Sáng 15/8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gặp gỡ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên. 700.000 giáo viên mầm non, phổ thông tham dự trực tuyến kết hợp trực tiếp.
|
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn gặp gỡ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên bậc mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên sáng 15/8. |
Nhiều bất cập khi dạy học tích hợp
Gửi ý kiến đến Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, nhiều giáo viên đã bày tỏ băn khoăn trong việc dạy học tích hợp.
Đại diện cho các thầy cô giáo tỉnh Khánh Hòa, cô giáo Hoàng Hải Vân, Trường THCS Võ Thị Sáu, thành phố Nha Trang cho biết, việc tích hợp các môn KHTN và KHXH còn bất cập khi giáo viên được đào tạo để dạy từng môn; giải pháp tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy tích hợp cũng chưa thực sự hiệu quả
|
Cô giáo Hoàng Hải Vân, Trường THCS Võ Thị Sáu, thành phố Nha Trang nêu ý kiến về bất cập trong dạy tích hợp. |
Cô giáo Hoàng Hải Vân mong Bộ trưởng có giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên dạy học tích hợp.
Theo đó, việc yêu cầu giáo viên bồi dưỡng để dạy tích hợp là do thay đổi từ Chương trình nhưng không có chính sách hỗ trợ kinh phí cho giáo viên tham gia bồi dưỡng các môn này. Cô Vân mong Bộ trưởng quan tâm, phối hợp với các ngành chức năng đề xuất chính sách hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho đội ngũ giáo viên.
Ngoài ra, cô Vân cũng chuyển tới Bộ trưởng băn khoăn về việc học sinh gặp khó khăn trong việc chuyển trường; việc tổ chức thi/xét tốt nghiệp THPT, tuyển sinh vào lớp 10, ĐH, CĐ; thi học sinh giỏi các cấp sẽ như thế nào... Đặc biệt phương án thi/xét tốt nghiệp, tuyển sinh trong những năm tới sẽ ra sao…
“Bản thân là một giáo viên, đồng thời cũng là một phụ huynh, trăn trở không chỉ của cá nhân tôi mà còn của rất nhiều những phụ huynh”, cô Vân chia sẻ và mong Bộ trưởng có giải pháp.
Khả năng cao sẽ điều chỉnh dạy tích hợp bậc THCS
Trả lời câu hỏi của cô giáo Hoàng Hải Vân và các thầy cô giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, việc triển khai dạy học tích hợp, liên môn ở bậc THCS được nhiều thầy cô giáo, dư luận quan tâm.
|
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin, khả năng cao sẽ điều chỉnh với dạy học tích hợp. |
Theo Bộ trưởng, dạy học tích hợp là một điểm mới trong chương trình GDPT 2018. Những người thiết kế chương trình khi đưa vào cũng đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế và cũng đã có những căn cứ với mục tiêu phát triển một cách toàn diện cho học sinh. Tuy nhiên, thực tế triển khai đang gặp rất nhiều vướng mắc.
"Qua việc thu thập ý kiến chuyên gia, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục các địa phương, thực sự đây là một điểm nghẽn, vướng, khó", Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, có những nhà giáo đủ năng lực nên đã dạy học tích hợp với đủ hợp phần. Song phần nhiều vẫn đang lúng túng. Nhất là với các giáo viên vùng sâu, vùng xa, dẫu đã được tập huấn nhưng việc dạy học tích hợp vẫn còn đang là thách thức rất lớn.
Căn cứ vào thực tế triển khai, tại diễn đàn này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn muốn thông tin tới các thầy cô giáo rằng, trong thời gian ngắn sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét, quyết định việc có thể điều chỉnh dạy học các môn tích hợp ở bậc THCS hay không.
“Có thể sẽ vẫn kiên trì việc dạy học tích hợp ở bậc tiểu học (từ trước đến nay vẫn làm vậy). Nhưng riêng với bậc THCS sẽ tham khảo thêm ý kiến chuyên gia cân nhắc kỹ lưỡng và khả năng cao là sẽ đưa ra điều chỉnh, tức là điều chỉnh với chương trình 2018 ở bộ môn tích hợp”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, việc điều chỉnh làm thế nào để không gây ra những xáo trộn. Thay vào đó, là để tốt hơn, thuận lợi hơn và phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục.
“Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được đánh giá là tốt, khoa học, phù hợp thực tiễn. Nhưng để thực hiện được là một quá trình. Và khi thực hiện chưa thấy thực sự phù hợp thì sẵn sàng dũng cảm điều chỉnh”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Trao đổi về phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2025, Bộ trưởng cho hay, dự kiến quý 4/2023, phương án thi sẽ được công bố. Việc điều chỉnh này sẽ trên tinh thần không gây bất ngờ, sốc với lứa thí sinh chưa được trải nghiệm đầy đủ chương trình giáo dục phổ thông mới.
Chia sẻ cảm xúc tại buổi gặp gỡ các nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, ông rất hồi hộp, cũng có phần căng thẳng vì thực sự chưa làm việc này bao giờ. Đứng trước 100 người, 1.000 người đã thấy căng, huống hồ đang trò chuyện với gần một triệu người. Nhưng ông sẽ cố gắng.
"Có người khuyên tôi không nên tổ chức cuộc này vì làm sao mà trả lời hết, nhỡ không trả lời hết thì mọi người chuyển từ sự hồ hởi trông chờ ngóng đợi sang thất vọng thì sao? Nhỡ lỡ mồm thì sao. Mọi điều đều có thể xảy ra. Nhưng mong muốn làm thì cứ phải làm và không đắn đo nhiều quá. Và tôi vẫn quyết định tổ chức cuộc gặp gỡ này.
Cũng phải nhắc lại, đây là cuộc gặp gỡ trao đổi chứ không phải cuộc đối thoại. Không phải đối thoại giữa người sử dụng lao động với người lao động theo quy định, mà là cuộc gặp gỡ trao đổi giữa Bộ trưởng, các lãnh đạo bộ, các vụ, cục với toàn thể nhà giáo. Gặp gỡ trao đổi để gần nhau hơn, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của nhau, cùng chia sẻ để tăng thêm sức mạnh chung”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành giáo dục và đào tạo đang triển khai những việc rất lớn và rất khó, có việc khó tựa như dời non lấp bể. Để làm được những việc khó thì phải đồng tâm hiệp lực.
Với trên 6.500 câu hỏi chuyển về bằng nhiều kênh và nhiều con đường khác nhau, một buổi hay nhiều ngày ông cũng không thể trả lời hết được. Sau hôm nay ông sẽ tổ chức và chỉ đạo các vụ, cục tiếp tục phân tích các câu hỏi và có cách trả lời theo các chủ đề và quan trọng hơn là lắng nghe các ý kiến để điểu chỉnh chính sách.
Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) chia sẻ bên hành lang Quốc hội về niềm tự hào, hạnh phúc nhất khi là một cô giáo. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan