Tích nước trong lúc thi công thủy điện cực kỳ nguy hiểm

Google News

"Việc chủ đầu tư tích nước trong lúc thi công thủy điện là cực kỳ nguy hiểm, có thể dẫn đến nguy cơ vỡ đập vì độ ổn định của công trình chưa có", GS.TS Vũ Trọng Hồng nói.
 

Theo Sở Công Thương Đắk Nông, trong đợt mưa lũ vừa qua, địa phương này có 3 dự án thủy điện gặp sự cố, gồm: Thủy điện Đắk Kar, thủy điện Đắk Sin 1, và thủy điện Đắk Ru (ở huyện Đắk R'lấp).
Trong đó, công trình thủy điện Đắk Kar bị kẹt van xả, vỡ đường ống áp lực khiến nước dâng cao dẫn đến nguy cơ vỡ đập làm hơn 5.000 người dân ở vùng hạ lưu phải sơ tán.
Chủ đầu tư sai phạm nghiêm trọng
Trao đổi với phóng viên, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết việc thủy điện Đắk Kar gặp sự cố là do chủ đầu tư làm sai quy trình.
Theo ông Hồng, công trình mới thi công chưa được thử thách, độ ổn định chưa cao. Móng của công trình chưa đạt độ lún nhất định. Vì vậy, nếu chủ đầu tư cho tích nước sẽ làm cho thân đập chịu lực ngay nên nguy cơ vỡ đập rất lớn.
"Ngành thủy điện không cho phép tích nước trong quá trình thi công. Việc này cực kỳ nguy hiểm”, GS.TS Hồng nhấn mạnh. Theo quy định thân đập chỉ chịu được lực khi toàn bộ kết cấu công trình đã hoàn thành.
Tich nuoc trong luc thi cong thuy dien cuc ky nguy hiem
Chủ đầu thủy điện Đắk Kar tự ý tích nước khi chưa được cấp phép. Ảnh: Minh Lộc. 
"Trước đây, Tây Nguyên từng xảy ra nhiều trường hợp đập thủy điện bị vỡ khi thi công sai quy trình. Trước nguy cơ vỡ đập, cơ quan chức năng phải sơ tán dân. Chủ đầu tư làm sai thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”, ông Hồng thông tin thêm.
Chuyên gia cũng không đồng tình với lời giải thích về việc thủy điện kẹt van xả dẫn đến nguy cơ vỡ đập.
“Lũ thường kéo theo đất đá, cây, nên các thủy điện phải có biện pháp ngăn chúng đổ về gây áp lực cho thân đập. Do đó, van bị kẹt là lỗi của chủ đầu tư, không thể đổ lỗi cho thiên tai”, GS.TS Hồng nói.
Vị này giải thích theo quy định, trước mưa lũ, chủ đầu tư phải mở thử cửa van xem có vận hành được hay không. Ngoài ra, đơn vị này còn phải có máy phát điện dự phòng trong trường hợp xảy ra sự cố.
Liên quan đến việc thủy điện Đắk Ru và Đắk Sin 1 vỡ kênh dẫn cùng đường ống áp lực, GS.TS Hồng cho rằng đối với những công trình thủy điện nhỏ, khi trình phương án thi công, chủ đầu tư chỉ cố sao để được thông qua. Do hạng mục đường ống áp lực, đập dẫn không làm chi tiết nên hội đồng thẩm định rất khó đánh giá.
“Nền đất tại Tây Nguyên không ổn định, nếu chủ đầu tư không đầm, lát bê tông kỹ thì vỡ đường ống áp lực, kênh dẫn là điều có thể dự báo”, vị này nói thêm.
Rừng bị tàn phá, nguy cơ vỡ thủy điện càng cao
GS.TS Bảo Huy (Đại học Tây Nguyên) cho rằng khi xây dựng nhà máy thủy điện, chủ đầu tư đều đánh giá tác động môi trường nhưng việc này chỉ mang tính hình thức.
Cả chủ đầu tư và cơ quan quản lý không quan tâm việc bảo vệ rừng đầu nguồn và lưu vực của hồ chứa. “Rừng giữ 70% đến 80% lượng nước mưa. Không có rừng để giữ nước, mưa lớn vài ngày là nước ồ ạt đổ về hồ chứa thủy điện, đe dọa an toàn hồ đập”, GS.TS Huy nói.
Tich nuoc trong luc thi cong thuy dien cuc ky nguy hiem-Hinh-2
Đường ống áp lực của thủy điện Đắk Kar bị vỡ trôi xuống chân đập. Ảnh: Minh Lộc. 
Vị này cho biết thêm, khi phá rừng làm thủy điện, chủ đầu tư thường được giao trồng rừng thay thế, coi như trả lại rừng. Tuy nhiên, đây là quan điểm sai lầm bởi rừng trồng không thể thay thế rừng tự nhiên về mặt thủy văn, đa dạng sinh học. Rừng cũng thường được trồng ở nơi khác nên không có tác dụng bảo vệ lưu vực.
"Mưa vài ngày đã vậy, mưa một tuần thì thủy điện đua nhau tháo nước. Riêng dòng sông Sêrêpốk có rất nhiều thủy điện nhưng rừng đầu nguồn đã bị tàn phá gần hết. Nếu một thủy điện đầu nguồn gặp sự cố thì kéo theo các thủy điện bên dưới, vô cùng nguy hiểm", GS.TS Bảo Huy cảnh báo.
Trước đó, do ảnh hưởng của mưa lũ, thủy điện Đắk Kar xảy ra sự cố kẹt van xả tràn, nước liên tục về hồ nên gây nguy cơ vỡ đập.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Đắk Nông đã sơ tán 2 hộ vùng hạ du thuộc xã Hưng Bình (huyện Đắk R’lấp) và 400 người ở 200 nhà rẫy đến nơi an toàn. UBND tỉnh Bình Phước sơ tán 5.000 dân ở vùng hạ lưu đến nơi an toàn.
Theo Tây Nguyên/Zing