Sáng 17/2, Cục Hàng không Việt Nam đã phát hành Điện văn qua đường hàng không (NOTAM) để thông báo tới các Hãng hàng không, Người khai thác tàu bay trên toàn thế giới việc Việt Nam dỡ bỏ toàn bộ các hạn chế về việc vận chuyển hàng khách bằng đường hàng không.
Theo thông báo này, các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài được phép khai thác với tần suất, đường bay giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ trên cơ sở các thỏa thuận tại Hiệp định hàng không song phương, đa phương đã ký kết.
|
Cục Hàng không Việt Nam đã phát hành Điện văn qua đường hàng không (NOTAM) để thông báo tới các Hãng hàng không, Người khai thác tàu bay trên toàn thế giới việc Việt Nam dỡ bỏ toàn bộ các hạn chế về việc vận chuyển hàng khách bằng đường hàng không. |
Cục Hàng không Việt Nam cũng đã gửi thư trực tiếp tới các Nhà chức trách hàng không của các quốc gia, vùng lãnh thổ nằm trong danh sách thị trường bay thí điểm trong giai đoạn đầu và từ ngày 15/2/2022 là tất cả các thị trường mà các hãng đã khai thác trước Covid- 19 để khôi phục các đường bay quốc tế thường lệ chở khách đến Việt Nam.
Hành khách khi nhập cảnh Việt Nam trên các chuyến bay quốc tế thực hiện các quy định hiện hành về nhập cảnh và phòng chống dịch.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đối với tình hình vận chuyển nội địa, giai đoạn Tết Nguyên đán vừa qua, nhu cầu đi lại của người dân đã có bước tăng đột biến, vượt dự báo.
Tại một số thời điểm đã có hiện tượng ùn tắc do quá tải, đặc biệt tại Tân Sơn Nhất. Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết bất thường ảnh hưởng tới việc cất hạ cánh vào một số thời điểm trong Tết tại các cảng hàng không phía Bắc như Vinh (tỉnh Nghệ An), Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hóa), Nội Bài (Hà Nội) đã gây gián đoạn hoạt động, điều chỉnh lịch bay, ảnh hưởng không nhỏ tới việc đi lại của hành khách và hoạt động của cả dây chuyền hàng không. Nhưng, Cục Hàng không Việt Nam đã cùng các đơn vị trong ngành làm việc xuyên suốt giai đoạn Tết để liên tục đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn chung.
Có thể thấy đây là một tín hiệu đáng mừng của ngành hàng không nói riêng và của cả nước nói chung, chứng tỏ rằng toàn xã hội đã có bước thích ứng linh hoạt theo đúng chủ trương bình thường mới của Chính phủ khi mật độ tiêm vắc xin được phủ rộng, ý thức phòng chống dịch của người dân được nâng cao.
Đối với việc thí điểm mở lại các đường bay quốc tế (tháng 1/2022), lượng khách quốc tế đi/đến Việt Nam tăng lên hơn 103.000 khách trong tháng 1; đến hết ngày 14/2 là 153.000 khách. Trước khi mở lại các đường bay quốc tế thường lệ, trung bình khách quốc tế đi/đến Việt Nam khoảng từ 40.000-50.000 khách/tháng.
Để có được kết quả này, các đơn vị trong ngành hàng không từ cơ quan quản lý Nhà nước tới doanh nghiệp, đặc biệt là các hãng hàng không Việt Nam, các cảng hàng không, cơ quan quản lý bay đã có sự chuẩn bị sẵn sàng từ giữa năm 2021 để có thể khai thác trở lại từng bước trong giai đoạn Quý IV/2021, ban đầu là thị trường nội địa và tiếp theo là thị trường quốc tế.
Mới đây nhất, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp bàn về phương án mở cửa lại hoạt động du lịch. Phó Thủ tướng đã đồng ý với ý kiến đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về thời gian mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về “thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19” kể từ ngày 15/3/2022.
Trên tinh thần chỉ đạo đó, Cục Hàng không Việt Nam đã chủ động tham mưu báo cáo Bộ GTVT các chương trình, kế hoạch khai thác trở lại các đường bay quốc tế, nội địa và đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành hàng không chuẩn bị sẵn sàng từ trang thiết bị cho tới nguồn nhân lực để khi khai thác trở lại đáp ứng nhu cầu vận chuyển bằng đường hàng không và đảm bảo đáp ứng yêu cầu tuyệt đối về an toàn, an ninh hàng không.
Về việc cấp thị thực nhập cảnh (visa), trong điều kiện bình thường mới, từ 15/3, sẽ dừng áp dụng các biện pháp giới hạn về cấp visa và thực hiện như trước khi có dịch, bao gồm cấp visa điện tử, miễn visa đơn phương, song phương. Việt Nam trước đây đã miễn visa đơn phương cho 13 nước và song phương cho 88 quốc gia/vùng lãnh thổ.
Điều đặc biệt, du khách quốc tế khi đến Việt Nam không phải đăng ký theo tour, tuyến du lịch, mà chỉ cần đáp ứng đầy đủ các quy định của Bộ Y tế. Mức phí bảo hiểm khách phải đóng, trung bình khoảng 30 USD/người, để được hưởng mức bảo hiểm 10.000 USD nếu phải điều trị COVID-19 tại Việt Nam.
>>> Mời độc giả xem thêm video Ninh Thuận: du lịch dưới tán nho:
Hải Ninh