Quán quân Olympia du học không về nước: Đừng trách du học sinh

Google News

(Kiến Thức) - Khao khát của các em khi được du học là cần có một môi trường làm việc tốt và có điều kiện thể hiện, cống hiến tài năng, sức lực của mình. Thời đại hiện nay đã toàn cầu hóa, hội nhập, làm việc ở đâu mà có cơ hội, điều kiện tốt thì các em làm. Đó là một thực tế.

Ngay khi nữ sinh Nguyễn Thị Thu Hằng (Trường THPT Kim Sơn A, Ninh Bình) đăng quang Đường lên đỉnh Olympia 2020 và nhận một suất học bổng 40.000 USD, trên mạng xã hội lại tiếp tục xuất hiện những bình luận “Chúc mừng nước Úc”. Thậm chí nhiều ý kiến tranh cãi, tỏ ra không hài lòng về việc các quán quân Olympia sau khi đi du học không trở về đóng góp cho đất nước.
Năm 2020, tròn 20 năm chương trình đường lên đỉnh Olympia tổ chức tại Việt Nam và đã có hơn 3.000 học sinh tham gia cuộc thi này. Con số đi du học sau chương trình rất lớn không dừng lại chỉ ở 20 quán quân cuộc thi qua các năm. Tuy nhiên, thực tế rất ít du học sinh sau khi tốt nghiệp trở về đất nước để làm việc.
Quan quan Olympia du hoc khong ve nuoc: Dung trach du hoc sinh
 Nữ sinh Nguyễn Thị Thu Hằng (Trường THPT Kim Sơn A, Ninh Bình) đăng quang Đường lên đỉnh Olympia 2020
Nhiều ý kiến khác cho rằng, đừng quá khắt khe với các du học sinh bởi các em dù học tập, làm việc ở đâu nhưng nếu hướng về đất nước đều có thể có nhiều cách cống hiến cho đất nước như gửi ngoại tệ về nước, phối hợp với các đơn vị trong nước để phát triển giáo dục hay ngành nghề nào đó, thậm chí thành công ở nước ngoài cũng là mang vinh quang về cho đất nước khi mang tên tuổi, trí tuệ người Việt Nam đi khắp thế giới…
Ngay quán quân Olympia 2020 Thu Hằng khi trả lời báo chí về việc sau du học có trở về Việt Nam làm việc hay không dù nói rằng chưa có định hình cụ thể ở thời điểm này nhưng em cũng cho rằng: “Dù có học tập hay làm việc ở đâu thì vẫn có thể đóng góp, cống hiến cho quê hương, đất nước nếu mình hướng về”.
Trao đổi với PV Kiến Thức về vấn đề trên, PGS. TS Nguyễn Văn Tiệp, nguyên Trưởng khoa Nhân học, Trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG TP HCM cho rằng, hơn 20 năm qua đã có 3000 thí sinh tham gia cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia và đã có 20 quán quân.
“Đa số các em tham gia cuộc thi và giành quán quân đều là những học sinh giỏi, năng động, sáng tạo. Việc các em dành học bổng đi du học nước ngoài là hoàn toàn xứng đáng. Một thực tế các em đi du học sẽ được học trong một môi trường giáo dục ở các nước tiên tiến. Nền giáo dục của họ phát triển quá xa so với chúng ta. Nền giáo dục của Việt Nam đã có hội nhập nhưng chưa hội nhập sâu, thậm chí còn hội nhập chậm cho nên khoảng cách về giáo dục của Việt Nam với các nước phát triển là quá xa. Những em học sinh được du học đã được tiếp cận nền giáo dục hiện đại. Đây là cơ hội và cũng là cơ may cho các em” - PGS. TS Nguyễn Văn Tiệp nêu ý kiến.
Theo PGS. TS Nguyễn Văn Tiệp, khi các em du học sinh tiếp nhận nền giáo dục đó thì rõ ràng năng lực để làm việc của các em sẽ có chất lượng cao. Do đó, các học sinh này có thể làm việc ở những nơi xứng đáng ở các nước tiên tiến sau khi các em tốt nghiệp.
“Khi làm việc ở các nước tiên tiến, các em có nhiều yếu tố như thu nhập cao, thậm chí cao hơn Việt Nam cả chục lần. Tuy nhiên điều đó chưa phải là yếu tố hấp dẫn các em ở lại làm việc ở nước ngoài. Cái hấp dẫn các em chính là môi trường làm việc. Khao khát của các em khi được du học ở đó là cần có một môi trường làm việc tốt và có điều kiện thể hiện, cống hiến tài năng, sức lực của mình. Thời đại hiện nay đã toàn cầu hóa, hội nhập, làm việc ở đâu mà có cơ hội, điều kiện tốt thì các em làm. Đó là một thực tế.” - PGS. TS Nguyễn Văn Tiệp cho hay.
Nguyên Trưởng khoa Nhân học, Trường Đại học KHXH&NV TP HCM cũng nêu lên một thực tế khác là nhiều học sinh rất giỏi, không phải chỉ dựa vào học bổng của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia mà các em dành được các học bổng khác, thậm chí gia đình đầu tư cho đi du học. Một thực tế khác sau khi học xong, một số em cũng tâm huyết mong muốn về nước cống hiến nhưng khi về chính bản thân các em phải thất vọng.
“Thất vọng là thu nhập quá thấp không tương xứng với năng lực của các em. Tôi đã tiếp xúc một số trường hợp cũng đã thấy những chuyện như vậy. Chúng ta hay nói khẩu hiệu “Bồi dưỡng nhân tài”, “tìm kiếm tài năng”… rất hay nhưng thực tế môi trường tiếp nhận người tài làm việc thì luôn có những trở ngại rất lớn về môi trường làm việc, điều kiện về trang thiết bị vật chất” - PGS. TS Nguyễn Văn Tiệp nói.
Ông Tiệp dẫn ví dụ cụ thể, một số ngành, môi trường làm việc trong mối quan hệ giữa cán bộ với nhau trong cơ quan cũng có sự đố kỵ, mặc cảm người học trong nước với người học nước ngoài.
“Tôi cũng là người trực tiếp quản lý một số cán bộ đi nước ngoài về, bản thân tôi đã xin cán bộ nước ngoài về và tạo điều kiện cho họ làm việc nhưng cuối cùng môi trường làm việc của mình không đáp ứng được. Do đó, nhiều người trở về nước mà phải quay trở lại Mỹ, quay trở lại Úc và các nước khác. Khoa tôi làm là một điển hình.
Trong một dự án mà tôi trực tiếp phụ trách, có 5 em đi học tiến sĩ, thạc sĩ ở Mỹ và Canada nhưng chỉ có một em về nước. Bốn em ở lại nói rằng, môi trường làm việc ở đó tốt nên chưa thể về nước. Các em bày tỏ cũng muốn về phục vụ đất nước lắm nhưng chưa thể về được. Bản thân tôi cũng đã mời được 3 người từ nước ngoài về nhưng người cao nhất làm được 2 năm, người thấp nhất làm được 1 năm thì họ phải ra đi. Bởi học tiến sĩ, thạc sĩ ngành nhân học ở nước ngoài phải từ 7 đến 10 năm mới xong. Thời gian học như vậy nhưng làm ở Việt Nam lương thấp trong khi ở môi trường nước ngoài họ sẽ có thu nhập cao hơn rất nhiều, một ngày làm việc bằng lương ở Việt Nam cả một tháng” - PGS. TS Nguyễn Văn Tiệp dẫn ví dụ.
Từ đó, ông cho rằng, thực tế những điều kiện tối thiểu cho người có năng lực làm việc ở nước ta chưa đáp ứng được cái tối thiểu chứ chưa nói đến cái tối đa. Đây là một thực tế của hoàn cảnh nước mình.
Quan quan Olympia du hoc khong ve nuoc: Dung trach du hoc sinh-Hinh-2
 PGS. TS Nguyễn Văn Tiệp.
“Nếu nhà nước và các cơ quan chủ quản quản lý không tận dụng được tài năng và năng lực của các người đi học nước ngoài về mà họ tâm huyết thì cuối cùng, mọi cái đều tan biến hết cả. Khi nói về chuyện này, bản thân tôi thấy tiêu cực nhiều hơn là sự tích cực. Bởi hoàn cảnh nước mình chưa đảm bảo được việc này. Do vậy, phải công bằng, phải thông cảm và chia sẻ với các em. Nếu như đất nước cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho họ, không phải hôm nay mà có thể nay mai. Khi đó họ có năng lực có điều kiện làm việc, tôi tin rằng một số người sẽ quay trở lại phục vụ đất nước. Khi đó, năng lực của họ đã chín thì sự cống hiến sẽ tốt hơn” - PGS. TS Nguyễn Văn Tiệp nêu quan điểm.
Ông Tiệp cho rằng, trong điều kiện hiện nay dù các em học xong và tốt nghiệp ở nước ngoài nhưng điều kiện chưa chín và đang mong đợi một cơ hội làm việc tốt hơn thì nên tạo điều kiện để cho các em ở nước ngoài.
“Nếu biết dùng người sẽ không lãng phí. Chúng ta tạo điều kiện tốt thì việc này rất đơn giản. Ngay Trung Quốc còn lôi nhiều nhà khoa học tài giỏi từ nước ngoài về Trung Quốc và họ trả tiền lương còn cao hơn cả Mỹ. Họ dám làm những chuyện như thế nhưng mà ở ta chưa làm được. Hơn nữa, Việt Nam còn có rất nhiều rào cản chưa tháo gỡ được nên phải chấp nhận cho các em. Đừng nghĩ thế hệ trẻ thế này, thế kia, đi học rồi không đóng góp cho đất nước. Tôi tin rằng, các em không hư bởi về mặt năng lực, phẩm chất các em đều rất tốt, quan trọng nhất chúng ta phải tạo điều kiện tốt cho các em làm việc mới mong muốn thu hút được các em về nước để cống hiến lâu dài” - PGS. TS Nguyễn Văn Tiệp nêu ý kiến. 
>>> Mời độc giả xem thêm video Nữ sinh duy nhất Thu Hằng đăng quang Đường lên đỉnh Olympia 2020

Nguồn: VTV 24


Hải Ninh