Phiên thảo luận tình hình kinh tế xã hội sáng 5/11 tại Quốc hội tiếp tục "nóng" khi các đại biểu tranh luận nảy lửa về việc thủy điện và tác động của xây dựng thủy điện đến các đợt thiên tai, lũ lụt.
|
Thủy điện gây nóng nghị trường Quốc hội sáng 5/11. |
Mọi thứ đúng cả, chỉ có trời sai do mưa nhiều quá
Tranh luận về về vấn đề thủy điện với Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) nói rằng: "Nếu phát biểu như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thì mọi thứ đều đúng, chỉ có trời mới sai vì cho mưa nhiều quá. Bộ trưởng cũng có nói do chính quyền địa phương, do quy hoạch, khâu tổ chức thực hiện…thì e rằng chưa ổn.
Ông Hồng nhận định, ở đâu có nhiều nhà máy thủy điện thì ở đó gắn liền với lũ ống, lũ quét, sạt lở, ngập lụt.
"Các cụ xưa có câu nói "tức nước vỡ bờ. Chúng ta làm nhiều đập thủy điện nó không vỡ ở chỗ đạp thủy điện thì nó sẽ vỡ ở các chỗ khác. Nước dâng cao thì phải tìm đường thoát, thoát trái quy luật tự nhiên thì sẽ gây ra nhiều hậu quả" - đại biểu đoàn Bình Dương nêu ý kiến.
|
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng. |
Không nên vì lũ lụt mà đổ hết cho thủy điện
Tranh luận với Bộ trưởng Công Thương, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hoà) đồng tình với quan điểm xây dựng thủy điện luôn có hai mặt. Về mặt tích cực, ông Thịnh cho rằng, cần ủng hộ việc chúng ta đã thực hiện đúng các quy trình, như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định.
Còn mặt tiêu cực, Bộ Công Thương đang kiểm soát tương đối chặt chẽ, đặc biệt trong nhiệm kỳ này. Song, ông đề nghị Bộ trưởng Công Thương cần kiểm soát có hiệu quả hơn những mặt tiêu cực.
Ông Thịnh cho biết, ông đồng tình một phần ý kiến các dự án thuỷ điện như “quả bom nổ chậm”. Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng đây là nhận thức chủ quan về điều kiện khách quan.
“Vấn đề đặt ra là có đúng như vậy không? Nếu đúng là quả bom nổ chậm thì phải tháo ngòi nổ đó. Bom mìn ở Biển Đông chúng ta còn tháo được, rừng núi chúng ta cũng có thể tháo được. Tôi nghĩ cũng không đến mức quả bom nổ chậm, nếu đúng quả bom nổ chậm thì nguy hiểm quá”, ông Thịnh nói.
|
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh. |
Tranh luận lại với đại biểu Thịnh, đại biểu Dương Trung Quốc cảnh báo đừng tùy tiện so sánh vấn đề thủy điện với Biển Đông. Nếu không nhìn nhận đúng về câu chuyện thủy điện thì nó sẽ để lại hậu quả nặng nề trong vài chục năm nữa.
"Cách mà Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nói là khi nào xong thì mới xử lý thì xin ví dụ, có những câu chuyện khi lấy đất của dân mà còn chưa đền bù cho họ chứ nói gì để 40 đến 50 năm sau thì ai là người bỏ tiền ra giải quyết vấn đề này. Cho nên, việc này phải nắm đằng chuôi, Nhà nước phải đóng vai trò quản lý, chứ doanh nghiệp thì họ rất dễ thoái thác" - ông Quốc nhấn mạnh.
|
Đại biểu Dương Trung Quốc. |
Trước đó, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã có tranh luận với các đại biểu về mối quan hệ giữa thủy điện và môi trường. Giải thích băn khoăn của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng về dự án thủy điện có hai mặt, vậy mặt nào là chủ đạo, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định việc có quy trình pháp lý quan trọng, bài bản trong quản lý dự án đầu tư thủy điện. Đây là những nhân tố cơ bản giúp các cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư đánh giá dự án đó có hiệu quả hay không, mức độ tác động tiêu cực thế nào. Đồng thời cho biết, dự án thủy điện còn phải thoả mãn yêu cầu hạn chế tiêu cực để khai thác tốt ưu thế.
Nói về ý kiến nhận định thủy điện liên quan đến xâm phạm đất rừng tự nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, có những khâu rất quan trọng trong xây dựng dự án thủy điện. Trước hết, phải bổ sung quy hoạch với tiêu chí nếu vượt quá 10 ha rừng/MW thì dự án sẽ không được xem xét. Ngoài ra, khi bổ sung vào quy hoạch, Bộ Công Thương phải làm thủ tục xin ý kiến của tất cả bộ, ngành liên quan để bảo đảm phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cũng như mục tiêu ưu tiên trong quy hoạch.
|
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. |
“Đây là chốt chặn đầu tiên, trong đó quy trình đầu tư bao gồm cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư, sau đó quản lý dự án đầu tư”, - ông Trấn Tuấn Anh nói và cho biết các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương đều có trách nhiệm. Quy trình này nhằm kiểm tra việc thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo khả thi cũng như tác động đến môi trường của dự án.
Về vòng đời thủy điện nhỏ, ông Trần Tuấn Anh cho biết, các dự án này khi hết khấu hao, hết vòng đời sẽ căn cứ theo Luật Xây dựng, Luật Điện lực để báo cáo về chất lượng, từ đó xác định hướng sử dụng hoặc phải tháo dỡ.
Đại biểu Lê Thanh Vân cho biết, khi nói về thủy điện và sự tàn phá của nó trong đợt mưa lũ vừa rồi thì chúng ta cần xem xét ở khía cạnh lịch sử. Ông Vân nói rằng, khi xây dựng thủy điện Sông Đà thì mục tiêu ban đầu là trị thủy.
"Con sông Đà hung dữ, bao nhiêu đời cha ông ta hứng chịu. Nhiều chuyên gia Liên Xô sang xây dựng, lúc đầu là trị thuỷ, sau đó mục tiêu mới là phát điện. Chính vì việc điều tiết lũ cho nên Hà Nội tránh được những trận lụt lịch sử. Hãy nhớ năm 1971, trung ương phải phá đê ở Chương Mỹ (Hà Tây cũ) để cứu Hà Nội. Tuy nhiên từ ngày có Sông Đà thì việc điều tiết nước rất tốt, lũ lụt ở vùng đồng bằng Sông Hồng cơ bản được kiểm soát. Đấy là mặt tốt của thủy điện", ông Vân phát biểu.
|
Đại biểu Lê Thanh Vân. |
Tuy nhiên theo đại biểu Lê Thanh Vân, mặt trái của thủy điện chính là sự lạm dụng trong đặt vị trí xây dựng của các dự án. Một số chủ nhà máy thủy điện trục lợi thông qua phá rừng để lấy nguồn gỗ quý, đây là điều đáng lên án.
"Nếu còn nói đến vai trò của thủy điện chúng ta phải thấy được lợi ích của nó. Chúng ta cần nhìn khách quan và đa chiều. Con người chính là chủ thể vi phạm pháp luật. Không nên vì lũ lụt mà đổ hết cho thủy điện", đại biểu Vân nhấn mạnh.
Tại phiên họp ngày 4/11, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, hiện nay cả nước có 429 đập thủy điện và các công trình thủy điện ở các quy mô khác nhau. Với dung tích trữ nước khoảng 56 tỷ m3 và đóng một công suất là khoảng 20.000MW, chiếm 37% công suất nền, công suất phát của đất nước trong hiện nay và đây là một nguồn năng lượng rất quan trọng phục vụ cho nhu cầu về năng lượng của đất nước cho phát triển kinh tế - xã hội cũng như nhu cầu đời sống của nhân dân.
Không phủ nhận những tác động từ mặt tiêu cực do thủy điện, đặc biệt là tác động đến môi trường, cả đất, nước và khí hậu cũng như đời sống của dân sinh. Như chúng tôi đã báo cáo, ở đây là những vấn đề tổng thể và tùy thuộc vào cách thức của con người trong khai thác những nguồn lực của thiên nhiên và nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Vì vậy, những câu chuyện tác động đến dòng chảy, tác động đến cấu trúc địa chất đất ở khu vực cũng như các nguồn lợi thủy sản, đời sống của nhân dân cũng chưa thực tế. Trong bối cảnh các công cụ, các cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ, không tránh khỏi có những câu chuyện tại một số địa phương như việc thực thi không nghiêm.
>>> Mời độc giả xem thêm video Diễn biến vụ sạt lở đất tại thủy điện Rào Trăng 3
Hải Ninh