TikToker đăng sai về di tích quốc gia đền Tranh: Đâu là nguồn cơn?

Google News

Tài khoản TikTok "Đức Hải Dương" đăng tải video có thông tin và hình ảnh không chính xác về Đền Tranh, di tích lịch sử văn hoá đã được xếp hạng quốc gia tại huyện Ninh Giang, Hải Dương.

Mới đây, UBND huyện Ninh Giang (tỉnh Hải Dương) có văn bản đề nghị Công an tỉnh Hải Dương, Sở Thông tin và Truyền thông Hải Dương xử lý nghiêm tài khoản TikTok có tên @Duc.Hai Duong do đăng tin không chính xác về Di tích quốc gia đền Tranh.
Nhiều lần bị nhầm lẫn, thông tin sai lệch
Theo đó, ngày 13/12/2024, tài khoản TikTok có tên @Duc.Hai Duong có đăng tải video với nội dung “ACE Ninh Giang ơi! Đức đến đây! con lạy con quan lớn đệ ngũ Tuần Tranh”.
TikToker dang sai ve di tich quoc gia den Tranh: Dau la nguon con?
UBND huyện Ninh Giang khẳng định, trên địa bàn huyện Ninh Giang chỉ duy nhất một di tích mang tên đền Tranh - thờ Quan lớn Tuần Tranh thuộc thôn Tranh Xuyên - xã Đồng Tâm (nay là khu dân cư Tranh Xuyên - thị trấn Ninh Giang).  
Đáng chú ý, hình ảnh trong clip này quay công trình do tư nhân xây dựng trái phép, vi phạm hành lang bảo vệ đê sông Luộc, không có giá trị về mặt di tích, không được UBND tỉnh Hải Dương đưa vào danh mục bảo vệ di tích trên địa bàn tỉnh, không được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Tuy nhiên, TikToker lại nói đây là "di tích văn hóa, lịch sử quốc gia".
UBND huyện Ninh Giang khẳng định, trên địa bàn huyện Ninh Giang chỉ duy nhất một di tích mang tên đền Tranh - thờ Quan lớn Tuần Tranh thuộc thôn Tranh Xuyên - xã Đồng Tâm (nay là khu dân cư Tranh Xuyên, thị trấn Ninh Giang).
Trước đó, năm 2022, thông tin trên Google maps cũng hiển thị chỉ đến 3 đền Quan lớn Tuần Tranh. Ngoài Di tích lịch sử cấp quốc gia đền Tranh tại thôn Tranh Xuyên, xã Đồng Tâm (nay là KDC Tranh Xuyên, thị trấn Ninh Giang), còn có đền Quan lớn Tuần Tranh (đền Đoan) và đền Quan lớn Tuần Tranh (ngã ba sông).
Phòng Văn hóa và thông tin UBND huyện Ninh Giang cho rằng, đó là thông tin không chính xác và đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng điều chỉnh thông tin thiếu chính xác trên bản đồ chỉ đường điện tử (Google Maps).
Đâu là nguồn cơn?
Theo tìm hiểu, Đền Tranh thờ Quan lớn Tuần Tranh ở thôn Tranh Xuyên, xã Đồng Tâm, nay là khu dân cư Tranh Xuyên (thị trấn Ninh Giang) là di tích được Bộ VHTTDL xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Đền Tranh (hay còn gọi là đền Quan lớn Tuần Tranh) là ngôi đền cổ nằm ở gần bến đò Tranh. Đền thờ thủy thần sông Tranh gọi là Quan lớn Tuần Tranh. Theo truyền thuyết, thời nhà Trần, tại vùng ngã ba sông Tranh giao với sông Luộc, người dân đã lập ra một ngôi đền thờ vị thủy thần cai quản khúc sông. Đền ban đầu là ngôi miếu nhỏ, còn gọi là Tranh Giang Đại Vương cổ miếu, nằm sát bến sông nên thường bị tác động của thủy triều và dòng nước xoáy. Do bờ sông thường bị xói lở nên đến năm 1935, người dân lập một đền thờ mới tại làng Tranh Xuyên.
Năm 1946, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, thực hiện tiêu thổ kháng chiến, đền bị phá chỉ còn 3 gian cung cấm. Năm 1954, đền Tranh được phục dựng để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của Nhân dân. Ngày 25/3/2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng đền Tranh là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Lễ hội truyền thống đền Tranh được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2022. Tháng 3/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã có quyết định công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đền Tranh là điểm du lịch. Hiện nay, thị trấn Ninh Giang và Ban Quản lý đền Tranh tiếp tục phối hợp thực hiện xúc tiến hồ sơ đề nghị công nhận đền Tranh là di tích quốc gia đặc biệt.
TikToker dang sai ve di tich quoc gia den Tranh: Dau la nguon con?-Hinh-2
Hình ảnh trong clip do TikToker đăng tải không phải là di tích đền Tranh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp Quốc gia. Ảnh cắt từ clip. 
Như UBND huyện Ninh Giang đã khẳng định, trên địa bàn huyện chỉ duy nhất một di tích mang tên đền Tranh - thờ Quan lớn Tuần Tranh thuộc thôn Tranh Xuyên, xã Đồng Tâm (nay là khu dân cư Tranh Xuyên, thị trấn Ninh Giang).
Tuy nhiên, tại thị trấn Ninh Giang, hiện đang tồn tại hai “đền” khác là đền Quan lớn Tuần Tranh (đền Đoan) và đền Quan lớn Tuần Tranh (ngã ba sông) đều nằm ở khu vực bờ sông Luộc. Hai công trình này đều không có tài liệu chứng minh là thờ Quan lớn Tuần Tranh và đều là những công trình vi phạm hành lang đê và xây dựng trái phép.
Theo tìm hiểu, từ tháng 8/2011, UBND huyện Ninh Giang đã có văn bản chấn chỉnh việc xây dựng trái phép cơ sở thờ tự và tổ chức hoạt động tín ngưỡng ở khu vực bờ sông Luộc, khu phố 2, thị trấn Ninh Giang và có thông báo đình chỉ việc xây dựng cơ sở thờ tự trái phép trên.
Khi đó, UBND huyện Ninh Giang nêu rõ, nơi thờ tự bên ngoài sát bờ sông do bà Hà Thị Thoa trông coi đã sửa chữa, nâng cấp nơi thờ tự trái quy định, chưa được phép của cấp có thẩm quyền, vi phạm nghiêm trọng vào hệ thống kè bảo vệ bờ sông Luộc. Dùng biển tên gọi nơi thờ tự “Quan đệ Ngũ Tuần Tranh” không đúng.
Tại nơi thờ tự phía bên trong do ông Nguyễn Quang Dư quản lý, toàn bộ nơi thờ tự xây dựng trái phép, vi phạm nghiêm trọng hành lang bảo vệ đê điều. Từ tháng 7/2010 đến tháng 1/2011, đã san lấp cát và xây dựng một số hạng mục công trình đền thờ, lầu cô, lầu cậu, nhà bảo vệ, bếp…Tháng 7/2011, tiếp tục xây dựng hậu cung dù UBND thị trấn Ninh Giang và hạt quản lý đê đã lập biên bản vi phạm hành chính nhiều lần, yêu cầu dừng các hành vi vi phạm, giải tỏa toàn bộ công trình nhưng ông Dư dù ký biên bản nhưng không thực hiện, tiếp tục xây dựng nơi thờ tự.
UBND huyện Ninh Giang khi đó yêu cầu gia đình ông Nguyễn Quang Dư và bà Hà Thị Thoa dừng ngay các hành vi xây dựng và hoạt động tín ngưỡng trái phép tại cơ sở thờ tự khu vực bờ sông Luộc thuộc khu phố 2, thị trấn Ninh Giang.
Năm 2011, Phòng Di sản Văn hóa thuộc Sở VHTTDL Hải Dương có báo cáo về kết quả khảo sát hai cơ sở thờ tự tại đường Thanh Niên, khu phố II, thị trấn Ninh Giang.
Báo cáo nêu rõ, cơ sở thờ tự do gia đình ông Nguyễn Quang Dư xây dựng năm 2011 ở phía trong đường Thanh Niên thời điểm đó có bản giới thiệu Di tích lịch sử đền cửa sông Tranh gồm các công trình lầu cô Bơ, lầu Cậu, cung Công đồng – gian thờ Quan lớn Tuần Tranh có tượng, các bức đại tự ghi Tranh giang Linh chính từ và một công trình hậu cung khi đó đang xây dựng.
Cơ sở thờ tự do của bà Hà Thị Thoa và một số gia đình khu phố II, thị trấn Ninh Giang dựng lên từ năm 1997. Báo cáo trích lời bà Thoa cho biết, ban đầu chỉ là một bát hương do người địa phương khác về đặt tại ven sông, sau quây lều bạt. Năm 2010, dựng công trình, trong đó có một gian thờ tượng Quan lớn Tuần Tranh và tam tòa thánh mẫu, đề biển Đền thờ Quan lớn Tuần Tranh.
Trong báo cáo, Phòng Di sản Văn hóa thuộc Sở VHTTDL Hải Dương khẳng định, hai cơ sở thờ tự do bà Hà Thị Thoa và ông Nguyễn Văn Dư xây dựng không được cấp có thẩm quyền cho phép, đều để biển gọi là “Đền thờ Quan lớn Tuần Tranh” hay “Tranh Giang chính từ” là không có cơ sở, không có giá trị di tích.
Phòng Di sản Văn hóa thuộc Sở VHTTDL Hải Dương cũng khẳng định, trước năm 1945, Đền Tranh đầu tiên là vị trí ngã ba sông Tranh là sở hữu chung của thôn Tranh Xuyên và thôn Tranh Chử, sau cách mạng thuộc xã Đồng Tâm (huyện Ninh Giang). Do quá trình di chuyển, đền Tranh tại thôn Tranh Xuyên, xã Đồng Tâm (nay là KDC Tranh Xuyên, thị trấn Ninh Giang) là nơi thờ chính.
Cũng trong năm 2011, Sở VHTTDL Hải Dương có văn bản gửi UBND huyện Ninh Giang yêu cầu chỉ đạo tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân địa phương, du khách thập phương hiểu rõ 2 cơ sở thờ tự xây dựng trên đường Thanh Niên, thị trấn Ninh Giang không phải đền thờ chính của Quan lớn Tuần Tranh. Đây là các cơ sở thờ tự không có giá trị về di tích lịch sử văn hóa. Đồng thời, căn cứ vào các quy định của pháp luật có biện pháp xử lý dứt điểm, không để diễn ra sự tranh chấp giữa hai cơ sở thờ tự của bà Hà Thị Thoa và ông Nguyễn Quang Dư tranh chấp với đền Tranh tại xã Đồng Tâm – Di tích đã được xếp hạng quốc gia.
Dù từ năm 2011, các cơ quan chức năng huyện Ninh Giang đã chỉ ra những sai phạm, đưa ra những biện pháp xử lý nhưng đến nay, hai cơ sở thờ tự khu vực bờ sông Luộc đã hoàn thiện, hoạt động tín ngưỡng gây ra nhiều nhầm lẫn với di tích Đền Tranh được Bộ VHTTDL xếp hạng cấp Quốc gia.
Hải Ninh