Vừa tuyên bố có đoàn kiểm tra, lòng se điếu hết sạch

Google News

Giám đốc Sở An toàn Thực phẩm TP HCM Phạm Khánh Phong Lan cho biết, liên quan đến vụ lòng se điếu, chỉ mới rộ thông tin có đoàn kiểm tra thì đến cửa hàng nào cũng kêu hết lòng.

Chiều 8/5, tiếp tục kỳ họp 9, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân và dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). 
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP HCM) góp ý vào Luật Thanh tra (sửa đổi) nhận định, thực tế hiện nay kết quả công tác thanh tra chưa có hiệu quả.
"Dù anh em nỗ lực, nhưng thường phải chạy theo vụ việc, kết quả chưa đáp ứng mong đợi của người dân, vẫn còn nhiều vi phạm, không riêng trong ngành thực phẩm mà nhiều ngành khác do đó việc sửa luật là cần thiết", bà Lan nói.
Song, nữ ĐBQH chỉ ra ở Luật Thanh tra (sửa đổi) hiện nay tập trung vào thay đổi hệ thống thanh tra, trong đó bỏ cấp sở, quận, huyện, chỉ giữ cấp Chính phủ, tỉnh/thành. Do đó, nữ ĐBQH cho rằng việc thanh tra theo kế hoạch sẽ không hiệu quả bằng thanh tra đột xuất.
Vua tuyen bo co doan kiem tra, long se dieu het sach
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan góp ý vào Luật Thanh tra (sửa đổi).
Bà Phong Lan nêu: "Gần đây, có vụ lòng se điếu, chỉ cần tôi tuyên bố sẽ đi kiểm tra và báo chí giật tít lên thì đoàn kiểm tra đi đến đâu, cửa hàng nào cũng kêu hết lòng rồi".
Do vậy, bà nhấn mạnh thanh tra đột xuất là quyền của Thanh tra Nhà nước và cần phải làm thế nào để tất cả đơn vị sản xuất kinh doanh trên thị trường luôn luôn nghĩ có nguy cơ bị kiểm tra bất cứ lúc nào để không dám làm sai, vi phạm.
Ngoài ra, ĐBQH nêu thêm vấn đề thủ tục nhiêu khê, từ thời gian phải xử lý biên bản; thẩm quyền được ký biên bản xử lý vi phạm hành chính và cho rằng nên phân biệt rõ việc phòng chống tiêu cực, tránh đặt ra quy định để "trói tay" thanh tra, ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan quản lý.
Thiên Tuấn