Chiều 27/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo chủ chốt TPHCM về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai các công trình trọng điểm.
TPHCM tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế cả nước
Phát biểu định hướng nội dung tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ tự hào trước những kết quả kinh tế - xã hội “đáng kinh ngạc” của TPHCM sau đại dịch.
Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 ước tăng hơn 9% (năm 2021 giảm 6,78%) và vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2022 là 6 - 6,5%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của thành phố ước tăng 17,3% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 49,5 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp TPHCM ước đạt 66,2 tỷ USD, tăng 10%.
Bên cạnh đó, công tác thu ngân sách Nhà nước của TPHCM cũng đạt kết quả khả quan, ước đạt 457,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 1/3 tổng thu ngân sách cả nước), vượt 18,4% dự toán được giao và tăng hơn 17% so với cùng kỳ. An sinh xã hội được quan tâm, hoạt động đối ngoại tiếp tục đẩy mạnh, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
|
Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP |
Trong 11 tháng đầu năm, TPHCM đã đóng góp thành quả quan trọng vào thành quả chung cả nước, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Thủ tướng nhấn mạnh, TPHCM tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế cả nước, là động lực phát triển của đất nước, truyền cảm hứng cho sự phát triển chung.
Đã nói là làm, đã cam kết đã hứa là phải thực hiện
Dù vậy, Thủ tướng cũng nêu ra một số khó khăn liên quan đến thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán đang có tác động và có thể gây ra rủi ro cho nền kinh tế.
"Những vấn đề này đã tích lũy nhiều năm, không thể giải quyết ngày một ngày hai. Như khi chống dịch, chúng ta mới thấy bình thường hệ thống y tế có thể đảm bảo được, nhưng khi không bình thường thì y tế không trụ nổi.
Tương tự như kinh tế bây giờ. Chúng ta cần theo đúng quy luật thị trường là cung cầu, là cạnh tranh, ai sai xử lý, ai làm tốt phải bảo vệ, ủng hộ họ nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân", Thủ tướng nói.
"Trong thành tích chung của cả nước, có đóng góp quan trọng của TPHCM, một đầu tàu kinh tế, động lực phát triển của đất nước. Qua đó truyền cảm hứng cho sự phát triển chung", Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của TPHCM.
Theo Thủ tướng, có rất nhiều việc để làm, nhưng đoàn công tác chọn một vài việc làm trước, cụ thể là giải ngân đầu tư công. Đây là một trong những điểm yếu trong nhiều năm. Tổng số vốn đầu tư công chiếm tỷ lệ rất lớn của cả nước, thì việc tháo gỡ, giải quyết cho TPHCM sẽ có tác động tích cực đến kinh tế xã hội của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.
Thủ tướng lưu ý, trong cách làm việc cần chọn một vài việc để thực hiện, tạo động lực, cảm hứng để tiếp tục giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc khác.
“Đã bàn, đã nói là làm, đã cam kết đã hứa là phải thực hiện, đã thực hiện phải có hiệu quả, mang lại thu nhập cho người dân, thuận lợi cho doanh nghiệp”, Thủ tướng yêu cầu.
Tình hình tài chính, chứng khoán, bất động sản gặp nhiều khó khăn
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng và đoàn công tác Chính phủ nghe Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trình bày tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội, kết quả giải ngân đầu tư công, tiến độ triển khai các công trình trọng điểm.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM, dù tình hình phát triển kinh tế - xã hội TPHCM đạt được những kết quả tích cực, nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Trong đó, tình hình tài chính, tiền tệ, chứng khoán, bất động sản gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tâm lý chung thị trường, của doanh nghiệp, nhân dân, dự báo có thể kéo dài. Tình trạng khan hiếm xăng, dầu cục bộ trên địa bàn thành phố còn diễn biến phức tạp.
Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong việc giải quyết khó khăn, vướng mắc mặc dù được cải thiện nhưng còn chậm, nhất là trong việc trao đổi, xin ý kiến chuyên môn, hướng dẫn về lĩnh vực quản lý chuyên ngành. Việc triển khai lập quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM còn chậm, chưa đạt tiến độ theo yêu cầu.
|
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi |
Ngoài ra, trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, sản xuất cầm chừng hoặc giảm việc dẫn đến nhiều công nhân mất việc, giảm thu nhập. Tình hình cung ứng xăng dầu không ổn định làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của người dân, ảnh hưởng lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Về kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, đến hết ngày 25/11, TPHCM đã giải ngân tổng số vốn hơn 12.600 tỷ đồng, đạt 34%. Dự kiến cả năm, thành phố giải ngân được 86% tổng số vốn giao. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm, thành phố đã triển khai các giải pháp cụ thể như tập trung chỉ đạo sâu sát công tác giải ngân kế hoạch vốn, bằng nhiều giải pháp thông qua việc ban hành chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022; thành lập 3 tổ công tác để tăng cường các giải pháp hỗ trợ cho các nhóm dự án có số vốn được giao lớn trong năm 2022.
TPHCM đưa ra 9 kiến nghị lớn
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nêu kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng khẩn trương đánh giá và có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nhập khẩu xăng dầu, bất động sản.
Thứ nhất, TPHCM kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất và bất động sản. Trong đó,xem xét nới room tín dụng thêm 2%; cho phép sử dụng nguồn tiền gửi tại 4 ngân hàng quốc doanh giải ngân cho các doanh nghiệp phát hành trái phiểu để thanh toán kỳ hạn ngắn. Bên cạnh đó là xem xét, sớm thành lập Quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp như Chính phủ một số nước đang làm.
TPHCM đề xuất xem xét việc phong tỏa tài sản của các đơn vị có hoạt động liên quan đến một số vụ việc; chỉ đạo đẩy nhanh công tác hoàn thuế cho doanh nghiệp...
Về du lịch, TPHCM kiến nghị Chính phủ xem xét tăng thời hạn visa, hiện cấp 15 ngày cho du khách là quá ngắn.
Thứ hai, liên quan khó khăn của thị trường xăng dầu, TPHCM kiến nghị Chính phủ chú trọng mở room tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu. Đồng thời tính toán tỷ lệ chiết khấu hợp lý để đảm bảo an ninh chuỗi bán lẻ xăng dầu. Ngoài ra phải tính toán lại công tác tổ chức dự trữ xăng dầu quốc gia vì đây là mặt hàng có tính chiến lược quan trọng.
Thứ ba, TPHCM kiến nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể và hành động quyết liệt ổn định tình hình sau vụ việc của Ngân hàng SCB, nhất là hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp; đồng thời thông tin đầy đủ để người mua trái phiếu an tâm hơn.
Thứ tư, với lĩnh vực quy hoạch, đất đai, môi trường, TPHCM kiến nghị Chính phủ cho phép TPHCM thí điểm thực hiện áp dụng "Căn cứ để giao đất, cho thuê đất là văn bản phê duyệt kết quả trúng đấu giá, đấu thầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền" đối với các quỹ đất được chấp thuận chủ trương thanh toán cho các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Hợp đồng BT) trước ngày 1/1/2021.
Ngoài ra, cho phép thí điểm gia hạn sử dụng đất với một số trường hợp; cho phép Trung tâm Phát triển quỹ đất triển khai công tác khai thác ngắn hạn đối với các khu đất do Trung tâm quản lý nhưng chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất.
Thứ năm và thứ sáu, liên quan đến việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020, việc ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, TPHCM kiến nghị Thủ tướng và các bộ ngành ủng hộ chủ trương, sớm thẩm định trình Chính phủ, Quốc hội.
Thứ bảy, trong lĩnh vực y tế, TPHCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội nghiên cứu, ban hành giá dịch vụ khám chữa bệnh trong đó kết cấu đầy đủ các yếu tố chi phí. Đồng thời kiến nghị chấp thuận cho thành phố triển khai thí điểm mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế cho trạm y tế đối với 40 loại thuốc nhằm đáp ứng cung ứng thuốc điều trị bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế phường, xã, thị trấn.
Thứ tám, TPHCM kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng cho phép TPHCM được áp dụng cơ chế đặc thù để thực hiện dự án văn hóa và thể thao theo Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Thứ chín, Chính phủ, Thủ tướng sớm xem xét, cho chủ trương và báo cáo cấp có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trên địa bàn TPHCM.
Ngoài ra, TP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thông tin đầy đủ để người mua trái phiếu an tâm hơn.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thủ tướng kiểm tra các dự án trọng điểm
Hải Ninh