Tiếp tục gia tăng con số thiệt hại
Theo báo cáo từ Văn phòng Thường trực, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai ngày 18/12, tính đến 17h ngày 17/12, các tỉnh miền Trung bị ngập lụt trong đợt mưa lũ vừa qua đã tăng lên con số thiệt hại. Cụ thể, về người, 17 người chết, tăng 7 người so với báo cáo ngày 16/12, trong đó tìm thấy thi thể 3 người mất tích ở Bình Định (Khánh Hòa: 2 người; Thừa Thiên Huế: 4 người; Bình Định: 11 người). Hai người mất tích, 14 người bị thương (tăng 8 người so với báo cáo nhanh ngày 16/12 (Phú Yên: 6 người; Quảng Ngãi: 6 người; Quảng Nam: 2 người).
Về nhà ở: Nhà bị sập đổ, cuốn trôi: 180 nhà (Quảng Ngãi: 9 nhà; Bình Định: 85 nhà; Phú Yên: 40 nhà; Khánh Hòa: 39 nhà; Ninh Thuận 5 nhà; Gia Lai: 2 nhà); hư hỏng 88 nhà. Nhà bị ngập nước: 85.620 nhà, giảm 11.716 nhà (Thừa Thiên Huế: 2.500 nhà; Đà Nẵng: 2.141 nhà; Quảng Nam: 7.750 nhà; Quảng Ngãi: 4.281 nhà; Bình Định: 68.948 nhà). Hiện tình hình ngập nước đã giảm, các địa phương đang tiếp tục tổ chức thống kê đánh giá thiệt hại. Nhà phải di dời khẩn cấp: 5.872 nhà (Quảng Nam: 51 nhà; Bình Định: 5.821 nhà).
|
Mưa lũ đang gây thiệt hại lớn ở một số tỉnh miền Trung. |
Về Nông nghiệp: 18.544ha lúa; 9.251ha hoa màu và 1.491ha cây trồng hàng năm bị ngập, hư hại.
Về Giao thông: Thừa Thiên Huế: Các tuyến đường quốc lộ đã thông xe bình thường, một số tuyến đường thuộc khu vực thấp trũng của các huyện: Quảng Điền, Phong Điền, thị xã Hương Trà hiện vẫn bị ngập từ 0,2-0,3m. Quảng Nam: Tuyến QL40B bị ngập nước tại các ngầm Km38+440, ngầm Sông Trường (Km62+378) và ngầm Nước Oa (Km62+880), hiện nước đang rút chậm. Quảng Ngãi: Tuyến Quốc lộ Trường Sơn Đông bị sạt lở 1 đoạn với khối lượng khoảng 200m3 đất. Tuyến đường Tỉnh lộ 624, 628 nhiều đoạn bị sạt lở, hư hỏng. Một số tuyến đường tỉnh, huyện, xã thuộc các huyện: Nghĩa Hành, Trà Bồng, Ba Tơ, Minh Long, Đức Phổ, Tư Nghĩa hiện vẫn bị ngập sâu, chia cắt cục bộ. Bình Định: Hiện còn 76 điểm giao thông bị ách tắc; 65.850m đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng; 14.051 m3 đất bị sạt lở; 1.995 m3 đá, bê tông, nhựa đường, 39 cống và 17 cầu bị hư hỏng; Phú Yên: Các tuyến Quốc lộ bị sạt lở, bồi lấp 7.357 m3 đất đá, 8.450 m2 mặt đường bị hư hỏng, bong tróc. Một số điểm cục bộ thuộc các tuyến đường tỉnh, huyện, xã hiện vẫn bị ngập gây ách tắc giao thông. Các tỉnh Khánh Hòa, Gia Lai: Hiện nước đã rút, các tuyến đường giao thông chính đã lưu thông bình thường.
Về Thủy lợi: 74.750m kênh mương, 23.250m đê bối, bờ bao bị sạt lở; 5.949 m3 đất, đá kênh mương bị cuốn trôi. Về Chăn nuôi: 1381 con gia súc, 62.046 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Thông tin từ UBND tỉnh Bình Định, đến lúc này toàn tỉnh đang chìm trong lũ. Tất cả 11 huyện, thị xã với 100 xã, phường bị ngập lụt. Trong đó khoảng 50 xã phường bị ngập sâu, 26 xã bị cô lập, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của người dân, thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng. Thiệt hại về tài sản thì chưa thể thống kê được nhưng hạ tầng giao thông trong tỉnh đã bị hư hỏng nặng, trở lại tình trạng như 10 năm trước đây. Từ đầu tháng 12 đến nay, tỉnh Bình Định phải chống chọi với 4 đợt lũ liên tiếp. Hiện toàn tỉnh đã có 25 người chết, 10 người bị thương và thiệt hại về tài sản ướt tỉnh 1.230 tỷ đồng.
Khẩn trương hỗ trợ người dân vùng ngập lụt
Ngày 17/12/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai với Ban chỉ huy PCTT và TKCN 09 tỉnh/thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận và Gia Lai để chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục hậu quả do mưa, lũ. Tại cuộc họp này, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Tuyệt đối không để người dân bị đói, rét trong mưa lũ”.
Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai hiện nay, công tác cứu trợ tại các địa phương đang được khẩn trương triển khai.
Tại tỉnh Bình Định, đã tổ chức tiếp nhận 4,0 tấn lương khô từ Bộ Quốc phòng; 7 canô (cấp cho Công an tỉnh 3 chiếc và Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh 4 chiếc), 70 bộ nhà bạt, 500 áo phao, 1000 phao tròn từ Tổng cục Dự trữ quốc gia – Bộ Tài Chính và tổ chức cấp phát cho các địa phương và đơn vị liên quan: Tuy Phước, An Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát. Tiếp nhận các loại hàng cứu trợ trị giá khoảng 12 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân và phân phát cho các địa phương trong vùng ngập lũ.
|
Công tác cứu hộ đang được khẩn trương tiến hành. |
Ghi nhận tại Bình Định, Ngay khi lũ xảy ra, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã dẫn đầu đoàn công tác Trung ương đi kiểm tra công tác phòng chống mưa lũ tại Bình Định. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí đã trực tiếp tham gia cùng đoàn công tác. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chia sẻ với những khó khăn chưa từng có mà tỉnh Bình Định và một số tỉnh miền Trung đang phải gánh chịu. Đồng thời, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành có liên quan và địa phương tập trung chỉ đạo ứng phó với mưa lũ với tinh thần là phải chủ động, quyết liệt phòng, chống lũ, tránh tư tưởng chủ quan. Đặc biệt, huy động mọi nguồn lực tham gia ứng phó với mưa lũ, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại và không để người dân bị thiếu đói. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị tập trung cứu trợ khẩn cấp cho người dân, đặc biệt là người dân ở những vùng bị cô lập, nước lũ đang tiếp tục dâng cao.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí cũng đã khẳng định sẽ xuất cấp gạo từ kho dự trữ quốc gia để cứu đói. Bộ cũng sẽ cấp ngay phao tròn, áo phao, xuồng cho Bình Định. Trước ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và ý kiến chỉ đạo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí, ngay trưa 16-12-2016, Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Phạm Phan Dũng đã trao đổi trực tiếp với Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định về phương thức tổ chức triển khai, đồng thời, chỉ đạo Cục DTNN KV Nghĩa Bình khẩn cấp thực hiện ngay xuất cấp cứu nhân dân vùng lũ. Kết quả, ngay trong chiều ngày 16/12/2016, Cục DTNN khu vực Nghĩa Bình đã xuất cấp 07 bộ xuồng cho các lực lượng địa phương. Trong sáng ngày 17/12, Cục DTNN khu vực Nghĩa Bình đã xuất cấp tiếp 100 chiếc phao áo, 1.000 chiếc phao tròn, 01 bộ xuồng cao tốc và 70 bộ nhà bạt loại 16,5 m cho các lực lượng địa phương.Bên cạnh đó, Tổng cục DTNN cũng chỉ đạo Cục DTNN khu vực Nghĩa Bình sẵn sàng đủ nguồn gạo để kịp thời hỗ trợ nhân dân ngay khi có quyết định. Dù thực hiện nhiệm vụ rất cấp bách song bằng sự chủ động của đơn vị nên Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Cục DTNN khu vực Nghĩa Bình) đã không quản ngại vất vả, kịp thời xuất xuồng cao tốc dự trữ quốc gia, phao áo, phao tròn, nhà bạt… để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Phạm Phan Dũng cho biết: “Số lượng hàng DTQG đã được Bộ chỉ huy quân sự, Công an tỉnh, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy tỉnh, Sở Nông nghiệp PTNT tỉnh sử dụng ngay cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai, kịp thời đưa người dân ra khỏi vùng ngập lũ”.
Tại Quảng Ngãi: Tổ chức hỗ trợ 4.590 thùng mỳ tôm, 4.150 thùng nước khoàng và một số nhu yếu phẩm thiết yếu khác cho các huyện: Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức. Tại Phú Yên: Tiếp nhận 4,0 tấn lương khô từ Bộ Quốc phòng và tổ chức cấp phát cho các huyện: Đông Hòa, Tuy An.
Tại Khánh Hòa: Tiếp nhận 4,0 tấn lương khô từ Bộ Quốc phòng và tổ chức cấp phát cho các huyện/thành phố: Nha Trang, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Diên Khánh, Vạn Ninh, Ninh Hòa, Cam Ranh và Cam Lâm.
Hải Ninh