Lách chủ trương, vận dụng sai đối tượng cho con lãnh đạo
Tìm hiểu PV, từ chục năm trước, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cán bộ tại các cơ quan nhà nước, Quảng Ngãi đã ban hành các quyết định về quy trình, đối tượng tuyển chọn đưa người đi du học nước ngoài.
Cụ thể, việc chọn "hiền tài" này dựa trên ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi và Quyết định số 89 (ngày 29/5/2012) của UBND tỉnh, về việc cử sinh viên tốt nghiệp đại học đi du học, đào tạo thạc sỹ.
|
Quyết định 89 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc ban hành đề án thu hút nguồn nhân lực cao giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến 2020 nêu rõ điều kiện là các cá nhân được tài trợ kinh phí du học phải về phục vụ cho tỉnh ít nhất không dưới 10 năm và phải đền bù chi phí gấp 2 lần nếu không về phục vụ cho tỉnh. |
Theo đó, điều kiện để được được tuyển chọn đưa đi du học là sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy trong và ngoài nước; xếp loại tốt nghiệp đại học loại giỏi hoặc xuất sắc; tuổi đời không quá 30; lý lịch chính trị rõ ràng; có hộ khẩu thường trú tại Quảng Ngãi hoặc có cha, mẹ có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Quảng Ngãi.
Về chuyên ngành đào tạo sau đại học ở nước ngoài phù hợp với chuyên ngành học ở bậc đại học và nằm trong danh mục các ngành thuộc các lĩnh vực tỉnh có nhu cầu để tuyển dụng đi du học ở nước ngoài như: Hành chính công; Quản lý kinh tế, quản trị kinh doanh thương mại và dịch vụ du lịch; Quan hệ quốc tế; Luật pháp quốc tế, luật kinh tế...
Tỉnh quy định các điều kiện chặt chẽ cho đối tượng xét chọn này, phải có trình độ ngoại ngữ, có phẩm chất đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật... Trên cơ sở đó, Sở Nội vụ Quảng Ngãi tổ chức nhận hồ sơ, tổ chức sàng lọc hồ sơ các cá nhân nộp và trình UBND tỉnh để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi thẩm định, xét duyệt.
Kết quả 4 cá nhân được chọn và đều là con của các lãnh đạo sở ngành lúc đó gồm: bà Phạm Thị Mỹ Hạnh (con ông Phạm Thanh Hải, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy), Nguyễn Lê Ngọc Hà (con ông Nguyễn Chín, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy), Phạm Thành Việt (con ông Phạm Tấn Hoàng, Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi) và Huỳnh Thị Lan Viên (con ông Huỳnh Chánh, Giám đốc Sở Tài chính).
|
Sở Nội vụ Quảng Ngãi được UBND tỉnh Quảng Ngãi giao theo dõi và thu hồi tiền đã tài trợ cho các cá nhân đi du học nhưng không về phục vụ tỉnh như cam kết, nhưng đến nay việc thu hồi được bao nhiêu tiền vẫn là ẩn số. |
Tuy nhiên, khi có ồn ào dư luận địa phương, Ủy ban kiểm tra Trung ương Trung ương yêu cầu làm rõ, Tỉnh uỷ Quảng Ngãi chỉ đạo vào cuộc kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy có kết luận việc chi ngân sách cho 4 trường hợp trên du học (tháng 8/2020).
Theo đó, đã xác định rõ việc xét, chọn và tài trợ cho 4 cá nhân trên đi học thạc sỹ ở nước ngoài không đúng đối tượng. Thậm chí, có 1 trong số 4 trường hợp đưa đi đào tạo thạc sỹ ở nước ngoài không thuộc ngành nghề ưu tiên đào tạo.
Đặc biệt hơn, sau khi hưởng trọn gần 5 tỷ đồng tiền ngân sách này, cả 4 "nhân tài" đều không về cống hiến cho địa phương (tối thiểu 10 năm) và việc phạt, truy thu tiền (gấp đôi số tiền ngân sách nhà nước tài trợ) cũng chưa có hồi kết.
Sai phạm lớn, nguy cơ thất thoát tiền ngân sách, nhưng ngoài ông Trần Văn Thanh, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ngãi, người vào thời điểm đương chức Giám đốc Sở đã trực tiếp tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Ngãi trong công tác “lựa chọn nhân tài” bị tỉnh uỷ Quảng Ngãi kiểm điểm bằng hình thức “khiển trách”, đến nay việc xử lý vẫn chìm trong im lặng.
Trong khi đó, trao đổi với PV, Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ngãi Tạ Công Dũng lại cho rằng: "Đã có báo cáo, nhưng mật, không nói được (?!).
Không có căn cứ đưa vào tài liệu mật
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Công Tín, Công ty Luật Hợp danh FDVN (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) cho rằng, các cá nhân được cử đi du học bằng nguồn ngân sách nhà nước, có cam kết sẽ về phục vụ cho địa phương nhưng sau khi hoàn thành khoá học đã không chấp hành như đã cam kết từng xảy ra ở nhiều địa phương và có địa phương đã khởi kiện ra toà án để yêu cầu người học bồi hoàn chi phí đào tạo.
Như vậy, trong trường hợp của 4 cá nhân tại tỉnh Quảng Ngãi cũng tương tự. Do đó, việc Sở Nội vụ Quảng Ngãi nói đây là văn bản mật là chưa chuẩn xác theo các quy định hiện hành.
Theo luật sư Tín, theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước thì trường hợp nêu trên cũng không phải là bí mật nhà nước để áp dụng cơ chế bảo mật.
Việc xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước phải căn cứ vào danh mục bí mật nhà nước, mà danh mục bí mật nhà nước thì chỉ có một số người có thẩm quyền được lập. Độ mật của bí mật nhà nước được thể hiện bằng dấu chỉ độ mật...
"Như vậy, giả như việc "lộ" báo cáo này ra ngoài hoàn toàn không ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, ngược lại nó làm công khai minh bạch các quy định xét chọn người tài, việc thu hồi tiền đến đâu, xử lý sai phạm thế nào, để nhân dân giám sát. Đồng thời ngăn ngừa sai phạm các trường hợp tương tự khác, là bài học kinh nghiệm cần công khai, giám sát, tạo động lực để việc truy thu đạt hiệu quả cao", luật sư Tín phân tích.
Như Báo Giao thông đã phản ánh, ngày 29/5/2012, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Quyết định số 89 về đề án đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và thu hút nhân lực có trình độ cao giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Trên cơ sở đó, Sở Nội vụ trình và được tỉnh xét chọn 4 cá nhân.
Tuy nhiên, cả 4 trường hợp trên không thực hiện đúng như cam kết khi ra trường không về Quảng Ngãi làm việc, cống hiến.
Riêng trường hợp bà Nguyễn Lê Ngọc Hà có về nhận công tác tài Sở Tài chính tỉnh này. Tuy nhiên, chỉ thời gian ngắn sau bà Hà cũng rời đi.
Theo Lê Đức/Báo Giao thông