa thiết kế vừa thi công, những hạng mục không làm ảnh hưởng đến dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 thì thực hiện trước. Đây là dự án cấp bách, Chính phủ yêu cầu khởi công trong quý 1/2009. Do vậy PVN phải triển khai theo đúng tiến độ Chính phủ yêu cầu, HĐTV cũng ép các đơn vị phải bám sát tiến độ, thực hiện theo đúng cơ chế đặc thù. Sau 10 năm nhìn lại dự án, tôi đã có đầy đủ các thông tin mà lúc triển khai chưa thể có được. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và bản thân tôi, đôi lúc tôi đã nóng vội, chính vì vậy sau 10 năm nhìn lại bản thân tôi thấy có những việc do ép tiến độ mà anh em cấp dưới không đủ thời gian cần thiết để thực hiện, dẫn đến vi phạm về thủ tục.
"Tôi nhận trách nhiệm của người đứng đầu, rất mong HĐXX xem xét bối cảnh 10 năm về trước, đặc biệt PVN là tập đoàn triển khai rất nhiều dự án trọng điểm trong bối cảnh hành lang pháp lý chưa đầy đủ nên đã hành động thiếu sáng tạo", bị cáo Đinh La Thăng nói.
Bị cáo Đinh La Thăng cho rằng, PVC đã làm các dự án tương tự như Nhiệt điện Cà Mau 1, 2, Nhiệt điện Nhơn Trạch 2… mang lại hiệu quả hơn 100 triệu USD so với lựa chọn đấu thầu quốc tế. Bị cáo báo cáo Chính phủ nếu Chính phủ cho phép thì triển khai chọn nhà thầu trong nước, dự án sẽ giảm được 100 triệu USD. Bị cáo hiểu HĐTV quyết định chủ trương đường lối căn cứ chủ trương của Đảng và Chính phủ. Chủ trương này đã triển khai như vậy.
Khi dự án về PVN làm chủ đầu tư, chúng tôi đánh giá PVC đủ năng lực và đến nay PVC vẫn đang triển khai dự án. Có thể khẳng định PVC đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm để thực hiện dự án.
Sau khi Cơ quan điều tra và HĐXX chỉ ra những sai sót thì bị cáo nhận ra, tuy nhiên trước đây bị cáo chưa từng nhận được bất cứ báo cáo của cá nhân nào cho rằng hợp đồng EPC số 33 không đảm bảo tính pháp lý.
Bản thân bị cáo không chỉ đạo bất kỳ công việc gì, chỉ có 4 lần nhận văn bản đề nghị tạm ứng thì hai lần bị cáo không đồng ý. Điều đó chứng tỏ việc tạm ứng là trách nhiệm của những người được phân công, không phải là nhiệm vụ của HĐTV. Bản thân bị cáo không chỉ đạo bất kỳ cụ thể chuyển tiền vào lúc nào và chuyển bao nhiêu tiền. Bản thân bị cáo cũng không biết đã chuyển bao nhiêu tiền. Sau 10 năm nhìn lại, được sự giúp đỡ của Cơ quan điều tra, VKS, HĐXX, bị cáo nhận thấy việc triển khai dự án còn sai về thủ tục. Bị cáo có trách nhiệm là người đứng đầu và nhận trách nhiệm. Vì sự chỉ đạo quyết liệt của bị cáo dẫn đến anh em không đủ thời gian cần thiết để thực hiện công việc dẫn đến anh em vi phạm thủ tục. Bị cáo nhận trách nhiệm.
Bên cạnh đó, bị cáo Đinh La Thăng thừa nhận, bản thân bị cáo đã thiếu sự kiểm tra đôn đốc, nếu bản thân bị cáo kiểm tra đầy đủ thì có thể ngăn chặn hậu quả xảy ra.
Nguyên TGĐ PVN nói bị “phớt lờ” ý kiến
Trả lời những câu hỏi của luật sư Phan Trung Hoài, bị cáo Phùng Đình Thực - nguyên Tổng Giám đốc PVN cho hay: Dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là công trình trọng điểm quốc gia, dự án nằm trong quy hoạch điện 6. PVN là tập đoàn lớn, quản lý 6.000 cán bộ công nhân viên, 43 đơn vị và rất nhiều dự án. PVN có 10 Phó Tổng giám đốc, trong đó có Phó Tổng giám đốc quản lý dự án điện. Các Phó Tổng giám đốc được thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn do Tổng giám đốc ủy quyền. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐTV về tổng mức đầu tư, phê duyệt kế hoạch tổng thầu,….
Theo lời của bị cáo Phùng Đình Thực, thì hợp đồng EPC số 33 PVN có “bộ máy là tham mưu”. Khi được luật sư hỏi về bốn lần cấp vốn cho Ban quản lý dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 từ đó Ban quản lý dự án đã chuyển tiền tạm ứng cho PVC thì bị cáo Thực khẳng định “tôi chỉ nhận được một lần duy nhất văn bản, còn ba lần trước tôi không có ý kiến nhưng người ta vẫn làm. Lần duy nhất tôi có ý kiến thì người ta không thực hiện theo chỉ đạo của tôi”.
Tiếp đó, trả lời luật sư Hoài về câu hỏi được ông Thực cử đi Trung Quốc để khảo sát công nghệ chuyển đổi cho nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, tại sao lại có sự chuyển đổi công nghệ? Bị cáo Nguyễn Quốc Khánh - nguyên Phó TGĐ PVN khai rằng: “Tôi có được sang Úc khảo sát công nghệ để có sự so sánh đánh giá, trong đoàn có đại diện của Bộ Công thương và văn phòng Chính phủ. Về công nghệ lò… do công suất cao hơn nên PVPoewr có văn bản đề xuất thay đổi công nghệ”.
Kết luận việc PVN tạm ứng cho PVC dựa trên… tính toán thiệt hại trực tiếp
Luật sư Phan Trung Hoài hỏi giám định viên tài chính về việc cơ quan giám định kết luận việc PVN tạm ứng tiền cho PVC và PVC chuyển tiền vào sử dụng mục đích khác,… Được đại diện giám định viên tài chính cho biết: Phần thiệt hại gồm trực tiếp và gián tiếp. Trên cơ sở hồ sơ chúng tôi tính toán thiệt hại trực tiếp. Đây là không tính trên lãi suất trần, trên cơ sở căn cứ Ngân hàng nhà nước cung cấp về lãi suất huy động thời điểm đó.
Hưng Bùi