Ngày 8/5, Công an tỉnh Lạng Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Lê Việt Hùng (34 tuổi, trú tại phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Trước đó, vào ngày 6/5, Công an tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận nguồn tin có dấu hiệu của tội Cưỡng đoạt tài sản đối với Lê Việt Hùng từ một số công dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và một số địa phương.
 |
Lê Việt Hùng tại cơ quan Công an.
|
Hùng được nhiều người biết đến trên mạng xã hội Tiktok khi thường đăng tải các video về lực lượng công an. Những nội dung này thường nhận nhiều các ý kiến trái chiều khi Hùng có cách ứng xử chưa phù hợp. Những tháng gần đây, Hùng thường đến trụ sở công an các phường, chốt giao thông ở Hà Nội để quay video, chụp ảnh, gây ảnh hưởng đến lực lượng thi hành công vụ. Gần đây nhất, khoảng 15h ngày 7/4, Hùng bị cảnh sát giao thông dừng xe trên cao tốc Lạng Sơn - Bắc Giang khi ô tô không dán tem kiểm định. Tuy nhiên, anh này thể hiện thái độ không hợp tác, quay lại video và đăng lên mạng xã hội.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, nếu dùng thủ đoạn để đe dọa, uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, đây là hành vi cưỡng đoạt tài sản, người thực hiện hành vi sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự.
 |
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) |
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ phương thức thủ đoạn của nghi phạm, làm rõ hành vi và xác định số tiền mà nghi phạm định chiếm đoạt là bao nhiêu, đồng thời thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh tội phạm theo quy định của pháp luật. Điều 170 Bộ luật Hình sự quy định, người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản sẽ bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Số tiền chiếm đoạt càng lớn, mức phạt sẽ tăng nặng hơn, cao nhất của tội danh này có thể tới 20 năm tù. Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ làm rõ thủ đoạn để uy hiếp tinh thần của nạn nhân là gì và số tiền muốn chiếm đoạt hoặc đã chiếm đoạt là bao nhiêu. Điều luật quy định tội danh này có cấu thành hình thức, chỉ cần thực hiện hành vi uy hiếp tinh thần của nạn nhân nhằm chiếm đoạt tài sản là bị xử lý hình sự, không phụ thuộc vào giá trị tài sản cũng như việc đã chiếm đoạt được tài sản hay chưa.
Vì thế, trường hợp bị chứng minh có tội, tùy vào tính chất mức độ của hành vi mà Tiktoker Lê Việt Hùng có thể đối mặt với các khung hình phạt như đã nêu ở trên. Theo ông Cường, thời gian qua xảy ra không ít các trường hợp lợi dụng sơ hở, sai sót, vi phạm của người khác để đe dọa uy hiếp tinh thần, buộc người khác phải chuyển tiền để mua lấy sự im lặng.
Rất nhiều đối tượng đã bị xử lý hình sự, nhưng vì lòng tham và ý thức coi thường pháp luật nên nhiều người vẫn bất chấp pháp luật để thực hiện. Hành vi cưỡng đoạt tài sản không chỉ xâm phạm trực tiếp tới quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân mà còn xâm phạm đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, đến các quyền lợi hợp pháp của công dân. Thế nên các đối tượng thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản sẽ phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc.
>>> Xem thêm video: Bị cưỡng đoạt tài sản vì 'thế chấp' hình ảnh khỏa thân để vay tiền
Gia Đạt