Thời gian qua, miền Trung đã trải qua nhiều thiệt hại, mất mát về người và tài sản do thiên tai khi bão chồng bão, lũ chồng lũ. Giảm tải nguy cơ, thiệt hại do thiên tai không chỉ là trách nhiệm của chính quyền, của các cơ quan chức năng mà còn là trách nhiệm của toàn dân và chủ đầu tư các công trình thủy điện.
Thế nhưng, thủy điện Thượng Nhật lại liên tiếp có hành vi tích nước trái phép, không chấp hành công điện khẩn chống bão số 13 của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng như các công điện, văn bản chỉ đạo sau đó của các cơ quan chức năng cũng như chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế. Hành vi tích nước trái phép của doanh nghiệp này không chỉ là hành vi vi phạm hành chính mà còn là hành vi có thể gây nguy hiểm cho vùng hạ du. Đó là an toàn tài sản tính mạng của hàng nghìn người dân, là sự yên ổn đời sống xã hội.
Thậm chí khi UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế có công điện với nhiều biện pháp mạnh, chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam mới vận hành mở 5 cửa van của nhà máy thủy điện này về trạng thái mở hoàn toàn. Tuy nhiên, ngay sau đó, khi lực lượng công an giám sát rút đi tránh bão, lập tức thủy điện Thượng Nhật là tích nước trái phép.
Điều đó cho thấy, việc Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị không mua điện đối với Nhà máy Thủy điện Thượng Nhật cho thấy không hiệu quả. Ngay việc cử lực lượng công an lên khu vực thủy điện Thượng Nhật để giám sát việc xả toàn bộ nước trong hồ chứa về hạ du, không cho tích nước trái phép cũng chưa đủ sức nặng răn đe.
Các chỉ đạo của chính quyền còn bị phớt lờ, tính mạng, tài sản của người dân bị xem nhẹ không chỉ là hành vi trái pháp luật của chủ đầu tư mà còn thể hiện đạo đức kinh doanh cũng như cách ứng xử là vô cùng thấp kém. Bởi động cơ tích nước cho thấy ẩn đằng sau có động cơ lợi nhuận. Tuy nhiên kinh doanh mà đặt lợi nhuận lên trên tính mạng của người dân là không thể chấp nhận được.
Với tinh thần không có ngoại lệ, sáng 16/11, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo lập biên bản xử phạt chủ đầu tư nhà máy Thủy điện Thượng Nhật về lĩnh vực sử dụng tài nguyên nước. Đồng thời giao Sở Công Thương tỉnh rà soát lại các thủ tục cấp phép xây dựng thủy điện này.
Dư luận đặt câu hỏi: Với hành vi tích nước trái phép, bất tuân chỉ đạo của chủ đầu tư Thủy điện Thượng Nhật, xử lý thế nào để đủ sức răn đe và cảnh tỉnh chủ đầu tư các dự án thủy điện khác?
Luật sư Hoàng Tùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa khi nêu ý kiến về hành vi trên đã nói rằng, thủy điện Thượng Nhật nhiều lần không chấp hành lệnh điều tiết lũ của tỉnh Thừa Thiên Huế, tiếp tục tích nước trái phép, không tuân thủ các quy định về vận hành hồ chứa và quản lý, sử dụng tài nguyên nước là hành vi vi phạm pháp luật, hành vi này có thể bị xử phạt theo các quy định tại Nghị định số 36/2020/NĐ-CP.
Cụ thể, phạt tiền “từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: e) Không đảm bảo duy trì mực nước theo quy định trong mùa lũ của quy trình vận hành hồ chứa được cấp có thẩm quyền phê duyệt;…
Phạt tiền từ 220.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: a) Không tuân thủ theo lệnh điều hành vận hành hồ chứa, đập dâng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp lũ, lụt, hạn hán, thiếu nước và các trường hợp khẩn cấp khác; b) Không tuân thủ trình tự, phương thức đóng, mở cửa van các công trình xả nước theo quy định đối với hồ chứa, đập dâng”
Kèm theo hình thức xử phạt nêu trên còn có thể áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như: Tước giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước từ 1 tháng đến 3 tháng đối với hành vi vi phạm các quy định tại điểm a, g khoản 7; điểm c khoản 8; điểm a khoản 9 Điều này mà gây lũ nhân tạo đột ngột, bất thường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của nhân dân ở hạ du hồ chứa. Đình chỉ hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước từ 3 đến 6 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 9 Điều này.
Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, thời gian qua, miền Trung hứng chịu hàng loạt các cơn bão từ biển Đông đổ bộ vào với cường độ liên tục và gây ra nhiều mất mát, hậu quả hết sức nặng nề. Bão, thiên tai dẫn đến nhiều hậu quả vô cùng khôn lường và điển hình nhất chính là lũ quét và sạt lở đất. Để giảm thiểu tối đa lũ và đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân, các biện pháp phòng tránh trước lũ và sau lũ đều được chính quyền địa phương quan tâm sát sao, chặt chẽ. Một trong những điều đáng lưu ý chính là công tác quản lý, giám sát và thực hiện tích nước tại các hồ thủy điện.
Trong điều kiện bình thường, các chủ đầu tư của công trình thủy điện luôn phải đảm bảo vận hành hồ thủy điện theo đúng quy định của hồ chứa và quy định của pháp luật. Đối với trường hợp có thiên tai và cụ thể trong trường hợp là bão, lũ, chủ đầu tư phải tuân thủ các quy định cụ thể và theo lệnh của các cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế lũ lụt xảy ra, đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân. Hành vi tích nước trái phép, nhất là trong thời điểm bão lũ của Thủy điện Thượng Nhật là không thể chấp nhận được, cần phải xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật.
Trao đổi với báo chí, GS.TS. Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp khẳng định, các hồ chứa thủy điện phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành liên hồ hứa đã được Chính phủ và các bộ ngành ban hành. Thủy điện nào làm sai, tích trữ nước trái phép đều phải xử lý thật nghiêm, không nương nhẹ, xuê xoa.
"Trong trường hợp xác định rõ thủy điện tích nước là trái quy định pháp luật, không tuân thủ các biện pháp phòng chống bão lũ cũng như đi ngược với quy trình vận hành liên hồ chứa thì phải xử lý thật nghiêm. Thậm chí phải tính đến cả phải xử lý điểm, xử lý hình sự để làm gương, không có gì khó khăn", - GS.TS Đào Xuân Học đề nghị.
Ông Thái Phụng Nê, Nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng (cũ) nói thẳng, thủy điện tích nước bất chấp các chỉ đạo của các cấp, ngành từ trung ương tới địa phương là sai và phải xử lý.
"Việc này nằm trong tầm tay của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh có đủ thẩm quyền để xử lý với các hành vi sai phạm của thủy điện này. Việc xử lý hành vi vi phạm của thủy điện này nếu có gặp khó khăn thì cần phải làm rõ có hay không sự bắt tay, bao che cho các nhà đầu tư, để khi làm sai không xử lý được" - ông Nê đặt vấn đề.
>>> Mời độc giả xem thêm video Xử lý nghiêm thủy điện Thượng Nhật tích nước trái phép
Tâm Đức