Ông Nguyễn Tuấn Việt, chuyên gia xuất khẩu, TGĐ Công ty Xúc tiến Xuất khẩu Vietgo nói như trên khi trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống về những lo ngại doanh nghiệp FDI rời bỏ Việt Nam khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đối ứng với Việt Nam.
Lo ngại về nguy cơ “làn sóng tháo chạy” của các doanh nghiệp FDI
Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/4 giảm thuế đối ứng về mức cơ sở 10% trong vòng 90 ngày cho tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ bị áp thuế này để tạo điều kiện cho đàm phán thương mại. Động thái này diễn ra sau chưa đầy một ngày các mức thuế “đối ứng” của Mỹ áp lên hàng chục quốc gia có hiệu lực, trước đó, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ bị áp thuế lên đến 46%.
 |
Ông Nguyễn Tuấn Việt, chuyên gia xuất khẩu, TGĐ Công ty Xúc tiến Xuất khẩu Vietgo. |
Theo ông Việt, sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế 46% với hàng xuất khẩu từ Việt Nam, nhiều người ngay lập tức lo ngại về nguy cơ “làn sóng tháo chạy” của các doanh nghiệp FDI. Nhưng từ góc nhìn thực tiễn của một người làm việc sát với các doanh nghiệp xuất khẩu trong suốt hơn 15 năm qua, chuyên gia này cho rằng, viễn cảnh đó nếu có sẽ không xảy ra trong ít nhất một năm tới.
Chuyên gia xuất khẩu này phân tích, trước tiên, việc một công ty FDI rời đi không đơn giản như việc… dọn nhà. Họ cần lên kế hoạch, chọn địa điểm thay thế, xin cấp phép đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, tìm kiếm chuỗi cung ứng thay thế, tuyển dụng lao động và rất nhiều bước trung gian khác. Tất cả những điều đó, dù nhanh đến mấy, cũng cần ít nhất 6 tháng đến 1 năm để hoàn tất.
Và trong thời gian đó, điều gì sẽ xảy ra? Có thể chính ông Trump lại đưa ra một chính sách khác, đảo ngược hoàn toàn tuyên bố trước đó. Sự thay đổi quá nhanh, quá mạnh và khó đoán từ phía Mỹ khiến các doanh nghiệp rơi vào thế “chờ xem tiếp theo sẽ là gì”. Không ai dám quyết định điều gì khi họ không chắc rằng quốc gia mà mình chuyển đến có phải là “nạn nhân tiếp theo” trong danh sách áp thuế hay không.
Việc Tổng thống Trump hoãn áp thuế trong 90 ngày không phải là một sự nhượng bộ, mà là một nước đi chiến lược. Đây là đòn tâm lý điển hình trong chiến tranh thương mại, gây sức ép để có lợi thế đàm phán, nhưng chưa đủ rõ ràng để buộc doanh nghiệp phải hành động.
Việt Nam đang trở thành trung tâm kết nối mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Lãnh đạo Công ty Xúc tiến Xuất khẩu Vietgo cho rằng, với Việt Nam, 90 ngày này cực kỳ quan trọng.
Bởi, theo ông Việt, thứ nhất chúng ta không bị ảnh hưởng về kim ngạch xuất khẩu trong quý II, một quý vốn rất nhạy cảm với thị trường. Thứ hai, nó khiến các công ty FDI tạm dừng kế hoạch rút lui, ít nhất là trong ngắn hạn.
“Tôi cho rằng các công ty sẽ không rời đi, vì bản thân họ cũng hiểu rõ: không có nơi nào “miễn nhiễm” hoàn toàn trước các chính sách bất ngờ từ Mỹ. Trong khi đó, Việt Nam vẫn giữ được vị trí thuận lợi về chi phí, nhân lực, logistics và đặc biệt là hệ thống hiệp định thương mại tự do (FTA) hàng đầu thế giới”, ông Việt nói.
Chuyên gia xuất khẩu nhấn mạnh, Việt Nam không chỉ là “bến đỗ an toàn” trước cơn bão chính sách từ Mỹ, mà còn đang trở thành trung tâm kết nối mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự hoang mang từ các thị trường truyền thống đang thúc đẩy các quốc gia, các doanh nghiệp chủ động tìm đến nhau và chúng tôi đã thấy điều đó rõ ràng tại Vietgo.
Chỉ trong vòng một tuần, Vietgo nhận được rất nhiều đơn hàng từ các thị trường mới như Nam Mỹ, châu Phi, Canada… những nơi mà trước đây gần như không có cơ hội để xuất khẩu hàng hóa Việt. Điều này cho thấy: các quốc gia đang xoay trục tìm đối tác và Việt Nam đang được lựa chọn.
Cùng với đó, lợi thế về chi phí vận chuyển của Việt Nam rất rõ ràng. Địa hình dài, hẹp giúp chi phí kéo container từ nhà máy ra cảng rẻ hơn nhiều nước khác. Điều này trở nên đặc biệt quan trọng trong bối cảnh giá vận tải toàn cầu có thể tăng bất thường vì xung đột địa chính trị.
Tóm lại, thay vì hoảng loạn trước thông tin áp thuế, doanh nghiệp Việt Nam cần bình tĩnh đánh giá tình hình. Sự chủ động, thích ứng và kết nối quốc tế sẽ là vũ khí tốt nhất giúp chúng ta không chỉ vượt qua cơn bão, mà còn tận dụng nó để vươn lên mạnh mẽ hơn.
Theo ông Nguyễn Tuấn Việt, chúng ta đang đứng trước hai cơn bão. Một là cơn bão do thuế và chính sách thất thường của các siêu cường, mà điển hình là nước Mỹ dưới thời ông Trump. Hai là cơn bão cơ hội từ sự tái cấu trúc thị trường toàn cầu.
“Cơn bão đầu tiên, chúng ta không thể tránh. Nhưng cơn bão thứ hai – nếu biết đón nhận, có thể là thời cơ để doanh nghiệp Việt bứt phá. Đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nếu biết cải thiện sản phẩm, kiểm soát chất lượng và chủ động hợp tác, thì đây chính là lúc mở rộng quy mô và thị trường”, ông Việt nói.
Ông Nguyễn Tuấn Việt – TGĐ công ty xúc tiến Xuất khẩu Vietgo là doanh nhân tiên phong trong lĩnh vực tư vấn xuất khẩu và xúc tiến thương mại tại Việt Nam. Bằng tầm nhìn chiến lược và sự nhạy bén trong kinh doanh, ông đã đưa VIETGO trở thành một trong những đơn vị tiên phong và hàng đầu trong lĩnh vực này tại Việt Nam.
Hải Ninh