Báo chí Việt Nam trong thời gian qua đã có những bước phát triển nhanh chóng cả về số lượng và loại hình. Hiện cả nước có 845 cơ quan báo chí, trong đó có 199 cơ quan báo chí in, 646 tạp chí, 01 hãng thông tấn quốc gia, 98 báo - tạp chí điện tử, 67 đài phát thanh truyền hình. Đến thời điểm này, cả nước có gần 18 nghìn nhà báo được cấp thẻ nhà báo, và khoảng 5 nghìn phóng viên hoạt động báo chí, nhưng chưa đủ điều kiện cấp thẻ.
Trong mối quan hệ giữa người dân với Nhà nước, báo chí đóng vai trò quan trọng như một cơ chế truyền dẫn và phản hồi thông tin. Phần lớn người dân nhận được thông tin về những gì đang diễn ra trong đời sống thông qua sự sàng lọc của thông tin đại chúng. Mặt khác, Nhà nước cũng dựa vào các phương tiện truyền thông đại chúng để tiếp nhận phản hồi ý kiến của người dân về các chính sách, chương trình của mình.
Ở nước ta vẫn chưa có một đạo luật riêng điều chỉnh về quyền tiếp cận thông tin (TCTT) của công dân nên chưa có cách hiểu đầy đủ về quyền này. Việc TCTT do các cơ quan nhà nước nắm giữ vẫn khó khăn, dẫn tới tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước chưa được thực hiện.
Theo nhà báo Đặng Tâm Chánh, nguyên Tổng Biên tập Báo Sài Gòn tiếp thị, gần đây nổi lên xu hướng đáng lo ngại trong việc cản trở quyền TCTT của báo chí. Xu hướng lạm dụng dấu mật trong các văn bản hành chính nhà nước là quá phổ biến, không chỉ lạm dụng mà thực tế pháp luật đã trao cho Nhà nước quá nhiều “thẩm quyền bưng bít” thông tin. Ngoài ra, nhiều cơ quan nhà nước còn đặt ra các quy định hạn chế quyền TCTT của báo chí bằng rất nhiều “rào cản kỹ thuật”.
Vậy thì, quyền tiếp cận thông tin là gì? Và Quyền tiếp cận thông tin có quan hệ như thế nào với tự do nguôn luận, tự do báo chí?
Quyền tiếp cận thông tin (right to access to information) thường được hiểu là quyền của cá nhân, công dân tiếp cận các thông tin do cơ quan nhà nước nắm giữ hoặc thông tin do cơ quan hành chính nắm giữ. Việc tiếp cận các thông tin của tư nhân, doanh nghiệp thì sẽ do luật dân sự điều chỉnh, vì đây là quan hệ dân sự giữa các chủ thể tư.
Tự do thông tin (freedom of information) bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận, tiếp cận, chia sẻ, trao đổi và phổ biến thông tin. Những nội dung của tự do thông tin cũng chính là những thành tố của tự do biểu đạt. Khoản 2 Điều 19 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR, 1966) xác định quyền tự do biểu đạt bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến, truyền đạt mọi thông tin và ý kiến (to seek, receive and impart information and ideas of all kinds). Như vậy có thể thấy (quyền) tự do thông tin rộng hơn quyền tiếp cận thông tin. Quyền tiếp cận thông tin đôi khi còn được giải thích với nghĩa hẹp hơn là quyền được biết về tổ chức, hoạt động của một chủ thể nào đó, đặc biệt là của các cơ quan nhà nước (gồm cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, ở trung ương và địa phương).
Tự do ngôn luận, tự do báo chí là những hình thức cụ thể của tự do biểu đạt, đồng thời cũng là hình thức truyền tải, phổ biến thông tin đến nhiều người. Nếu không có tự do báo chí, tự do xuất bản thì thông tin sẽ khó được truyền tải một cách trung thực, nhanh chóng, thường xuyên, hệ thống và đầy đủ. Trong bối cảnh đó, sẽ không thể xây dựng và vận hành một bộ máy nhà nước theo các nguyên tắc về công khai, minh bạch và bảo đảm trách nhiệm giải trình. Ngược lại, quyền tiếp cận thông tin giúp hình thành nên các quan điểm, ngôn luận khách quan, giảm thiểu sự thiên vị, sai lệch. “Tính mới” - giá trị quan trọng hàng đầu của báo chí - chính là những thông tin mới hoặc góc tiếp cận mới về một vấn đề hoặc sự kiện diễn ra trong xã hội.
Trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, báo chí Việt Nam nói chung và báo chí thuộc Liên hiệp hội nói riêng vừa chịu sự tác động từ các thiết chế xã hội mà nó làm công cụ, vừa chịu sự tác động của công chúng báo chí. Với thông tin nhanh chóng, chính xác, trung thực, khách quan và đa chiều, báo chí thuộc Liên hiệp hội đã trở thành diễn đàn của đông đảo trí thức khoa học công nghệ, là nơi trao đổi ý kiến, luận bàn các vấn đề quan trọng của cuộc sống, để vừa giám sát, vừa phản biện hoạt động của các cơ quan công quyền nói riêng và của toàn xã hội nói chung.
Tiếp cận và xử lý thông tin trong hệ thống báo chí là những nội dung có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển đất nước. Nước ta đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ KT-XH, trong đó phát triển KH&CN là một nhiệm vụ quan trọng nhằm giảm bớt thời gian phát triển, tạo đà cho các mục tiêu tiếp theo. Nhằm nâng cao tiềm năng trí tuệ, tiềm lực KH&CN thì phải đáp ứng nhu cầu phổ biến kiến thức KH&CN, phổ cập thông tin KH&CN sâu và rộng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đó là con đường đúng đắn nhất để đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020 theo chiến lược phát triển Kinh tế xã hội giai đoạn 2011 – 2020 theo đường lối chỉ đạo của Đảng và Chính phủ đã đề ra.
Trong quá trình phát triển của mình, việc nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ trong việc tiếp cận và xử lý thông tin trong hệ thống báo chí thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam hiện nay luôn được đề cao và quán triệt xây dựng, hoàn thiện. Đây vừa là mục tiêu nhưng đồng thời cũng là động lực thúc đẩy sự phát triển của hệ thống báo chí thuộc Liên hiệp hội Việt Nam.
Để thực hiện được mục tiêu này, các cơ quan báo chí trực thuộc hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam trước hết cần định hướng hoạt động và quản lý báo chí là vấn đề lớn, phức tạp nhưng rất cần thiết hiện nay. Đổi mới tổ chức quản lý, có cơ chế thích hợp để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý hoạt động báo chí, phát triển tổ chức báo chí phù hợp.
Cải tiến phương thức, lề lối làm việc, cơ chế phối hợp thống nhất giữa các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí là một việc làm cần thiết. Xác định rõ nguyên tắc làm việc và quy chế phối hợp trong sự vận hành của bộ máy quản lý nhà nước về báo chí, định rõ thẩm quyền và trách nhiệm giữa cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chỉ đạo, cơ quan chủ quản, người đứng đầu cơ quan báo chí về cơ chế làm việc rõ ràng. Cơ chế này sẽ đảm bảo sự điều hành thống nhất, có khả năng giải quyết nhanh và dứt điểm các vụ việc, đồng thời kiểm soát được liên tục hoạt động báo chí, tránh hiện tượng đánh trống bỏ dùi, dễ làm khó bảo, đùn đẩy công việc cho nhau, trách nhiệm không rõ ràng.
Xã hội luôn phát triển, dân trí ngày càng cao, nhu cầu thông tin, giao tiếp cũng tăng lên. Chính thực tiễn xã hội đòi hỏi, mở rộng quy mô thông tin của từng cơ quan báo chí cũng như sự ra đời của những tờ báo, bản tin, tạp chí. Tuy nhiên, việc mở rộng và tăng về số lượng cơ quan báo chí như vậy phải phù hợp với quy hoạch, chiến lược quản lý của cơ quan chủ quản. Ngoài những công việc nội bộ cơ quan báo chí có thể đảm nhiệm như trên, những công việc ở cấp độ cao hơn mang tính điều hành, giám sát thì thực tế cơ quan chủ quản lãnh đạo sẽ giúp các cơ quan báo chí kiên quyết chống xu hướng xa rời tôn chỉ, né tránh chính trị, “trung lập hóa” báo chí. Công tác quản lý, kiểm tra, theo dõi, giám sát này thể hiện trách nhiệm của cơ quan chủ quản với cơ quan báo chí. Điều đó thể hiện sự quan tâm, tạo điều kiện, kiểm tra, phát hiện những sai lầm, nhược điểm để khắc phục. Công tác phối hợp này sẽ giúp cho các cơ quan báo chí vận hành tốt và đúng định hướng.
Trong công cuộc đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước những năm vừa qua, báo chí đã tác động từng ngày từng giờ đến đời sống xã hội. Mục tiêu cao nhất của báo chí là phục vụ cho sự phát triển của đất nước và lợi ích của nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận, nền báo chí của chúng ta hiện nay cũng đang thể hiện nhiều hạn chế, nhược điểm, thiếu sót...Điều đó cho thấy sự cần thiết của việc hoạch định về quản lý, hoạch định những chiến lược, chính sách để phát triển hệ thống và cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan chủ quản.
Bên cạnh đó, nhu cầu giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, câu lạc bộ báo chí của Liên hiệp hội cũng được quan tâm. Thực chất, mô hình câu lạc bộ của Liên hiệp Hội Việt Nam là một mô hình hay và mang nhiều ý nghĩa. Câu lạc bộ ra đời sẽ hoạt động theo nguyên tắc tự quản với tôn chỉ, mục đích là nơi tập hợp các báo, tạp chí trong hệ thống báo chí Liên hiệp hội Việt Nam nhằm chia sẻ kinh nghiệm về chuyên môn, mục đích, tôn chỉ để có cơ hội trau dồi, trao đổi, nâng cao nghiệp vụ tác nghiệp với các đồng nghiệp trong nước và quốc tế, tạo tiếng nói đồng thuận trong hệ thống báo chí thuộc LHH Việt Nam, là kênh thông tin, cầu nối có uy tín nhằm thúc đẩy sự phát triển của Liên hiệp hội báo chí Việt Nam. Đây là một phương châm cần thiết thúc đẩy sự phát triển của cơ quan báo chí.
Liên hiệp Hội Việt Nam có một hệ thống thông tin, báo chí tương đối đồ sộ, có lịch sử lâu đời với 101 cơ quan báo chí với rất nhiều ấn phẩm báo, tạp chí, bản tin, đặc san, trang tin, báo điện tử. Để hệ thống báo chí Liên hiệp Hội Việt Nam phát triển về quy mô, nâng cao chất lượng các ấn phẩm, hoàn thành nhiệm vụ phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ, tư vấn phản biện và giám định xã hội, Liên hiệp Hội Việt Nam cần xây dựng quy chế quản lý báo chí thống nhất dựa trên nền tảng của việc bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước trong phát triển kinh tế, xã hội, phát triển thông tin, báo chí, xác định rõ các quan điểm hệ thống, quan điểm toàn diện, quan điểm phát triển trong quy chế, mạnh dạn đổi mới cơ chế, chính sách để kịp thời nắm bắt và hội nhập với xu thế của báo chí hiện đại./.
PV