Thủy điện Thượng Nhật tích nước trái phép: Xem xét thu hồi giấy phép

Google News

(Kiến Thức) - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp khẳng định, đoàn công tác sẽ lập biên bản xử lý hành chính trong lĩnh vực an toàn thủy điện đối với sai phạm của Thủy điện Thượng Nhật và sẽ kiến nghị xem xét thu hồi giấy phép hoạt động điện lực đối với Thủy điện này.

Liên quan thủy điện Thượng Nhật tích nước trái phép, sáng 18/11, đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương tiếp tục có buổi làm việc với thủy điện Thượng Nhật và đại diện Sở Công thương tỉnh, UBND huyện Nam Đông.
Cụ thể, đoàn công tác của Bộ Công thương tiếp tục làm rõ một số vấn đề liên quan đến việc dọn dẹp lòng hồ, nguy cơ sạt lở, quy trình vận hành hồ đập, vấn đề bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng…
Tại buổi làm việc ông Tô Xuân Bảo, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, quá trình kiểm tra giám sát, Thủy điện Thượng Nhật chưa lắp đặt hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn trên lưu vực hồ chứa và cũng không thực hiện quan trắc, xử lý số liệu quan trắc. Điều này vi phạm khoản C, điều 16, Nghị định 134 của Chính phủ về về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Thuy dien Thuong Nhat tich nuoc trai phep: Xem xet thu hoi giay phep
Đoàn công tác của Bộ Công Thương kiểm tra công tác quản lý an toàn, vận hành, phòng chống thiên tai tại thuỷ điện Thượng Nhật.
Đồng thời, trong những đợt mưa lũ vừa qua, Thủy điện Thượng Nhật không tuân thủ lệnh vận hành của Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế về mở tất cả cửa van để đảm bảo quy trình vận hành hồ đập.
"Trong cơn bão 13 vừa rồi, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có chỉ thị yêu cầu công ty mở 5 cửa van. Tuy nhiên, Thủy điện Thượng Nhật đã có 2 lần mở cửa van không hoàn toàn và trong tháng 11 vừa qua vẫn tiếp tục tích nước mà không được sự cho phép của UBND tỉnh. Vấn đề này đã vi phạm khoản a, điều 16 của Nghị định 134 Chính phủ với nội dung: vận hành không đúng quy trình vận hành hồ chứa thủy điện được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt " - ông Tô Xuân Bảo nói.
Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp Tô Xuân Bảo cho biết, đoàn công tác sẽ lập biên bản xử lý hành chính trong lĩnh vực an toàn thủy điện đối với sai phạm trên và sẽ kiến nghị, báo cáo với các cấp thẩm quyền để xem xét thu hồi giấy phép hoạt động điện lực đối với Thủy điện Thượng Nhật.
Tại cuộc họp, ông Lê Thanh Hồ, phó chủ tịch UBND huyện Nam Đông, đề nghị đoàn công tác ghi thêm một số nội dung liên quan đến trách nhiệm, nghĩa vụ của của thủy điện Thượng Nhật trong việc phối hợp với địa phương quản lý quá trình vận hành nhà máy.
Ông Lê Văn Khoa, Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam cho biết, đơn vị sẽ nghiêm túc thực hiện triệt để các yêu cầu của đoàn kiểm tra.
“Với vấn đề thực hiện chỉ đạo của tỉnh về vận hành đảm bảo an toàn hồ đập, công ty thừa nhận trong một số thời điểm còn chậm trễ và sẽ khắc phục trong thời gian tới. Sau này, nếu trong quá trình tích nước có phát sinh những thiệt hại cho người dân, chúng tôi cam kết sẽ thực hiện đền bù nghiêm túc”, ông Khoa cho hay.
Trước đó, chiều 17/11, đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương do ông Tô Xuân Bảo - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - làm trưởng đoàn, cùng đại diện Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đến kiểm tra công tác quản lý an toàn, vận hành, phòng chống thiên tai tại công trình thủy điện Thượng Nhật, xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông.
Báo cáo tại buổi làm việc và lý giải về việc tích nước, ông Lê Văn Khoa – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Thủy điện miền Trung (chủ đầu tư thuỷ điện Thượng Nhật) cho biết: Công ty đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho phép tích nước giai đoạn I tại công văn 96 để nghiệm thu chạy thử thiết bị và hoàn thiện các thủ tục còn lại trước khi tích nước và vận hành chính thức. Công ty cũng đã thực hiện và hoàn thiện việc xử lý các tồn tại theo chỉ đạo của các cấp, ngành; đồng thời làm văn bản gửi UBND tỉnh xin phép cho phép tích nước chính thức tuy nhiên thì xảy ra mưa bão nên chưa được gia hạn.
Thuy dien Thuong Nhat tich nuoc trai phep: Xem xet thu hoi giay phep-Hinh-2
 Đoàn công tác của Bộ Công thương làm việc với các đơn vị liên quan. Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế.
Ông Khoa cũng thừa nhận, văn bản cho phép tích nước trong 90 ngày nhưng công ty đã thực hiện tích nước quá thời hạn nêu trên, đặc biệt trong thời gian mưa bão vừa qua. Quá trình tích nước của công ty không phải để vận hành mà thực hiện quy trình vận hành hồ và tìm phương án xử lý, chạy thử thiết bị.
"Chúng tôi cũng có nhận được chỉ thị của chính quyền và cơ quan các cấp nhưng chưa tuân thủ kịp thời nên công ty nhận khuyết điểm. Chúng tôi nghiêm túc rút kinh nghiệm và sẽ tuân thủ tất cả các quy định để làm sao đảm bảo công trình an toàn nhất, an toàn tối đa" – ông Khoa nói và mong muốn nhận được chia sẻ, cảm thông cho những việc làm chưa phù hợp gây bức xúc dư luận.
Tuy nhiên, ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông đề nghị chủ đầu tư phải báo cáo trung thực, khách quan, không quanh co. "Các anh báo cáo không đúng sự việc, làm sai bản chất. Vì sao các anh lại tích nước phát điện khi chưa được phép?".
Ông Trần Hoài Trang, Trưởng Phòng Thủy điện - Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) nói thẳng rằng: "Chủ đầu tư báo cáo chưa đầy đủ, chi tiết thực hiện các chỉ đạo của UBND tỉnh. Lý do đưa ra không thuyết phục. Khi có hiện tượng thời tiết cực đoan, người có quyền cao nhất là trưởng Ban Phòng chống thiên tai tỉnh yêu cầu mở tất cả cửa van nhưng các anh chưa báo cáo, xin ý kiến hay không mà các anh đã đóng lại?".
Kết luận tại buổi làm việc ngày 17/11, ông Tô Xuân Bảo - Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương) khẳng định, chủ đầu tư đã không tuân thủ bảo đảm an toàn hồ đập, công trình, đồng thời không tuân thủ quy trình vận hành theo chỉ đạo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế trong các đợt mưa lũ, mưa bão, gây bức xúc cho người dân, đặc biệt là có khả năng gây ảnh hưởng đến công trình cũng như an toàn cho hạ du.
"Công trình đã được chỉ đạo quyết liệt mà còn để xảy ra tình trạng như thế. Trong khi toàn bộ hệ thống chính trị đang gồng mình lên để phòng chống khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra, thì chủ đầu tư lại không tuân thủ các chỉ đạo của các cơ quan ban ngành của tỉnh, của Bộ Công Thương. Việc tích nước có thể gây mất an toàn không chỉ cho công trình, tài sản của công ty mà còn gây thiệt hại lớn đến hạ du. Điều này không chấp nhận được!”– ông Bảo nhấn mạnh.
Trước đó, thời gian qua thủy điện Thượng Nhật liên tục tích nước trái phép và không tuân thủ chỉ đạo mở 5 cửa van xả lũ của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Gần đây nhất là bão số 13, thủy điện này tiếp tục tái diễn tình trạng trên gây mất an toàn cho công trình và vùng hạ du, gây bức xúc cho người dân.
>>> Mời độc giả xem thêm video Xử lý nghiêm thủy điện Thượng Nhật tích nước trái phép

Nguồn: VTV TSTC


Tâm Đức