Tướng về hưu không được lập doanh nghiệp: "Quy định khó khả thi"

Google News

(Kiến Thức) - Cán bộ quân đội về hưu thì không tham nhũng nhưng cán bộ đương chức lại có cơ hội tham nhũng nhiều hơn. Do đó, cần phải minh bạch đối với những cán bộ đương chức, đương quyền. 

Người có chức vụ, quyền hạn trong quân đội không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi nghỉ hưu 12 tháng.
Đó là một trong những nội dung dự thảo thông tư sẽ được bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành trong thời gian tới theo đề nghị của chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng nhằm ngăn chặn tình trạng thành lập doanh nghiệp “sân sau” để tham nhũng.
Thông tư này được ban hành nhằm cụ thể hóa quy định của Luật phòng, chống tham nhũng, nghị định 59 năm 2013 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tham nhũng trong ngành quốc phòng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, quy định trên không khả thi vì tướng về hưu nếu không trực tiếp lập doanh nghiệp vẫn có thể có “sân sau” hoặc có người nhà lập doanh nghiệp. Thực tế, ngay cả khi đương chức vẫn có tình trạng như vậy. Thậm chí có ý kiến cho rằng, chống tham nhũng phải làm tận gốc, chứ không thể chỉ làm từ ngọn…
Tuong ve huu khong duoc lap doanh nghiep:
 Ảnh minh họa.
Trao đổi với PV Kiến Thức, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, không chỉ Bộ Quốc phòng, chuyện phòng chống tham nhũng còn là chuyện của toàn Đảng, toàn dân hiện nay. Phải quyết liệt để làm trong sạch đội ngũ cán bộ mà người dân cho rằng đó là những cán bộ để lãnh đạo nhân dân, chấn hưng đất nước để phát triển kinh tế, ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
“Đối với những đối tượng tham nhũng, cần có biện pháp thích đáng để trừng trị theo quy định của pháp luật. Nếu có sự bao che, nâng đỡ, thậm chí không dám tố cáo hành vi tham nhũng của những cán bộ đó thì công tác phòng chống tham nhũng sẽ không đạt hiệu quả tốt. Việc Bộ Quốc phòng đề ra quy định như trên cũng là một giải pháp tình thế phải thực hiện trong đội ngũ quân đội” – Đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, thời gian qua, không ít sĩ quan cấp cao của quân đội có hành vi tham nhũng, làm ảnh hưởng đến uy tín, thanh danh của quân đội Việt Nam. Do đó, quy định trên cũng là một biện pháp nhưng chuyện cần thực thi những công việc cho phù hợp thực tiễn đó là điều rất quan trọng. Dù về hưu hay đương chức cũng phải quản lý chặt chẽ.
“Cán bộ quân đội về hưu thì không tham nhũng nhưng cán bộ đương chức lại có cơ hội tham nhũng nhiều hơn. Do đó, cần phải minh bạch đối với những cán bộ đương chức, đương quyền. Ngoài cán bộ công chức, viên chức, cán bộ trong lực lượng vũ trang công an, quân sự phải liêm khiết, minh bạch và trong sáng hơn. Khi đó, mới tạo được sự tin tưởng của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng chống tham nhũng” – đại biểu Hòa nêu ý kiến.
Tuong ve huu khong duoc lap doanh nghiep:
 Đại biểu Phạm Văn Hòa.
Đại biểu Hòa cũng cho rằng, với lực lượng quân đội, Bộ Quốc phòng đặt ra quy định trên cũng là một điều căn cơ, cốt lõi, nhưng cán bộ có chức vụ, quyền hạn trong quân đội, thượng tá, đại tá khi về hưu rồi muốn tham nhũng cũng rất khó. Tuy nhiên, đối với những cán bộ đương chức, nắm giữ chức vụ chủ chốt, có ảnh hưởng, liên quan kinh tế có khả năng xảy ra tham nhũng thì phải đề cao cảnh giác và phòng ngừa.
“Cần phải bố trí những cán bộ có tầm, có tâm, có đức vào những vị trí nhạy cảm có thể xảy ra tham nhũng thì đó là một điều hết sức quan trọng đối với công tác tổ chức của Đảng, đặc biệt trong ngành quân đội. Bộ Quốc phòng quy định như vậy để ngăn ngừa như vậy là tốt nhưng phải biết, phải hiểu những con người đó như thế nào mới là quan trọng. Phải ngăn ngừa từ chính những cán bộ đương chức, đương quyền, nắm vị trí chủ chốt, nhạy cảm, có thể thực hiện hành vi tham nhũng mới là điều quan trọng. Đối với cán bộ về hưu thì họ về hưu rồi còn tham nhũng gì nữa” – đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Khi trao đổi với PV Kiến Thức về quy định trên, thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho rằng, quy định người có chức vụ, quyền hạn trong quân đội không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi nghỉ hưu 12 tháng ở góc độ nào đó rất máy móc.
“Tôi thấy quy định trên không ổn một chút nào, khi mà người ta đã nghỉ hưu thì họ có quyền làm điều gì đó mà luật pháp không cấm. Khi luật pháp không cấm sao quân đội lại ra một quy định như vậy là không phù hợp. Sau khi nghỉ hưu, căn cứ vào sở trường, năng lực, lĩnh vực mà cán bộ đó hiểu biết thì họ có quyền tận dụng năng lực, sở trường, sức khỏe, trí óc, ảnh hưởng xã hội để họ làm điều gì đó có ích cho xã hội. Con người tiếp tục vận động về trí não, về mặt thể lực không tạo ra sức ì là điều tốt, sao lại ngăn cấm” – tướng Lê Mã Lương nêu ý kiến.
Tuong ve huu khong duoc lap doanh nghiep:
 Thiếu tướng Lê Mã Lương.
Theo tướng Lương, việc ra quy định như vậy là cực kỳ vô lý. Nhiều ý kiến phản ứng và không hài lòng về quy định trong dự thảo trên.
“Khi cán bộ đã nghỉ hưu họ có quyền làm những điều luật pháp cho phép. Họ có sức khỏe, có tầm ảnh hưởng, muốn làm điều gì đó có ích cho gia đình và xã hội, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Câu chuyện này không liên quan việc sẽ hạn chế người ta tiêu cực hay liên quan đến vấn đề tham nhũng.
Do đó, việc ra quy định cấm đoán như vậy nếu đứng về mặt luật pháp thậm chí còn là vi phạm. Bởi khi người ta nghỉ hưu, đồng nghĩa rời khỏi cương vị, chức vụ đó rồi nên không thể tham nhũng. Hơn nữa, về mặt nhân văn, các mối quan hệ xã hội của cán bộ mà quy định cấm như vậy là không phải đạo, không phù hợp với quy định của pháp luật” – tướng Lê Mã Lương cho hay.
Theo dự thảo của Bộ Quốc phòng, trong thời gian 12 tháng kể từ khi thôi giữ chức vụ, quyền hạn trong các đơn vị trực thuộc Bộ, người có chức vụ, quyền hạn trong quân đội không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý.
Người thôi giữ chức vụ là người có chức vụ, quyền hạn về một trong các lĩnh vực quy định được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết chế độ thôi việc, kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc, nghỉ hưu hoặc chuyển ra khỏi cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.
Các lĩnh vực mà người có chức vụ, quyền hạn trong quân đội sẽ phải áp dụng quy định trên, gồm: Quản lý công tác kế hoạch và đầu tư, tài chính, kinh tế, hậu cần, kỹ thuật của các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng. Quản lý ngân hàng trong quân đội;Quản lý công tác thanh tra quốc phòng của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng và tương đương trở lên. Cán bộ quản lý doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước do Bộ Quốc phòng quản lý; người đại diện phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp do Bộ Quốc phòng cử làm đại diện; Quản lý nghiên cứu đề tài khoa học của các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Các loại hình doanh nghiệp mà người có chức vụ, quyền hạn trong quân đội không được thành lập hoặc giữ chức vụ sau khi thôi chức gồm: Doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý.
Dự thảo thông tư cũng cho biết trường hợp vi phạm các quy định này và các quy định khác của pháp luật thì tùy theo tính chất và mức độ của hành vi vi phạm bị xử lý theo điều lệnh quản lý bộ đội, quy định của pháp luật Nhà nước.
>>> Mời độc giả xem thêm video 2019: Năm thanh trừng các cán bộ tham nhũng biến chất

Nguồn: VTV 24.

Hải Ninh