Tin tức trên báo Dân trí, chiều 2/6, Đội 3 - Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an TP.HCM đã phát hiện và xử lý một cơ sở chuyên sản xuất thực phẩm giả - hô biến thịt lợn thành đặc sản thú rừng. Cơ sở không tên này nằm trên đường số 3 (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) do bà Lương Thị Thu Thủy làm chủ.
Thời điểm bị kiểm tra, lực lượng chức năng bắt quả tang bà Thủy cùng nhóm công nhân đang nhúng khoảng 1 tấn thịt lợn vào huyết để tạo màu đỏ tươi nhằm “hô biến” thành thịt đà điểu, thịt nai và thịt bò, sau đó đóng gói trong bao bì rất tinh vi, bên ngoài ghi các nhãn hiệu như “sản phẩm từ nai, đà điểu”, “thực phẩm của thời đại”… chi tiết đến mức có cả thông tin “trang trại chăn nuôi Củ Chi, Sóc Trăng” nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Ngoài ra, PC49 thu giữ 120 kg thịt đà điểu, thịt nai và thịt bò được làm giả từ thịt lợn, 976 kg thịt lợn được đóng vào từng bịch riêng lẻ với trọng lượng 1 kg/bịch. Số thịt lợn dù có giấy kiểm dịch nhưng không đúng số lượng và không đúng địa chỉ. Cũng tại cơ sở của bà Thủy còn có 22 kg mỡ và 87 kg da đà điểu không giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
|
PC49 thu giữ 120 kg thịt đà điểu, thịt nai và thịt bò được làm giả từ thịt lợn. |
Đáng chú ý, vào cuối tháng 3, cơ sở của bà Thủy đã từng bị xử phạt 5 triệu đồng vì hành vi sản xuất thực phẩm giả nhưng vẫn tái phạm.
Hiện cơ quan chức năng niêm phong nhiều tủ đông chứa thịt, bao bì và thùng xốp để phục vụ quá trình điều tra.
Trước đó, thông tin trên báo Nông nghiệp, ngày 3/11/2015, Đoàn kiểm tra liên ngành quận Thủ Đức (TP. HCM) bất ngờ kiểm tra tại một ngôi nhà nằm trên đường 21 thuộc KP.4, phường Hiệp Bình Chánh đã phát hiện các nhân viên đang “chế biến” các loại thịt đặc sản rừng từ thịt lợn nái trộn với tiết lợn để “nhuộm” thành thịt nhím, đà điểu và thịt nai rừng.
Ông Tài, chủ cơ sở, thừa nhận tại đây hoạt động không có giấy phép kinh doanh, các loại thịt lợn lấy từ chợ Bình Điền không giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc đem về sơ chế, cấp đông rồi đóng bao bì, dán nhãn hiệu thành thịt nhím, đà điểu, nai rừng bán ra thị trường.
Những loại thịt làm giả từ thịt lợn được ông Tài bán cho các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh thành.
Qua kiểm tra, đoàn phát hiện trong kho lạnh và 4 tủ cấp đông của nhà ông Tài chứa 939 kg thịt được đóng gói với nhãn hiệu “bắp đùi đà điểu”; thịt nhím cắt lát 188 kg; thịt nai 626 kg; 132 thịt heo nguyên liệu.
Đoàn kiểm tra đã lập biên bản xử phạt cơ sở các lỗi gồm kinh doanh không phép, thịt không rõ nguồn gốc, không giấy chứng kiểm dịch. Cơ quan chức năng quận Thủ Đức cũng đã tạm thời niêm phong tất cả số hàng nói trên đưa vào kho lạnh để điều tra hành vi làm hàng giả, hàng nhái.
Độc hại tiềm ẩn
Thông tin trên báo Pháp luật TPHCM về các điểm kinh doanh thịt thú rừng ở TP.HCM, ông Nguyễn Đình Cương, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM cho rằng, hầu hết đây là bán “thịt giả”. Ông giải thích: “Khi bán cho khách hàng thì họ nói đây là thịt lợn rừng, thịt nai, thịt nhím… Nhưng khi bị bắt thì họ nói đây chỉ là thịt lợn nhà, việc thui cho vàng da chỉ nhằm mục đích làm cho thịt ngon hơn. Thực tế, đó chỉ là thịt heo nên chức năng xử lý thuộc về bên cơ quan thú y”.
Theo ông Cương, điểm chung của những điểm kinh doanh “thịt giả” là mua thịt lợn nái già, giá rẻ về thui vàng da rồi cắt thành những miếng thịt cho giống thịt của con thú này, thú kia.
Còn theo các nguồn tin từ cảnh sát môi trường, để biến thịt lợn thành thịt thú rừng, các đối tượng kinh doanh chắc chắn phải có “bí quyết” trong việc chế biến. “Có thể họ dùng máu thịt thú rừng hay hóa chất để tẩm ướp vào thịt heo sao cho giống thịt thú rừng nhất. Tuy nhiên, các chất tẩm ướp này là chất gì thì đến nay vẫn chưa có đơn vị chức năng nào xác định được”, một cảnh sát môi trường, chia sẻ.
Nhiều cán bộ thú y cũng nhìn nhận, trong thời gian qua, hầu hết các vụ phát hiện làm thịt giả, cơ quan chức năng chỉ xác định được nguyên liệu là thịt lợn nái không được kiểm dịch còn cách chế biến làm giả thịt ra sao thì vẫn chưa xác định.
“Hiện nay, các loại thịt thường dễ bị làm giả đó là thịt lợn rừng, thịt nai, thịt đà điểu, thịt nhím… Nguyên liệu để làm các loại thịt này thường là thịt lợn nái già. Thịt lợn này thường mua trôi nổi với giá rẻ để chế biến bán lại giá cao, thu lợi nhiều. Các loại thịt làm giả đều không đảm bảo diều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguy cơ gây độc hại cho người dử dụng”, một cán bộ thú y, nhận định.
Theo Đời sống pháp luật