Công an tỉnh Thái Bình đang điều tra nhiều vụ án liên quan đến hoạt động vi phạm pháp luật gần 10 năm qua của băng nhóm Nguyễn Xuân Đường (Đường “nhuệ”). trong số đó có vụ Đường “nhuệ” và đàn em chiếm giữ, hủy hoại tài sản của Công ty Lâm Quyết ở xã Vũ Chính, TP Thái Bình nhưng không bị xử lý.
Đây là vụ có nhiều bất thường vì khi vợ chồng ông Nguyễn Văn Lẫm, chủ Công ty Lâm Quyết, đang tố cáo Đường “nhuệ” thì Công an TP Thái Bình khởi tố họ về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, có dấu hiệu hình sự hóa quan hệ dân sự.
Chiếm giữ, đập phá công ty nhưng không bị xử lý
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, ngày 3-10-2017, Đường “nhuệ” dẫn theo một nhóm đàn em đến phong tỏa, chiếm giữ Công ty Lâm Quyết vì trước đó vợ chồng ông Lẫm đã vay của Đường “nhuệ” 1,7 tỉ đồng nhưng xin trả dần.
Nhóm người này khóa cổng và các cửa phòng trong công ty, ăn ngủ ngay tại trụ sở doanh nghiệp này, chỉ cho hai người em của ông Lẫm ở lại tại khu nhà công nhân.
Bị chiếm giữ, doanh nghiệp phải dừng hoạt động và Đường “nhuệ” liên tục liên lạc qua điện thoại đe dọa, ép ông phải gán công ty để trừ nợ, nếu không sẽ chặt chân, cho một đàn em đi tù để “xử” ông Lẫm. Ông Lẫm không chấp thuận để Đường “nhuệ” xiết nợ doanh nghiệp.
Sau ba ngày chiếm giữ, vợ chồng Đường “nhuệ” đuổi luôn cả hai người em ông Lẫm ra khỏi doanh nghiệp. Tới hết ngày 19-10-2017, nhóm người của Đường “nhuệ” mới chịu rời đi sau khi đập phá tan hoang công ty và lấy đi toàn bộ hồ sơ, tài liệu.
Ông Lẫm đã tố giác tội phạm và Công an TP Thái Bình đã thụ lý giải quyết tin báo. Tuy nhiên, tới ngày 29-3-2018, ông Cao Giang Nam, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình, ký quyết định không khởi tố vụ án hình sự vì hành vi không cấu thành tội phạm.
Trong thông báo, Công an TP Thái Bình cho rằng không có việc Đường “nhuệ” đuổi công nhân, không có căn cứ xác định Đường “nhuệ” chiếm giữ tài sản Công ty Lâm Quyết. Việc Đường “nhuệ” tung hình ảnh gia đình ông Lẫm lên Facebook, gọi điện thoại dọa chặt chân, giết ông cũng được Công an TP Thái Bình kết luận là do Đường “nhuệ” bức xúc, làm vậy để đòi nợ “chứ không có mục đích nào khác”.
|
Người thân gia đình ông Lẫm cho rằng nhóm Đường “nhuệ” chiếm giữ, đập phá Công ty Lâm Quyết nhưng không bị xử lý. Ảnh: ĐỖ HOÀNG |
Bị bắt giam sau khi tố cáo Đường “nhuệ”
Không đồng tình với quyết định này, ông Lẫm tiếp tục khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm của Đường “nhuệ”. chưa đầy hai tuần sau thông báo không khởi tố, ngày 12-4-2018 Công an TP Thái Bình khởi tố, ra lệnh bắt tạm giam vợ chồng ông Lẫm về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt 900 triệu đồng của một người khác.
Đến ngày 12-6-2019, xử sơ thẩm, TAND tỉnh Thái Bình phạt ông Lẫm 14 năm tù, vợ ông 13 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Hiện vợ chồng ông Lẫm đang kháng cáo bản án sơ thẩm.
Theo luật sư bào chữa cho vợ chồng ông Lẫm, vụ án lạm dụng tín nhiệm là hình sự hóa quan hệ dân sự vì đây là hợp đồng vay mượn. Công an TP Thái Bình bỏ qua nhiều bước như không thông báo về hành vi bị tố giác, không cho đối chất, khiếu nại mà nhanh chóng xử lý một cách bất thường.
Việc bắt giam vợ chồng ông Lẫm xuất hiện sau khi ông tố cáo Đường nhuệ, khiếu nại hành vi chiếm giữ công ty của Đường “nhuệ”.
Cũng theo luật sư này, trong vụ ông Lẫm tố giác Công ty Lâm Quyết bị băng nhóm Đường “nhuệ” chiếm giữ 16 ngày, đập phá tài sản, hàng hóa..., lẽ ra công an phải khám nghiệm hiện trường, xác định việc chiếm giữ, đập phá, cưỡng đoạt tài sản nhưng công an không làm việc này.
Trong vụ ông Lẫm tố giác hành vi của Đường “nhuệ”, công an không khám nghiệm hiện trường nhưng sau khi khởi tố vợ chồng ông Lẫm thì đến công ty khám nghiệm hiện trường.
Vụ vợ chồng Đường “nhuệ” bị tố và vụ án lạm dụng tín nhiệm của vợ chồng ông Lẫm đều do ông Cao Giang Nam ký thông báo, quyết định.
Theo Đỗ Hoàng/ Pháp Luật