Vừa qua, Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông nhận định cần biên soạn một bộ sách giáo khoa của Nhà nước (do Bộ Giáo dục & Đào tạo chủ trì). Nhiều phụ huynh cho rằng, cần một bộ sách chuẩn thay vì nhiều bộ sách như hiện nay. Điều này đã làm dấy lên luồng tranh luận, về việc có nên quay trở lại chỉ có một bộ sách giáo khoa chuẩn như trước hay không.
Sách giáo khoa không còn là “vòng kim cô”
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, TS Nguyễn Thị Ngọc Minh, giảng viên khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay, cách đây vài năm, khi đi tập huấn chuyên môn cho một địa phương, TS đã nghe giáo viên than phiền về việc không được sáng tạo. Giáo viên phải dạy đúng như phân phối chương trình, bất kể năng lực học sinh tiếp thu nhanh hay chậm, nếu không sẽ bị nhắc nhở khiển trách.
|
TS Nguyễn Thị Ngọc Minh, giảng viên khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC. |
Lý do là vì đề thi cũng chỉ kiểm tra mấy tác phẩm trong sách giáo khoa, để đảm bảo các em có điểm cao và đồng đều, cách an toàn nhất vẫn là học thuộc lòng đề cương, văn mẫu.
Hệ quả của lối học hành thi cử này là sau khi tốt nghiệp phổ thông, nhiều học sinh không biết gì hơn ngoài “Chí Phèo”, “Vợ nhặt”…, những tác phẩm quen thuộc trong sách giáo khoa. Các em không có kĩ năng tự đọc hiểu, dù là một văn bản đơn giản, không có kĩ năng tự viết những gì mình thực sự nghĩ, mà chỉ biết cắm đầu sao chép.
“Văn, Sử, Địa được coi là các môn học thuộc lòng. Thi xong là quên luôn. Khi dạy đại học, chúng tôi là người cảm nhận rõ hơn ai hết những bất cập của giáo dục phổ thông”, TS Nguyễn Thị Ngọc Minh chia sẻ.
Theo TS Ngọc Minh, chủ trương đổi mới giáo dục phổ thông được Quốc hội thông qua trong Nghị quyết 88 năm 2014 được coi là một bước ngoặt quan trọng để khắc phục sức ì cố hữu, giải phóng sức sáng tạo của giáo dục phổ thông.
Chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa và xã hội hóa sách giáo khoa khiến cho sách giáo khoa không còn là một vòng kim cô trói buộc giáo viên và học sinh. Bởi giáo viên có thể tự quyết định nhịp điệu học tập, mục tiêu bài học, tài liệu học tập phù hợp nhất với học sinh của mình.
Chủ trương này cũng khuyến khích các nhà trường tự xây dựng kế hoạch giáo dục trường học (hay còn gọi là chương trình nhà trường) phù hợp với sứ mệnh, mục tiêu của nhà trường, phù hợp với văn hóa địa phương cũng như học sinh.
Việc được tham khảo cùng lúc nhiều bộ sách giáo khoa cũng buộc giáo viên phải nâng cao năng lực chuyên môn, rèn luyện óc phân tích và phê phán, một trong những năng lực vô cùng cần thiết của con người trong thời đại mà AI đang phát triển với một tốc độ đáng kinh ngạc. Nếu thực hiện được một cách nhất quán, sâu sắc và có chất lượng chủ trương này, thì chắc chắn giáo dục sẽ có những bước đột phá.
Riêng với môn học Ngữ văn, công văn Số 3175 của Bộ GD&ĐT nhằm hướng dẫn đổi mới việc dạy học và kiểm tra đánh giá là một bước tiến rất quan trọng.
Yêu cầu đề kiểm tra đánh giá không được rơi vào những tác phẩm đã xuất hiện trong sách giáo khoa (bất cứ bộ sách giáo khoa nào) nếu được thực hiện một cách thực sự nghiêm cẩn và khoa học, sẽ xóa được tình trạng học vẹt, học thuộc lòng văn mẫu. Đồng thời khuyến khích giáo viên thay đổi cách dạy, sao cho có thể phát triển được khả năng vận dụng các kiến thức, kĩ năng đã học để nhằm giải quyết những tình huống mới.
Theo TS Nguyễn Thị Ngọc Minh, nếu thay đổi chủ trương đổi mới thì sẽ có nguy cơ “đẽo cày giữa đường”, gây lãng phí công sức và tiền bạc từ 2018 đến nay. Và nếu lại quay trở về chỉ một chương trình một bộ sách giáo khoa duy nhất thì lại khiến cho giáo dục tiếp tục luẩn quẩn trong “vòng kim cô” sách giáo khoa.
“Không thể nói chuyện sáng tạo hay khai phóng khi giáo viên chỉ biết dạy những gì trong sách giáo khoa và học sinh không biết gì hơn ngoài sách giáo khoa”, TS Nguyễn Thị Ngọc Minh nói.
Vướng mắc lớn nhất là đào tạo giáo viên thích ứng đổi mới
Vướng mắc lớn nhất của đổi mới giáo dục theo TS Nguyễn Thị Ngọc Minh nằm ở chỗ làm sao để đào tạo và tái đào tạo đội ngũ giáo viên để có thể thích ứng với chương trình, sách giáo khoa, cơ chế kiểm tra đánh giá mới, làm sao để thay đổi cách quản trị và vận hành hệ thống giáo dục sao cho có thể giải phóng sức sáng tạo của giáo viên.
“Là một người đào tạo giáo viên, tôi rất thấu hiểu những thiệt thòi và khó khăn của các thầy cô khi phải thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới. Vì vậy, việc của ngành giáo dục lúc này phải là hỗ trợ, tiếp sức cho giáo viên để họ có động lực và năng lực để thích ứng với cái mới.
Đó là tạo ra cơ chế đãi ngộ xứng đáng, môi trường làm việc khuyến khích sự tương hỗ và sáng tạo, trang bị cho giáo viên những kiến thức họ đã bị thiếu như kiến thức về thần kinh học, tâm lý học, giáo dục học, kiến thức về chuyên môn… Thử nghiệm và cải tiến không ngừng cách kiểm tra đánh giá sao cho không những đo lường được một cách chính xác người học mà còn tạo động lực cho toàn bộ quá trình dạy và học… “, TS Ngọc Minh nói.
Theo TS Ngọc Minh, còn rất nhiều trách nhiệm nặng nề và quan trọng mà ngành giáo dục phải làm, để việc đổi mới giáo dục được thực hiện tới nơi tới chốn. Bởi vì đổi mới bao giờ cũng khó khăn, cũng động chạm, cũng vấp phải rất nhiều lực cản của cái cũ, của những quan điểm lạc hậu.
Đổi mới giáo dục không phải chỉ là đổi mới sách giáo khoa, mà là thay đổi một cách hệ thống tất cả các yếu tố và các quá trình, các bên liên quan từ giáo viên, học sinh đến nhà quản lý, phụ huynh… Cái mới không thể thành hình ngay lập tức, mà cần có một quá trình tìm tòi, thử nghiệm, cải tiến, hoàn thiện, và bởi vậy không thể có kết quả trong một sớm một chiều.
“Hãy để chúng tôi, những người làm giáo dục, yên tâm đi hết con đường của mình”, TS Nguyễn Thị Ngọc Minh bày tỏ.
Tại phiên giám sát về thực hiện các nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, hiện tồn tại những quan điểm khác nhau về bản chất và vai trò của sách giáo khoa trong hoạt động dạy và học theo chương trình mới.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, nhà nước (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nắm và trông coi chương trình thống nhất toàn quốc. Đó là nội dung lõi của giáo dục, là pháp lệnh, còn sách giáo khoa là học liệu, công cụ để hỗ trợ giáo viên để chuyển tải chương trình, thực hiện các yêu cầu môn học.
"Chương trình là duy nhất, thống nhất, học liệu là đa dạng và linh hoạt", Bộ trưởng Sơn nói và đề nghị bỏ đề xuất của Đoàn giám sát Quốc hội với Chính phủ cuối tháng 7 về việc giao Bộ biên soạn một bộ sách giáo khoa của nhà nước.
Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) chia sẻ bên hành lang Quốc hội về niềm tự hào, hạnh phúc nhất khi là một cô giáo. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan