45 người chết, mất tích, bị thương, thiệt hại trên 500 tỷ đồng
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Cao Bằng, mưa lũ xảy ra từ 01-03/8 trên địa bàn các tỉnh đã gây thiệt hại rất nặng nề.
Mưa lũ đã khiến 45 người chết, mất tích, bị thương. Cụ thể, 9 người chết (Yên Bái: 2 người, Sơn La: 6 người, Lai Châu: 1 người); 24 người mất tích (Yên Bái: 12 người, Sơn La: 10 người, Lai Châu: 2 người); 12 người bị thương (Yên Bái: 9 người, Sơn La: 3 người).
Lũ quét ở Yên Bái, Sơn La, Lai Châu... đã khiến 196 nhà bị cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn (Yên Bái: 29 nhà, Sơn La: 167 nhà); 75 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở (Yên Bái: 25 nhà, Sơn La: 43 nhà, Điện Biên: 7 nhà); 102 nhà tốc mái (Cao Bằng: 37 nhà, Điện Biên: 65 nhà).
|
Mưa lũ xảy ra tại các tỉnh miền núi phía bắc đã khiến 45 người chết, mất tích, bị thương, hàng trăm nhà bị cuốn trôi, sập đổ. Thiệt hại trên 500 tỷ đồng.
|
Hơn 130 ha lúa bị cuốn trôi, vùi lấp do sạt lở (Sơn La: 119ha, Điện Biên 12ha); 124ha ngô, lạc bị thiệt hại (Sơn La: 121ha, Điện Biên 3ha); 5 ha đất ruộng bị sạt lở (Lai Châu: 2ha, Điện Biên: 3ha); 89 gia súc (Yên Bái: 10 con, Sơn La: 40 con, Lai Châu: 29 con, Điện Biên 10 con), 835 gia cầm (Sơn La: 800 con, Điện Biên 30 con, Cao Bằng 5 con) bị chết.
Ngoài ra, nhiều công trình bị hư hại như sạt lở 13.642m3 đường quốc lộ (Điện Biên: 13.442m3 trên QL 12, QL279B, QL 279C, QL 4H; Yên Bái: 200m3 trên QL32); 40.136m3 đường tỉnh lộ (Lai Châu: 9000m3 trên một số tuyến đường giao thông huyện Nậm Nhùn, Mường Tè; Điện Biên: 14.636m3 trên ĐT150, ĐT142, ĐT143; Yên Bái: 16.500m3 trên tuyến đường tổ 8, thị trấn Mù Cang Chải, đường tuyến xã Chế Cu Nha và Chế Cu Nha II). Ngoài ra, lũ cuốn trôi 3.000m đường tỉnh lộ 109 làm xã Nậm Chiến và thủy điện Nậm Chiến bị cô lập; đường tỉnh lộ đi 5 xã huyện của huyện Mường La bị sạt lở gây ách tắc giao thông; 144 công trình thủy lợi bị thiệt hại (Yên Bái: 141 công trình, Sơn La: 3 công trình); 2000m kè bờ suối thuộc huyện Mường La, tỉnh Sơn La.
Tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra ước tính trên 538,2 tỷ đồng.
Khẩn trương tìm kiếm người mất tích, khắc phục sự cố do lũ quét
Sáng ngày 03/8/2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.
Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo địa phương cần rà soát, di dời khẩn cấp những hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; đồng thời triển khai hỗ trợ cho người dân, gia đình có người chết và mất tích, bị thương và những gia đình bị mất nhà cửa; chủ động khắc phục các công trình cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, nhất là các tuyến đường giao thông.
Tại tỉnh Yên Bái, ngay trong sáng 3/8, khi xảy ra lũ quét tại Mù Căng Chải, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái đã thành lập đoàn công tác do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn cùng các lãnh đạo UBND tỉnh Yên Bái và các sở, ngành lên chỉ đạo, kiểm tra công tác khắc phục hậu quả lũ ống, lũ quét xảy ra trên địa bàn huyện Mù Cang Chải. Trước mắt hỗ trợ đối với các gia đình có người chết và mất tích 10 triệu đồng/người; hỗ trợ người bị thương 2,5 triệu đồng/người; hỗ trợ các gia đình có nhà bị cuốn trôi 25 triệu đồng/nhà; đối với các nhà bị sạt lở là 10 triệu đồng/nhà; đồng thời hỗ trợ các gia đình có nhà bị trôi hoàn toàn 15kg gạo/khẩu/tháng trong thời gian 6 tháng. Chỉ đạo Ủy ban MTTQ tỉnh vận động cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn toàn tỉnh và kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại sớm ổn định cuộc sống.
|
Khẩn trương tìm kiếm người mất tích, khắc phục sự cố sau lũ quét. |
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Yên Bái đã tổ chức huy động lực lượng tại chỗ với số lượng trên 900 người để tìm kiếm người bị nạn, tìm kiếm người mất tích; tổ chức các đoàn thăm hỏi các gia đình có người bị thiệt mạng, chỉ đạo di dời nhà có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét; dọn đất đá khắc phục giao thông; giúp dân sửa chữa nhà cửa bị hư hỏng, ổn định sản xuất, thống kê tổng hợp tình hình thiệt hại.
Tại tỉnh Sơn La, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, UBND huyện Mường La kiểm tra công tác khắc phục hậu quả lũ ống, lũ quét xảy ra trên địa bàn huyện Mường La; đã huy động trên 2.500 người bao gồm (lực lượng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, huyện; lực lượng công an huyện, lực lượng cơ động tỉnh, các cán bộ công chức huyện, các khối đoàn thể...và nhân dân) để tìm kiếm người bị nạn, di dời dân đến nơi an toàn và khắc phục hậu quả thiên tai.
>>> Mời độc giả xem video lũ quét tại Mù Căng Chải - Nguồn FB Vũ Đỗ Văn:
Đối với các hộ có nhà bị cuốn trôi hoàn toàn đã bố trí chỗ ở tạm tại khu tập thể Trung tâm Chính trị huyện; đối với các hộ phải di dời khẩn cấp đã bố trí các lực lượng tham gia tháo dỡ nhà di chuyển đến điểm tái định cư Nà No. Hội Chữ thập đỏ huyện đã hỗ trợ cho các hộ gia đình có người bị chết, mất tích, bị thương và các hộ có nhà bị lũ cuốn trôi và sập đổ phải di chuyển với số tiền là hơn 500 triệu đồng và UBND huyện Mường La đã hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại hơn 600 triệu đồng.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hiện lũ trên sông Đà đến hồ Lai Châu và hồ Sơn La đang giảm; lúc 9h00 ngày 3/8, lưu lượng đến hồ Lai Châu ở mức: 2.650 m3/s; đến hồ Sơn La ở mức: 6.200m3/s, hồ thủy điện Lai Châu hiện đang mở 3 cửa xả mặt. Dự báo 24 giờ tới, lưu lượng đến hồ Lai Châu sẽ ở mức: 2.650 m3/s; đến hồ Sơn La sẽ ở mức: 4.600m3/s (với điều kiện hồ Lai Châu tiếp tục duy trì mở 3 cửa xả mặt).
Tuy nhiên, sạt lở đất và lũ quét trên các sông suối nhỏ có khả năng xảy ra tại các tỉnh ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt tại các huyện: Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè; Nậm Nhùn, Tà Tổng (Lai Châu); Mường Lay, Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa, Mường Chà (Điện Biên); Mường La, Mường Sại (Sơn La); Mường Khương, Bắc Hà, Bảo Thắng (Lào Cai); Yên Minh, Hoàng Xu Phì, Xín Mần, Bắc Mê, Bảo Lạc (Hà Giang); Mù Cang Chải (Yên Bái); Thông Nông (Cao Bằng). Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.
Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề xuất và kiến nghị một số công việc trọng tâm cần tiếp tục triển khai như tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tập trung tìm kiếm người mất tích; cứu chữa người bị thương, tổ chức thăm hỏi động viên những gia đình có người bị chết; giúp dân sửa chữa lại nhà cửa, hỗ trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu, phục hồi sản xuất; Theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ, tiếp tục triển khai quyết liệt công tác truyền thông, cảnh báo mưa, lũ; rà soát các khu vực ven sông, ven suối, khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ quét; kiên quyết di dời các hộ dân đến nơi an toàn. Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, đường ngập nước, đò ngang để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện; Huy động lực lượng để khắc phục giao thông, nhất là các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, liên huyện và các khu vực bị cô lập, chia cắt...
Hải Ninh