Mới đây, ông Đường Hồng - Giám đốc Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông của Tổng thầu EPC Trung Quốc cho biết, dự kiến, trong tháng 7/2020, các hạng mục của dự án nghiệm thu xong và nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông sẽ đủ điều kiện đưa vào vận hành khai thác vào cuối năm 2020.
|
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ chạy thương mại vào cuối năm 2020. |
Theo ông Đường Hồng, trong thời gian qua họ đã bổ sung các hồ sơ hoàn công theo yêu cầu của Ban quản lý dự án đường sắt (thuộc Bộ GTVT). Hiện công tác phối hợp trong việc nghiệm thu các hạng mục công trình giữa Ban quản lý dự án đường sắt và Tổng thầu EPC đang diễn ra tốt. Nếu mọi việc tiếp tục diễn tiến thuận lợi thì công tác nghiệm thu sẽ hoàn thành ngay trong tháng 7/2020.
Xong giai đoạn trên, dự án sẽ tiến hành đưa vào vận hành thử liên tục trong 20 ngày. Những lần vận hành thử này sẽ có sự đánh giá của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước do chủ đầu tư là Bộ GTVT mời vào. Cuối cùng, đích thân Bộ GTVT sẽ nghiệm thu dự án và bàn giao cho TP Hà Nội.
Đại diện Tổng thầu EPC khẳng định: "Nếu các công việc diễn ra đúng kế hoạch, cuối năm 2020, dự án đủ điều kiện đưa vào vận hành khai thác".
|
Ông Đường Hồng, Giám đốc dự án Cát Linh - Hà Đông, của Tổng thầu EPC (Trung Quốc) |
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,05km gồm 12 ga và 1 khu Depot. Tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỷ đồng (gần 553 triệu USD), sau đó điều chỉnh lên 18.002 tỷ đồng (hơn 868 triệu USD). Trong số này, vốn vay ODA Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng, vốn đối ứng 4.134 tỷ. Dự án này khởi công tháng 10/2011, nhưng đến nay sau 12 năm tổng thầu EPC chưa xác định được mốc thời gian hoàn thành nên dự án không có cơ sở trình cấp thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện.
Tổng thầu EPC là Công ty trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc và Tư vấn giám sát thi công là Công ty trách nhiệm hữu hạn Giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017 nhưng phải lùi thời hạn vận hành sang năm 2018, tiếp đó lại xin gia hạn tới tháng 4/2019, nhưng do Tổng thầu không thực hiện đúng cam kết nên tới nay tuyến đường sắt này vẫn chưa thể đưa vào khai thác.
Theo đại diện Tổng thầu EPC, việc dự án chưa vào khai thác thương mại là rất lãng phí vì ngoài việc các thiết bị đã hoàn thiện bị bỏ không mỗi tháng mất hàng tỷ đồng để bảo dưỡng...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đưa vào khai thác Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) trong năm 2020, báo cáo Chính phủ đầy đủ những vướng mắc, trình Quốc hội để có hướng xử lý.
|
Thủ tướng yêu cầu đưa đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào khai thác trong năm 2020.
|
Sau nhiều lần thất hứa, nhiều người dân vẫn đang hoài nghi về việc Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ chạy thương mại vào cuối năm 2020. Liệu có tin được không? hay lại tiếp tục thất vọng?
Trước đó, ngày 8/6 vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cũng đã có những chia sẻ với báo chí về tiến độ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ông Huệ cho biết: “Hà Nội thì mong muốn càng sớm càng tốt, nếu được mốc trước tháng 10 thì càng tốt. Còn qua làm việc với Hà Nội, Thủ tướng có giao cho Bộ GTVT phối hợp với Hà Nội đưa dự án vào vận hành trong năm nay. Đó là văn bản chính thức của Thủ tướng”.
Trả lời câu hỏi “Bí thư có tự tin về mốc thời gian này không?”, ông Huệ cho biết vẫn phải “chờ vào báo cáo của tổ công tác, hiện chưa có báo cáo cuối cùng”.
Bí thư Hà Nội nói về những vướng mắc của dự án hiện nay: “Vấn đề là cơ chế tài chính cho dự án đó thế nào, thì sau đó kiểm toán họ sẽ có xử lý theo kết quả đó. Qua kiểm toán dự án, một số nội dung Kiểm toán Nhà nước cũng chưa kết luận dứt khoát cái này là giảm hay loại trừ, mà phải xem xét. Sau khi có cơ chế tài chính thống nhất giữa các bên, Chính phủ phê chuẩn, thì mới xử lý được”.
Trước đó, tại buổi thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, chiều 8/6, đại biểu Thuận Hữu (Hải Phòng) bày tỏ sự “nhức nhối” trước việc dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông mãi không thể chạy, như “nhát dao” chém vào lòng tin của dân.
Ông Thuận Hữu nói: “Người dân chua chát gọi là kỳ tích thế giới, đầu tư rất nhiều, mất nhiều thời gian, nhưng không biết bao giờ khai thác được. Gần xong rồi chỉ còn chạy thử nữa thôi mà giờ mắc mớ đủ thứ, họ đòi thanh toán 50 triệu USD. Nhát dao đó chém vào lòng tin của dân”, ông Thuận Hữu nói và nhấn mạnh, nếu không xử lý nhanh thì sẽ “biến thành bảo tàng đường sắt, kêu gọi khách đến tham quan, du lịch, rất đau khổ. Dân bức xúc ghê gớm lắm. Tiền nhiều như thế, mà cứ đội vốn liên tục”.
Từ đó, ông đề nghị Chính phủ, các bộ ngành, vào cuộc nhịp nhàng, đồng bộ, xử lý dứt điểm cái nào ra cái đấy, không nên để kéo dài, càng kéo dài càng thiệt hại.
>>> Xem thêm video: Tổng thầu Trung Quốc nói gì về việc đòi 50 triệu đô để vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Vi Di