Theo bản tin cảnh báo mưa lớn trên diện rộng ở Bắc Bộ phát lúc 3h30 sáng 25/6 của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục Tây Bắc-Đông Nam qua Bắc Bộ kết hợp với xoáy thấp phát triển lên đến độ cao 5000m trên khu vực vùng núi phía Bắc nước ta nên trong đêm qua (24/6) và sáng sớm nay (25/6) ở các tỉnh Tây Bắc, Việt Bắc tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, một số nơi mưa rất to như Mường Tè (Lai Châu) 117mm, Mường Lay (Lai Châu) 87mm, Sìn Hồ (Lai Châu) 77mm,…
Ngày 25/6, rãnh áp thấp có trục Tây Bắc-Đông Nam đi qua khu vực Bắc Bộ, trên khu vực vùng núi Bắc Bộ tiếp tục tồn tại xoáy thấp phát triển lên đến độ cao 5000m.Dự báo: Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục Tây Bắc-Đông Nam kết hợp với xoáy thấp phân tích trên, từ hôm nay (25/6) đến sáng ngày 27/6 ở Bắc Bộ có mưa rào và dông trên diện rộng, khu vực vùng núi và trung du có mưa to, có nơi mưa rất to và dông mạnh (thời gian mưa to tập trung vào đêm và sáng). Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Thời tiết khu vực Hà Nội: Từ nay đến 26/6: Có mưa rào và dông, trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh.
|
Mưa lớn khiến cho mực nước trên sông Lô, đoạn chảy qua TP Hà Giang dâng cao. Ảnh: Hagiang.gov.vn |
Trước đó, theo số liệu thống kê của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tính đến 18h00 ngày 24/6/2018 đã có 5 người chết (Hà Giang: 2 người do nhà sập, Lai Châu 03 người do trên đường về và đi cứu vịt bị lũ cuốn trôi); 3 người mất tích (Lai Châu) và 5 người bị thương (Lai Châu).
Mưa lũ khiến 62 nhà bị thiệt hại hoàn toàn (Hà Giang: 16, Lai Châu: 06, Thái Nguyên: 24, Lào Cai: 19); Thiệt hại và ảnh hưởng: 87 nhà (Lai Châu: 33, Thái Nguyên: 204). Hơn 191ha diện tích lúa; 0,4 ha Diện tích mạ; 98 ha hoa màu. Mưa lũ cũng khiến Quốc lộ 4C bị vùi lấp tại Km62-Km67 (Hà Giang), đường tỉnh lộ huyện Quản Bạ sạt lở 3500m3 (Hà Giang), sạt lở đường giao thông ở huyện Văn Bàn 1500m3. Ngoài ra có nhiều tuyến đường bị chia cắt, cô lập do lũ lên nhanh
Ngày 24/6, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Uỷ ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ban hành Công điện số 06 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh miền núi phía Bắc: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của mưa, lũ, sạt lở đất và các tình huống bất thường, giảm thiệt hại về người và tài sản, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Uỷ ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, các Bộ, ngành khẩn trương triển khai, thực hiện việc theo dõi diễn biến mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất; kiểm tra, rà soát các khu vực ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nhà ở không an toàn để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn, đặc biệt khu vực đang có mưa lớn, diễn biến sạt lở.
Triển khai phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn các công trình phòng chống lũ theo cấp báo động; tổ chức tuần tra canh gác, kiểm tra, rà soát việc chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện theo quy định. Bố trí lực lượng kiểm soát giao thông tại các khu vực đường bị ngập, bến đò...để hướng dẫn người, phương tiện qua lại. Kiểm soát việc đảm bảo an toàn theo quy định các phương tiện khi hoạt động. Nghiêm cấm vớt củi, các vật trôi trên sông khi đang có lũ. Thông báo cho các chủ đầu tư có công trình đang xây dựng trên sông, ven sông, các phương tiện vận tải thuỷ và chủ đầu tư, đơn vị thi công trên các khu vực khai thác khoáng sản biết thông tin về mưa, lũ để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, công trình.
Triển khai phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa, kiểm soát chặt chẽ việc xả lũ của các hồ chứa nhằm đảm bảo an toàn hồ, đồng thời chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản ở hạ du các công trình. Rà soát việc chuẩn bị theo phương châm "4 tại chỗ", chú trọng việc dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm...để công trình sẵn sàng ứng phó với các tình huống khi có mưa, lũ lớn. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Uỷ ban Quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Hải Ninh