Hà Nội, nơi tập trung rất đông lao động từ các miền quê trên khắp cả nước đến đây để mưu sinh. Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, câu chuyện về quê ăn Tết lại trở thành đề tài nóng với những lao động xa quê.
Chia sẻ với PV Kiến Thức, anh Hợi (quê ở Gia Lai) làm nghề lái xe cho một công ty chuyển phát nhanh ở Hà Nội kể: “Em ra đây cũng được 5 – 7 năm rồi, thế nhưng cũng chỉ có được 1 lần về nhà ăn Tết với gia đình. Công việc cứ đi thường xuyên, nhưng vì mưu sinh nên đình để vợ và con ở nhà.
Mỗi lần chở hàng, chỉ mong có chuyến đường dài để tiện đường ghé qua thăm nhà, đưa chút tiền cho gia đình rồi lại nhanh chóng lên đường."
|
Anh Hợi đang kiểm tra lại xe của mình trước khi vận chuyển hàng vào Đà Nẵng. |
"Xa vợ con, gia đình như này khổ lắm. Nhất là phải xa những ngày Tết. Nhưng cuộc sống mà, được cái này phải mất cái kia" - anh Hợi ngậm ngùi.
Tâm sự về lý do chọn công việc xa gia đình như vậy, anh Hợi cho biết: "Được cái nghề này cũng hợp với em. Tính em lại thích lang thang rong ruổi. Thế này thì khác chi đi du lịch xuyên Việt miễn phí đâu".
Chia sẻ về thu nhập, anh cười: "Tiền thì cũng kiếm được, nhưng làm nghề này căng thẳng thần kinh lắm. Lúc nào cũng phải ăn hơn người bình thường, rồi lại phải giữ cho mình tỉnh táo".
Nói về những cái Tết xa gia đình, giọng anh Hợi trầm xuống. Anh tâm sự, sẽ làm nốt công việc hiện tại trong năm nay, cố gắng chăm chỉ để dành dụm thêm chút tiền rồi sang năm về quê làm rẫy.
Không ở xa xôi như anh Hợi, chị Vang chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 60km. Nhưng do không có công việc ổn định, chị Vang đành phải ra thành phố thuê nhà bán xe hàng ăn đêm mưu sinh.
|
Xe hàng của chị Vang hoạt động cho đến 4 giờ đêm |
Chị kể, đây là năm thứ 5 chị đẩy xe hàng, bán rong đêm ở Hà Nội. Chồng chị mất sớm, gia đình cũng khó khăn nên không còn cách nào khác ngoài ra thành phố mưu sinh để gửi tiền nuôi 2 con ăn học.
Mang tiếng là quê "Hà Nội", nhưng năm nào chị Vang cũng cố bán hàng đến 30 Tết mới về nhà. Chị tâm sự: “Bán xôi thế này cũng chả lãi được là bao. Trang trải đủ thứ nào là tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt, cả tiền học phí cho các cháu nữa là vừa hết. Nhiều khi con nó gọi ra bảo mẹ có về Tết không, tôi cũng không biết phải nói thế nào nữa. Cũng muốn mua thêm cái áo phao cho chúng nó, nhưng phải tiết kiệm đến cả tháng trời”.
Cũng giống như anh Hợi, anh Trương Toàn (quê Lý Nhân – Hà Nam) làm bảo vệ cho một chung cư tại Hà Nội đã rời quê mưu sinh ở Hà Nội nhiều năm.
Thậm chí, anh mang cả vợ con lên Hà Nội, cả nhà thuê một căn phòng nhỏ để ở. Năm nào cũng thế, cứ gần đến Tết anh lại cho vợ con về trước để đoàn tụ cùng gia đình và chuẩn bị Tết. Còn anh Toàn thì ở lại làm thêm Tết để hưởng thêm chế độ trực Tết, sau đó mùng 2 mới về quê.
Anh Toàn ngậm ngùi, ngày Tết là ngày đoàn viên, không được trọn vẹn bên gia đình là một thiệt thòi và buồn ghê gớm. "Thế nhưng, không phải ai cũng được hưởng niềm vui trọn vẹn. Mỗi người một hoàn cảnh, mình cũng chỉ biết cố gắng hơn nữa trong công việc để gia đình có một cái Tết trọn vẹn, ấm cúng nhất" - anh Toàn nói.
Quý An