Lần đầu tiên Nhà hát lớn Hà Nội, nơi được coi là thánh đường nghệ thuật sẽ chính thức gia nhập tour du lịch để phục vụ du khách với những sản phẩm đặc thù.
Nội dung này được đưa ra tại buổi tọa đàm "Xây dựng sản phẩm du lịch, khai thác chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ khách du lịch tại Nhà hát lớn Hà Nội" do Tổng cục Du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn và Nhà hát lớn phối hợp tổ chức ngày 10-5.
Cụ thể, Nhà hát lớn sẽ bắt đầu mở cửa đón khách tham quan và xem biểu diễn nghệ thuật từ tháng 6-2017 với tần suất hai buổi/tuần. Nhà hát sẽ xây dựng hai gói sản phẩm du lịch, một gói dành cho khách chỉ vào tham quan với mức giá 120.000 đồng/người và gói còn lại 400.000 đồng vừa tham quan vừa xem biểu diễn nghệ thuật.
Chương trình nghệ thuật này mang tên Sắc Việt do Bộ VH-TT&DL chủ trì, có sự tham gia của bốn nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Tuồng, Chèo và Múa rối Việt Nam. Các tiết mục trong chương trình được chọn lọc: Hòa tấu dàn nhạc, trích đoạn tuồng Ông già cõng vợ đi xem hội, Chùm sáo các dân tộc Việt Nam, Tình trăng, tình núi; múa rối Vũ điệu chim công; hát chầu văn Cô bé Đông Cuông và tam tấu đàn đá - T’rưng Đêm hội Tây Nguyên... Tuy nhiên, cả hai sản phẩm này đều chưa nhận được sự đồng thuận của các đơn vị lữ hành du lịch.
Bà Trương Thị Thảo, Giám đốc Công ty CP Du lịch Tia sáng Mêkông, bày tỏ: “Tôi thấy tần suất đưa ra hai buổi một tuần không hợp lý. Khi giới thiệu một tour không thể nào chúng tôi chỉ bán thứ Hai và thứ Sáu, bởi cái này phụ thuộc hoàn toàn vào khách”.
Đồng tình với bà Thảo, ông Nguyễn Hồng Nguyên, phụ trách phòng phát triển thị trường, Công ty Lữ hành Hanoitourist, cũng chia sẻ: “Chúng ta muốn làm chuyên nghiệp mà chỉ tổ chức hai buổi một tuần thì hơi khó. Còn chương trình biểu diễn mà làm ban ngày thì bể sô ngay, bởi khách thường xem biểu diễn ở thời điểm trước khi chốt ngày. Chúng tôi làm du lịch lâu năm cũng rút ra kinh nghiệm rất ít khách tham quan Hà Nội vào nhà hát buổi trưa”.
|
Tiết mục hát chầu văn Cô bé Đông Cuông được biểu diễn lấy ý kiến. |
Đặc biệt, trong phần đánh giá về chương trình biểu diễn nghệ thuật, gần như đa số các ý kiến đều bày tỏ sự không hài lòng với chương trình này. Các đại biểu dùng những từ như lẩu thập cẩm, buffet nghệ thuật…
Các ý kiến bên cạnh việc ghi nhận nỗ lực của các nghệ sĩ, các đoàn nghệ thuật cũng cho rằng cần phải có bản sắc, có chủ đề cho chương trình chứ không phải “bốc chỗ này một chút, bốc chỗ kia một chút” để đưa vào.
“Nghệ thuật dân gian Việt Nam khó truyền tải cho khách nước ngoài. Một số chương trình như Xiếc làng tôi, À ố show... thu hút người xem vì có nhiều hình thức chuyển tải” - ông Nguyễn Tiến Quang, Công ty Du lịch Exo Travel, đồng tình.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các đại biểu, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, lưu ý các công ty: “Nhà hát lớn là địa chỉ vô cùng danh giá. Ở đây chúng ta không chỉ nhằm kinh doanh mà còn khiến các giá trị nghệ thuật Việt Nam thăng hoa. Chúng ta sẽ ưu tiên hướng tới khách nước ngoài để tập trung quảng bá văn hóa Việt Nam. Chúng tôi sẽ đề xuất hỗ trợ các công ty lữ hành khi xây dựng tuyến khảo sát tour cũng như chương trình đưa khách đến Nhà hát lớn trong năm 2017 và tiếp tục thực hiện trong năm 2018. Tuy nhiên, chúng ta phải sống được, phải thu hút và khiến khách hài lòng”.
Ban tổ chức cũng ghi nhận các ý kiến, tập hợp và có điều chỉnh thêm cho phù hợp trước khi ký kết hợp tác với các công ty lữ hành.
Theo Viết Thịnh/Pháp Luật TPHCM